Theo số liệu thu thập tính tới cuối năm 2020, dư nợ cho vay tại các CTCK hiện vào khoảng 90.000 tỷ đồng (trong đó dư nợ cho vay margin khoảng 81.000 tỷ đồng), tăng 40% so với cuối quý 3 và tăng 84% so với thời điểm thị trường tạo đáy tại vùng 660 điểm vào cuối quý 1/2020. Đây cũng là con số kỷ lục về dư nợ cho vay trên TTCK Việt Nam từ trước tới nay.
Trong đó, nhiều CTCK có mức tăng trưởng dư nợ cực lớn trong quý 4/2020, có thể kể tới như SSI với dư nợ 9.226 tỷ đồng (+96% QoQ), VPS (+83% QoQ), VND (+76% QoQ)…
Sự bùng nổ của thị trường kéo theo nhu cầu sử dụng margin tăng mạnh và không ít CTCK thậm chí đã rơi vào trạng thái "căng cứng" không thể cho vay. Thông thường, diễn biến "căng cứng" margin sẽ dẫn đến rủi ro cho thị trường nhưng trên thực tế, VN-Index vẫn tăng trưởng khá tốt từ đầu tháng 1 tới nay và hiện đang tiệm cận đỉnh lịch sử 1.204 điểm.
90.000 tỷ dư nợ cho vay chưa phải vấn đề lớn
Dù dư nợ margin trên thị trường đang lập kỷ lục, tuy nhiên con số này đang khá thấp so với quy mô TTCK Việt Nam hiện nay. Theo số liệu từ FiinPro, tỷ lệ dư nợ cho vay margin/Giá trị giao dịch trung bình quý 4/2020 chỉ đạt khoảng 7,4 lần, thấp hơn so với thời điểm VN-Index lập đỉnh lịch sử 1.204 điểm (đầu quý 2/2018) là 12,2 lần và thấp hơn nhiều so với giai đoạn quý 4/2019 khi tỷ lệ dư nợ cho vay margin/Giá trị giao dịch trung bình lên tới 22,5 lần.
Điều này cho thấy thanh khoản thị trường giai đoạn qua tăng cao, nhưng phần lớn đến từ "tiền tươi thóc thật" từ các nhà đầu tư.
Một điểm đáng chú ý là vào cuối năm 2020, số dư tiền gửi của khách hàng tại các CTCK vào khoảng 60.000 tỷ đồng, gấp 3 lần so với thời điểm đầu năm và là con số kỷ lục trong lịch sử. Đây là lượng tiền đang nằm sẵn trong tài khoản nhà đầu tư và chưa thực hiện giải ngân vào thời điểm 31/12/2020.
Tất nhiên không hẳn con số 60.000 tỷ kể trên sẽ hoàn toàn giải ngân vào cổ phiếu mà còn có thể trong trạng thái chờ giải ngân trái phiếu. Dù vậy, lượng tiền chờ sẵn gấp tới 3 lần thời điểm đầu năm cho thấy quy mô "tiền tươi" vào thị trường lúc này rất lớn và việc "căng" margin không phải vấn đề quá nghiêm trọng như những lần đã xảy ra trong quá khứ.
Theo đánh giá của CTCK Agriseco, tình trạng giảm sức mua margin hiện chỉ diễn ra cục bộ, dư địa toàn thị trường vẫn rất lớn. Hạn mức dư nợ cho vay của các CTCK bị khống chế tại mức tối đa 2 lần vốn chủ sở hữu theo Quy chế giao dịch ký quỹ chứng khoán. Với tổng quy mô vốn chủ các CTCK hiện khoảng 87.000 tỷ đồng, trong khi tổng dư nợ cho vay chỉ khoảng 90.000 tỷ đồng, xấp xủ 1 lần vốn chủ và thấp hơn nhiều mức tối đa theo luật định (tối đa dư nợ cho vay gấp 2 lần vốn chủ). Do đó, tình trạng "căng nguồn" nếu có, sẽ diễn ra tại 2 nhóm (1) CTCK đã gần chạm tỷ lệ cho vay/vốn chủ sở hữu theo quy định và (2) Các CTCK đang có tỷ lệ cho vay thấp, tuy nhiên thiếu hụt về nguồn vốn.
Việc Bộ tài chính vừa ban hành Thông tư 121 cũng là yếu tố hỗ trợ các CTCK huy động vốn bổ sung cho hoạt động margin. Cụ thể, theo thông tư, mặc dù vẫn đang khống chế dư nợ cho vay không vượt quá 2 lần vốn chủ sở hữu nhưng thông tư đã cho phép CTCK vay nợ gấp 5 lần thay vì 3 lần vốn chủ sở hữu như quy định cũ. Điều này sẽ mở cơ chế giúp tăng năng lực tài chính cho CTCK và thể hiện chính sách đang theo hướng nới lỏng, tạo điều kiện cho thị trường vốn phát triển.
(Nguồn: Agriseco)
Agriseco đánh giá rủi ro từ dòng tiền margin lúc này là không lớn, chỉ diễn ra cục bộ và ảnh hưởng mang tính ngắn hạn. Dư địa dòng tiền giai đoạn tới vẫn rất lớn, đến từ dòng tiền mới tham gia thị trường cũng như đến từ nguồn vốn bổ sung của các CTCK. Điều này tạo động lực nâng đỡ thị trường giai đoạn tới và giảm rủi ro VN-Index điều chỉnh mạnh. Mặc dù vậy, nhà đầu tư nên chú ý cơ cấu danh mục hợp lý để quản trị rủi ro trước những diễn biến bất thường của thị trường.
Minh Anh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị