Tâm điểm chứng khoán: Điều kiện để VN-Index xác lập đáy ở 1.100 điểm

Sau một tuần giao dịch đau thương của thị trường, VN-Index đóng cửa phiên cuối tuần ở ngưỡng 1.008,03 điểm, tăng 20,18 điểm (+1,86%) so với ngày trước đó. Tuy nhiên, VN-Index vẫn giảm 46,7 điểm (-4,04%) sau một tuần.
 
Giá trị giao dịch trung bình cả tuần đạt 15.659 tỷ đồng, tăng 12,7% so với tuần trước đó. Giá trị giao dịch cải thiện là tín hiệu tích cực duy nhất.
 
Chúng tôi ghi nhận ý kiến một số chuyên gia về xu hướng thị trường sau đợt điều chỉnh giảm:
 
Thị trường sẽ tìm điểm cân bằng mới tốt hơn, cơ hội giải ngân cho ngắn hạn

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Cấp cao, CTCK KIS Việt Nam
Tôi cho rằng tuần qua, thị trường giảm mạnh đến từ một số nguyên nhân. Thứ nhất, động thái của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn cho thấy khả năng cơ quan này tiếp tục giữ lãi suất cao để đảm bảo lạm phát Mỹ đạt đỉnh. Dù xác suất FED tăng lãi suất ở kỳ tháng 11 tới vẫn là 50-50 nhưng vẫn thấy quan điểm cứng rắn của FED muốn hạ nhiệt lạm phát, đặc biệt lạm phát lõi.
 
Điều này khiến thị trường tài chính thế giới thận trọng, đẩy lợi suất đồng USD tăng cao, dẫn tới dòng tiền bị hút ở các thị trường mới nổi, cận biên quay về Mỹ nhiều hơn.
 
Có thể thấy, trên thị trường Việt Nam nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu bán ròng khá mạnh trong thời gian qua. Kể từ tháng 8,9 bước qua tháng 10, họ đã bán vài nghìn tỷ đồng. Điều này làm tâm lý nhà đầu tư thận trọng, quan sát động thái của khối ngoại. Bởi khối ngoại mua bán khá quyết liệt, nên giao dịch của họ ảnh hướng tới cung cầu trên thị trường.
 
Do khối ngoại bán ròng mạnh, lực cầu trong nước không đủ đối ứng với cung quá lớn, lại mang tính liên tục, theo đó giá không thể tăng mà giảm đi.
 
Nguyên nhân kế tiếp là tỷ giá tăng nhanh khiến nhà đầu tư quan ngại dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có động thái quyết liệt trong việc hạ nhiệt tỷ giá bằng việc phát hành tín phiếu để hút tiền về cũng như phát tín hiệu tăng nhẹ lãi suất bên thị trường liên ngân hàng. Về nguyên lý, tỷ giá tăng sẽ làm cho lãi suất tăng lên đối ứng. Do đó, nhà đầu tư có chút thận trọng.
 
Nguyên nhân nữa có thể đến từ hành động mang tính đầu cơ của các nhà đầu tư lớn. Tuần qua, lực bán ở những phiên giảm mạnh chủ yếu diễn ra phiên ATC, với lực bán mang tính quyết liệt. Thêm nữa, phiên thứ 4 và thứ 5 có liên quan tới phái sinh, nhà đầu tư có khuynh hướng đóng trạng thái dựa trên thị trường cơ sở.
 
Ngoài ra, khi thị trường bán tháo mạnh dẫn tới hiệu ứng “call margin”. Nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính, khi thị trường giảm mạnh số đông nhà đầu tư bị bán “force sell” do không có tiền nạp vào…
 
Sau đợt điều chỉnh, tôi lạc quan thị trường sẽ diễn biến tích cực hơn. Khi những gì khó khăn đã diễn ra thì tương lai thị trường sẽ đón nhận những tin bớt tiêu cực. Chẳng hạn, việc liên quan tới đáo hạn phái sinh hiện không còn, việc bán giải chấp cũng không còn nhiều.
 
Thứ hai, P/E đã về vùng hợp lý 10-13 lần, thấp hơn giai đoạn trước là 13-17 lần. Một số cổ phiếu đã về vùng giá có thể cân nhắc đầu tư cho trung và dài hạn.
 
Việc FED đã thể hiện rõ quan điểm, nỗi lo của nhà đầu tư đã phản ứng trên thị trường, thông tin đã thẩm thấu. Trong nước, NHNN đã kiểm soát tốt tình hình tỷ giá.
 
Thời gian tới, thị trường còn đón nhận thêm các thông tin kết quả kinh doanh quý III. Một số doanh nghiệp đã công bố cho thấy tích cực hơn quý I, II. GDP quý III cũng tốt hơn. Điều này cho thấy khả năng GDP cũng như kết quả kinh doanh quý IV sẽ còn tốt hơn quý III.
 
Tôi nghĩ, với các yếu tố trên, thị trường sẽ bình ổn hơn, tìm điểm cân bằng mới tốt hơn. Thị trường có thể vẫn đan xen những phiên giảm những sẽ tăng dần theo kiểu zic zắc.
 
VN-Index có thể xác lập đáy ở 1.100 điểm

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng, áp lực khiến thị trường giảm vừa qua đến từ rủi ro liên quan lợi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh, phiên thứ 6 lãi suất chạm 5%. Với mức tăng cao khiến rủi ro trên thị trường tài chính liên quan trái phiếu, cổ phiếu sẽ có dấu hiệu gia tăng trong ngắn hạn.
 
Đây là áp lực lớn khiến đồng USD còn mạnh trong năm nay, áp lực tỷ giá khiến cho thị trường thời gian qua tiêu cực.
 
Nguyên nhân thứ hai đến từ lực cầu thị trường yếu. Thời gian qua thanh khoản giảm mạnh trong khi VN-Index chưa quay lại xu hướng tăng. Áp lực giảm của thị trường khiến tâm lý nhà đầu tư chưa sẵn sàng quay trở lại, cầu yếu khiến thị trường giảm sâu. Khi cung bán ra không có lượng cầu cân đối sẽ khiến thị trường tiếp nối đà giảm.
 
Ngoài ra còn do hiệu ứng “call margin” có dấu hiệu xảy ra ở một số công ty chứng khoán, tạo domino giảm giá trên thị trường. Hiện có 2 nguồn cung cấp margin, một chính thống từ công ty chứng khoán, một từ bên ngoài. Theo tìm hiểu nguồn bên ngoài cho vay với tỷ lệ cao, khi thị trường xảy ra cú biến động từ 2,5-3% trở lên sẽ khiến cho thị trường có những đợt “call margin” lớn…
 
Điểm tích cực là phiên thứ 6 thị trường giữ được mức 1.100 điểm. Tuy nhiên điểm chưa tốt là thanh khoản chưa tăng, phản ánh lực cầu chưa sẵn sàng quay trở lại.
 
Về xu hướng, tôi cho rằng nếu tuần mới thị trường tiếp tục đà phục hồi kèm thanh khoản tăng dần thì khả năng VN-Index xác lập vùng đáy quanh 1.100 điểm. Ngược lại, nếu tại nhịp hồi, thanh khoản không cải thiện thì áp lực giảm có thể quay trở lại. Nếu áp lực giảm quay lại, VN-Index có thể phải test lại vùng 1.060-1.065 điểm.
 
Nhà đầu tư nên nhìn sâu hơn vào doanh nghiệp

Ông Hoàng Anh Tuấn, Chuyên viên tư vấn đầu tư KHCN cao cấp, CTCK MB
Để có thể trả lời cho xu hướng sắp tới của thị trường chúng ta nên điểm qua bối cảnh vĩ mô hiện tại. Với chính sách tiếp tục nâng giá trị đồng USD để kiềm chế lạm phát, FED đã giữ nguyên lãi suất đồng USD ở ngưỡng 5,5% và tiếp tục phát tín hiệu sẽ giữ nguyên lãi suất này tới giữa năm 2024. Trong kỳ họp sắp tới vào ngày 2/11, khả năng cao FED sẽ không nâng lãi suất mà tiếp tục giữ ở ngưỡng 5,5% hiện tại. Lưu ý rằng, theo đúng lộ trình thì FED còn một đợt nâng lãi suất nữa trước khi giảm.
 
Với vị thế đồng USD tiếp tục mạnh có thể thấy rõ thông qua các chỉ số DXY 106 - 107, tỷ giá VND/USD tăng lên ngưỡng trên 24.660 đồng, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng vọt đến gần 5%. Chúng ta có thể thấy rằng nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực nắm giữ USD thay vì các tài sản khác và điều này vẫn đang tiếp diễn mạnh mẽ.
 
Chưa nói tới những khó khăn khác như chiến tranh, giá năng lượng (giá dầu) tiếp tục tăng, tình hình thị trường tài chính trên toàn thế giới cũng đã khá ảm đạm. Tuy nhiên, Việt Nam lại chính là điểm sáng nhỏ trên bản thế giới với GDP ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ, mặc dù không tăng trưởng mạnh nhưng đang tăng với xu hướng tích cực (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%). Với các chính sách điều hành linh hoạt của chính phủ và NHNN, chúng ta đã khéo léo kích thích kinh tế thông qua việc giảm lãi suất trong bối cảnh toàn thế giới đều đang phải nâng lãi suất để chống lại mất giá đồng nội tệ.
 
Xét về thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa, trong quý III/2023, chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá giảm 0,32% so với quý II/2023 và giảm 2,18% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá giảm 1,77% và giảm 6,72%; tỷ giá thương mại hàng hóa tăng 1,48% và tăng 4,87%. Điều này là dễ hiểu do các nước đối tác đều đang tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao so với mục tiêu dài hạn của nhiều quốc gia.
 
Xét về bối cảnh vĩ mô, kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi nhưng vẫn có nhiều dấu hiệu cần phải chú ý. Trong đó, cuộc họp của FED vào ngày 2/11/2023 sắp tới sẽ là điểm nhấn cho xu hướng sắp tới. Tôi cho rằng nếu FED tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt thông qua việc giữ nguyên lãi suất đồng USD thì thị trường tài chính toàn cầu sẽ tiếp tục điều chỉnh, thậm chí sẽ tiêu cực trong ngắn hạn.
 
Về thị trường chứng khoán Việt Nam, tôi cho rằng có khá nhiều yếu tố đáng quan tâm.
 
Thứ nhất, kết quả kinh doanh quý III của nhiều doanh nghiệp niêm yết đã được công bố, đa phần đều không tăng trưởng so với cùng kỳ hoặc thua lỗ. Mà khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì giá cổ phiếu sẽ suy giảm theo.
 
Thứ hai, yếu tố vĩ mô đang là thách thức lớn đối với kinh tế cũng như thị trường tài chính Việt Nam, nếu FED tiếp tục thắt chặt tiền tệ, NHNN sẽ cần những biện pháp thắt chặt mạnh tay hơn để giữ tỷ giá ổn định, điều này dĩ nhiên không tốt cho thị trường chứng khoán.
 
Thứ ba, tâm lý lo sợ sụt giảm, bán tháo như tháng 11 cùng kỳ cũng sẽ làm cho nhà đầu tư dao động, họ nghiêng về xu hướng bán cổ phiếu hơn là mua bắt đáy, nếu có bắt đáy thì khi thị trường phục hồi họ cũng sẽ ngay lập tức bán tháo tạo ra đà bán mạnh mẽ hơn.
 
Xét trên 3 yếu tố này, tôi e rằng thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh về những ngưỡng thấp hơn. Tuy nhiên, tôi cũng muốn nhấn mạnh việc giảm giá của cổ phiếu không phải là yếu tố tiêu cực mà điều này sẽ mở ra cơ hội cho nhà đầu tư tích lũy được tài sản cổ phiếu ở giá thấp.
 
Mỗi doanh nghiệp đều có yếu tố nội tại riêng, nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm thường cắt lỗ cổ phiếu ở mức giá thấp để thoát ra khỏi thị trường bất chấp việc thị giá đã thấp hơn cả giá trị nội tại của doanh nghiệp. Lẽ dĩ nhiên là ngay sau đó sẽ có cầu vào bắt đáy.
 
Chốt lại, thị trường có thể chưa tích cực trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng margin, nhìn sâu hơn vào doanh nghiệp, nhìn xa hơn để thấy viễn cảnh kinh tế hồi phục dần trong giai đoạn 2024 – 2026 và tích lũy dần cổ phiếu khi giá đã giảm về ngưỡng hấp dẫn.
 
Theo Huyền Châm
Theo Thị trường tài chính tiền tệ
 

Nguồn tin: cafef.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây