Trót ôm cổ phiếu giảm sàn, nhà đầu tư nên xử lý thế nào khi bị "kẹp hàng"?

Áp lực bán dâng lên mạnh mẽ trong phiên 12/4 khiến số mã giảm điểm trên cả 3 sàn  lên tới 856 mã, trong đó có tới 100 mã giảm sàn. Như vậy, sau ba phiên bán mạnh liên tiếp, chỉ số giảm tới gần 70 điểm và cũng là chuỗi giảm sâu nhất kể từ đầu tháng 12 năm ngoái.
 
Hàng loạt cổ phiếu lao dốc cho thấy mức độ "tổn thương" trên danh mục của nhà đầu tư là rất nặng nề. Tiếp tục là một phiên nếm mật nằm gai của nhóm cổ phiếu FLC khi loạt mã FLC, ROS, AMD, ART, KLF, HAI nằm sàn ngay từ đầu phiên và không thể quay đầu đến hết phiên. Thanh khoản của các mã này cũng sụt giảm so với phiên trước.
 
Song song đó, nhiều cổ phiếu bất động sản cũng xuất hiện tình trạng bị bán tháo và lùi về mức giá sàn như QCG, NBB, LDG, BII, DRH, DIG, DXG, FDC, HDC, HQC, SCR, NVT... Có thể thấy, nhóm cổ phiếu bất động sản đang chịu nhiều ảnh hưởng từ sau khi các công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy 9 đợt phát hành trái phiếu.
 
Bên cạnh đó, cổ phiếu ngành năng lượng cũng lao dốc không kém khi các mã PVS, PVD, PVC, PVB, PSH, PET... đua nhau bán giá sàn. 
 
Những cổ đông đang nắm giữ những cổ phiếu này có lẽ cũng đang đứng ngồi không yên, bất lực nhìn tài khoản bay hơi trong phút chốc. Vốn dĩ chuyện "kẹp hàng" cổ phiếu không hề hiếm gặp trên thị trường, song không phải nhà đầu tư nào cũng có cách xử lý phù hợp.
 
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để xử lý tài khoản khi bị "kẹp hàng", đầu tiên nhà đầu tư cần phân tích trạng thái thị trường. Nếu thị trường giảm mạnh cần xác định đó là điều chỉnh giảm cục bộ hay thị trường đang bước vào downtrend.
 
Thông thường, những phiên điều chỉnh giảm cục bộ thì phiên tiếp theo sau đó sẽ là phiên hồi và volume thị trường khá lớn. Khi đó, nhà đầu tư có thể yên tâm nắm giữ tiếp lượng hàng cổ phiếu có trong danh mục. Tuy nhiên, nếu như thị trường những phiên sau vẫn giảm với volume yếu thì nhà đầu tư cần cẩn trọng và tuyệt đối tránh việc bắt đáy cổ phiếu.
 
Theo chuyên gia, trong khi cổ phiếu đang trong đà lao dốc, việc quan trọng nhất là tỉnh táo, bình tĩnh và phân tích kỹ lưỡng để tìm ra cho mình phương hướng xử lý. Đối với những nhà đầu tư đang trong cảnh bị kẹp hàng cổ phiếu nóng, hai lời khuyên phổ biến nhất được đưa ra là nên chấp nhận cắt lỗ cổ phiếu và không nên bình quân giá.
 
Đầu tiên, nhà đầu tư nên chấp nhận đau thương và cắt lỗ cổ phiếu. Vốn dĩ việc chấp nhận cắt lỗ khi đang "kẹp" là điều không hề dễ dàng, bởi nhiều người thường cho rằng "chưa bán là chưa lỗ" và chờ đợi cổ phiếu hồi phục. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần xác định rõ việc cố thủ với cổ phiếu với mục đích đầu tư dài hạn và đầu cơ lướt sóng rất khác nhau. Do đó, nhà đầu tư không thể đánh đồng việc "kẹp hàng" ở những cổ phiếu này giống như việc tích lũy đầu tư các cổ phiếu có nền tảng cơ bản, vì khả năng những doanh nghiệp này kinh doanh khởi sắc là rất thấp. Điều cần làm là hãy cố gắng xử lý tài khoản nhanh nhất có thể khi có dấu hiệu giảm ở các cổ phiếu "nóng" không có nền tảng cơ bản. Nếu không thể bán hết được lượng hàng đang có, hãy xử lý phần vay margin để tránh bị căng tài khoản.
 
Bên cạnh đó, nhà đầu tư tuyệt đối không nên sử dụng phương pháp bình quân giá. Bởi vốn dĩ phương pháp này chỉ dành cho những cổ phiếu tốt và vẫn còn tiềm năng tăng giá. Còn đối với những cổ phiếu đầu cơ, đà giảm sâu giảm sốc hoàn toàn có thể tiếp diễn, việc "xuống tiền" trong thời điểm này sẽ khiến nhà đầu tư rơi vào cảnh lỗ chồng lỗ.
 
"Cuộc chơi" cổ phiếu đầu cơ vốn dĩ rất mạo hiểm, nếu nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro thì cũng chỉ nên dành một phần nhỏ tài sản của mình để tham gia. Bên cạnh đó, luôn luôn xác định trong tâm thế xác định điểm mua của các bạn có thể sẽ là đỉnh của cổ phiếu. Và khi xuất hiện những dấu hiệu đảo chiều cần cố gắng bán nhanh nhất có thể. Bởi việc giữ lại những cổ phiếu này trong ngắn hạn hay trung hạn cũng rất khó để có thể hồi về đỉnh cũ. 
 
Minh Minh
Theo Trí thức trẻ
 

Nguồn tin: cafef.vn/

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây