Góp ý cho dự thảo Nghị định Quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng của Bộ Tài chính, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, sau hơn 10 năm thực hiện, tỉ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy vẫn ở mức rất thấp
Theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tổng doanh thu phí bảo hiểm xe máy năm 2019 là 765 tỉ đồng, nhưng các doanh nghiệp chi bồi thường cho các vụ tai nạn 45 tỉ đồng (tỷ lệ gần 6%), thấp hơn rất nhiều các loại bảo hiểm bắt buộc khác, như tỷ lệ chi trả của bảo hiểm trách nhiệm dân sự của ô tô, hoặc bảo hiểm cháy nổ đều trên 30%.
Vì vậy, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thu hẹp phạm vi chủ thể có nghĩa vụ bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới, theo hướng loại trừ xe máy. Theo đó, việc mua bảo hiểm xe máy, bao gồm cả bảo hiểm trách nhiệm dân sự và các loại bảo hiểm khác, sẽ dựa trên sự tự nguyện thỏa thuận của các bên.
Ngay lập tức, đề xuất này của VCCI đã nhận được sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là những người đang sử dụng xe máy.
Theo anh Nguyễn Văn Thịnh – Hà Đông, Hà Nội cho biết, việc mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới gần như chỉ là thủ tục và mang tính chất hành chính chứ không mang nhiều ý nghĩa thiệt thực cho lắm. Có cũng được mà không cũng chẳng sao vì chả mấy khi sử dụng.
“Tôi thấy nếu bỏ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cũng không sao và cá nhân thì mình ủng hộ. Bởi thực ra, chỉ khi đi mua xe mới thì tôi mới mua để đi đăng ký và đủ thủ tục về mặt giấy tờ chứ không mấy khi dùng đến. Kể cả khi có gặp va chạm hay hư hỏng thì cũng toàn tự giải quyết và đi sửa chứ không bao giờ làm thủ tục để được bồi thường” – anh Thịnh cho biết thêm.
Cũng giống như anh Thịnh, anh Lê Văn Toàn – làm nghề chạy xe grap ở khu vực Mai Dịch, Nam Từ Liêm, Hà Nội bày tỏ, gần như anh không sử dụng đến bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự bao giờ, ngoại trừ khi công an kiểm tra, hay lực lượng chức năng cần kiểm tra hành chính. “Vì vậy, tôi nghĩ nên bỏ cho bớt thủ tục, giấy tờ”.
Theo anh Toàn: “Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới ngoại trừ việc đủ giấy tờ hành chính theo quy định của cơ quan chức năng, chứ còn không có ý nghĩa thực tế. Người đi xe máy không mấy khi làm thủ tục bồi thường khi xảy ra vạ chạm hay tai nạn. Vì nếu có làm thì cũng rất mất thời gian và nhiều thủ tục, xong lại không được bao nhiêu nên mọi người không mặn mà cho lắm”.
Anh Toàn cũng chia sẻ thêm: “Hầu như mọi người chỉ mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới lúc mua xe mới, còn sau đó thì không mấy người mua lại khi hết hạn. Nên tôi thấy bỏ cũng là hợp lý”.
Tuy nhiên, theo chị Lý Lan Anh – Mỹ Đình, Hà Nội lại có suy nghĩ trái ngược và ủng hộ nên duy trì. Vì nó sẽ đảm bảo trách nhiệm của người sử dụng xe hơn. Đồng thời, cũng là để bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân trong các vụ TNGT do xe cơ giới gây ra, bao gồm cả ô tô, cả xe máy.
“Tôi nghĩ việc áp dụng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là nên làm, nhưng cơ quan chức năng cũng nên xem xét lại các quy định và thủ tục khi người dân cần làm thủ tục bồi thường. Làm sao để cho các vấn đề thủ tục bồi thượng được đơn giản, dễ thực hiện mà vẫn đảm bảo chính xác, công tâm hơn; giúp người dân cảm thấy quyền lợi của họ đươc đảm bảo và an tâm. Từ đó sẽ khuyến khích được người dân sử dụng” – chị Lan Anh bày tỏ.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Admin cộng đồng xe OTO+, kiêm Tổng Giám đốc Whatcar Việt Nam chia sẻ về đề xuất bỏ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới của VCCI.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Thắng - Admin cộng đồng xe OTO+, kiêm Tổng Giám đốc Whatcar Việt Nam chia sẻ: “Về mặt cá nhân, tôi thấy bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới không thật sự thiết thực trong cuộc sống và gần như chỉ có tác dụng để đối phó với lực lượng chức năng… Vì nhiều người đi xe bị va chạm, TNGT nhưng không đi làm bồi thường.
Nhưng, xét về mặt xã hội thì bảo hiểm bắt buộc này không chỉ có lợi cho người cầm lái, mà còn cho bên thứ ba khi không may xảy ra va chạm. Vì vậy, dưới góc độ xã hội thì tôi thấy nó lại rất cần thiết. Do đó, chúng ta nên có giải pháp nào đó để đơn giản hóa bảo hiểm bắt buộc để đem lại nhiều ý nghĩa thực tế hơn…”.
Còn theo TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia: “Tôi không đồng ý với đề xuất này của VCCI. Bởi vì các vụ TNGT thì có thể có nhiều tình huống khác nhau. Người gây tai nạn thì cũng có thể bị thiệt mạng luôn, hoặc là không có khả năng chi trả để khắc phục những thiệt hại do họ gây ra.
Nếu những vấn đề này mà không được giải quyết, các vấn đề về công bằng, về an sinh xã hội cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Bởi vậy, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ xe cơ giới, trong đó ô tô và xe máy là được đặt ra là để bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân trong các vụ TNGT do xe cơ giới gây ra, bao gồm cả ô tô, cả xe máy”.
Cũng theo TS Trần Hữu Minh: “Điều này thể hiện rất rõ ý nghĩa nhân đạo của chính sách. Bởi vì chúng ta có một nguồn để chi trả cho các vụ TNGT xảy ra do xe máy. Điều này đảm bảo nguồn hỗ trợ đủ lớn và kịp thời cho các nạn nhân tai nạn giao thông do xe máy gây ra, giúp nhanh chóng khắc phục những tổn thất về người mà không phụ thuộc vào việc người chủ xe máy đó có khả năng chi trả hay không”./.
Theo Gia Linh
VOV