Trong báo cáo mới được công bố, CTCK KIS cho rằng Chính phủ là nhà đầu tư chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng trong quý 3. Trong khi niềm tin doanh nghiệp tư nhân và FDI trong nước vẫn còn yếu, Nhà nước đã giải ngân 186 nghìn tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 11% của quý 2 và 7% của quý 1, cho thấy cam kết đầu tư công là một trong những động lực tăng trưởng chính cho năm nay.
Dù vậy, KIS cho rằng vẫn có 2 mối quan ngại chính lúc này đến từ (1) tiêu dùng trong nước, đầu tư yếu đi kèm tín dụng yếu và (2) Dòng vốn FDI đang thu hẹp.
Theo KIS, tiêu dùng của hơn 90 triệu người dân và đầu tư của khu vực tư nhân trong nước lại không có gì nổi bật trong quý 3, được tái khẳng định bởi tăng trưởng tín dụng yếu. Tính đến ngày 14/9, dư nợ tín dụng chỉ tăng 4,81% so với đầu năm, chỉ bằng một nửa so với mức 9,4% cuối tháng 9/2019 và dường như đã chậm lại trong 2 tháng qua. Trong khi đó, các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn thanh toán do COVID-19 đã tăng nhanh gấp 5 lần, từ 62,8 nghìn tỷ đồng vào cuối tháng 4 lên 321 nghìn tỷ đồng vào cuối tháng 9. Khi tử số cao hơn mẫu số, các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trên tổng số các khoản nợ tăng từ 0,8% lên 3,7%, cho thấy chất lượng tín dụng chung đang đi xuống.
Về dòng vốn FDI, vốn là động lực tăng trưởng của kinh tế và thương mại Việt Nam kể từ khi gia nhập WTO năm 2006, đang suy yếu. Mặc dù lệnh cấm du lịch quốc tế là một cách hiệu quả để ngăn chặn virus lây lan, tuy nhiên, nó cũng đang ngăn các nhà đầu tư đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội, đồng thời ngăn Việt Nam tận dụng lợi thế từ việc đồng bạc xanh giảm giá trên toàn cầu. Tính đến tháng 9, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam chỉ ở mức 21,2 tỷ USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước và là mức thấp nhất trong 4 năm.
Mùa báo cáo quý 3 khó có thể bất ngờ, đà tăng của VN-Index sẽ chậm lại trong tháng 10
TTCK Việt Nam vừa có tháng tăng điểm tích cực thứ 2 liên tiếp trong tháng 9 nhưng với đà tăng yếu hơn. Tại thời điểm cuối tháng, VN-Index tăng 2,67% so với tháng trước lên 905,21 điểm nhờ thanh khoản được cải thiện. Tuy nhiên, mức tăng của tháng 9 chỉ bằng một phần tư của tháng 8, cho thấy đà tăng yếu hơn và vùng giá giao dịch ngày càng thu hẹp mặc dù VN-Index đã vượt qua mức đỉnh trong tháng 6 là 900 điểm.
Nhận định về diễn biến thị trường tháng 10, KIS cho rằng mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 có thể tiết lộ nhiều con số ấn tượng nhưng việc này khó bất ngờ khi tăng trưởng GDP quý 3 được công bố vài ngày trước. Và mức tăng 10% của VN-Index có thể đã phản ánh sự phục hồi của thu nhập của doanh nghiệp. Ngoài ra, KIS cũng không kỳ vọng sẽ có chính sách quan trọng nào được ban hành trong kỳ họp thứ 10 của Quốc hội từ ngày 19 - 28/10.
Cũng theo KIS, mặc dù VN-Index đã vượt ngưỡng 900, nhưng diễn biến giằng co đang cho thấy tâm lý thận trọng của cả bên mua và bên bán. Không bên nào đủ quyết tâm để đẩy VN-Index lên hoặc xuống rõ rệt, có thể là do dữ liệu kinh tế đang cho thấy sự phục hồi yếu ớt. Trong khi đó, như đã đề cập ở trên, KIS cho rằng hai mối lo ngại chính bao gồm nợ cơ cấu lại gia tăng và FDI thu hẹp sẽ khiến các nhà đầu tư phải suy nghĩ kỹ trước khi thực hiện giao dịch trong thời gian tới.
Do đó, mặc dù kỳ vọng đà tăng hiện tại của thị trường sẽ tiếp tục từ giờ cho đến cuối năm (do chỉ số VN-Index đang giao dịch ở mức định giá P/E là 15x, thấp hơn 16x vào cuối năm 2019, trong khi lãi suất thấp hơn), tuy nhiên, KIS đánh giá tốc độ tăng sẽ chậm hơn và chiến lược giao dịch theo vùng giá hẹp có thể phù hợp hơn trong thời điểm hiện tại.
Minh Anh
Theo Trí thức trẻ