Vietravel chưa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2020. Quý đầu năm, doanh thu vận tải sụt giảm mạnh, Công ty vẫn báo lỗ hơn 41,5 tỷ đồng. Công ty xin giữ lại lợi nhuận và không chi trả cổ tức trong 2 năm 2019-2020.
CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel, VTR) vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2020 với các nội dung liên quan đến kế hoạch phân phối lợi nhuận 2019, bầu mới Thành viên HĐQT, huy động vốn qua cổ phiếu và trái phiếu.
Chi tiết, năm 2019, Công ty ghi nhận 7.432 tỷ doanh thu, lợi nhuận sau thuế thu về hơn 44 tỷ đồng. Vietravel chưa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2020. Quý đầu năm, doanh thu vận tải sụt giảm mạnh, Công ty vẫn báo lỗ hơn 41,5 tỷ đồng. Công ty xin giữ lại lợi nhuận và không chi trả cổ tức trong 2 năm 2019-2020.
Về HĐQT, Công ty sẽ trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm ông Nguyễn Lưu khỏi vị trí Thành viên HĐQT theo nguyện vọng cá nhân. Thay thế, Vietravel đề cử 2 ứng viên gồm ông Lê Kiên Thành (không giữ vị trí gì tại Vietravel) và ông Vũ Đức Biên (hiện đang là Phó Tổng Công ty).
Đáng chú ý, Vietravel dự kiến phát hành hơn 4,3 triệu cổ phần cho đối tác chiến lược, cụ thể là các đối tác có ngành nghề kinh doanh có thể hỗ trợ và hợp tác tốt. Giá phát hành sẽ không thấp hơn giá thấp nhất của thị trường trên sàn UpCOM tại thời điểm phát hành và/hoặc giá trị sổ sách theo BCTC soát xét gần nhất. Nếu chào bán thành công, Vietravel sẽ tăng vốn từ 126,4 tỷ lên gần 170 tỷ đồng, tiền thu về sẽ bổ sung vốn phục vụ HĐKD. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 1-2/2021 sau khi được UBCKNN thông qua, cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ ngày hoàn tất.
Cùng với đó, Vietravel cũng huy động vốn qua trái phiếu không chuyển đổi với giá trị tối đa 200 tỷ đồng, thời hạn 36 tháng, lãi suất 11%/năm. Thời gian phát hành dự kiến ngay trong quý 3/2020, mục đích nhằm tăng quy mô vốn hoạt động cũng như thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của Công ty.
Là đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, Vietravel những tháng đầu năm chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Mặc dù Việt Nam đã nới lỏng giãn cách, tuy nhiên diễn biến dịch trên thế giới vẫn còn phức tạp, dự kiến sẽ ảnh hưởng lâu dài đến tình hình ngành nói chung cũng như doanh nghiệp nói riêng.
Trong buổi chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Quốc Kỳ dự báo, để quay lại với con số 18 triệu khách du lịch quốc tế của năm 2019, Việt Nam cần 2 năm nữa. Với tình hình hiện tại, nếu mở cửa vào tháng 10, 11 thì chỉ có khoảng 6 triệu khách, nếu không chỉ có 3,9 triệu khách từ quý 1 đến nay.
Như vậy, khách inbound sẽ quay lại con số 18 triệu vào năm 2021. Vietravel đánh giá đến 2022 thì Việt Nam mới đạt được mức 2021. Vì năm 2002, dịch Sars phải 2 năm sau mới phục hồi thị trường inbound, lâu hơn so với 6 tháng của thị trường nội địa.
Ông Kỳ cũng cho biết Vietravel đã sẵn sàng mở cửa lại cho thị trường nước ngoài, nhấn mạnh rằng Công ty này có 6 văn phòng ở thị trường nước ngoài hiện nay. 6 văn phòng này đều ở những thị trường quan trọng bao gồm Mỹ, Úc, và Pháp, Singapore, Thái Lan, Campuchia, đã được yêu cầu duy trì hoạt động trong bối cảnh dịch bắt đầu được kiểm soát để giữ quan hệ với khách hàng.
Tri Túc
Theo Tổ Quốc