Đến lượt bơ Booth rơi vào cảnh "giải cứu"

Sáng chủ nhật (13-9), quán AM Café trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh, TP HCM) rất đông khách, lại có chương trình "Giải cứu nông sản - bơ Booth" nên nhân viên càng tất bật do vừa phục vụ nước vừa lựa bơ để giao cho khách với giá chỉ có 20.000 đồng/kg.
 
Một số nơi lấy sỉ (hơn 30 kg) giá chỉ còn 15.000 đồng/kg và đều được "bao ăn", tức khách mua trúng trái hư sẽ được quán đổi lại. Thường thì tỉ lệ hư khá thấp, chỉ khoảng 10%, chủ yếu do nông dân hái không để lại cuống nên bị đen đầu, úng. Chủ quán còn tận dụng nguồn bơ rẻ này để khuyến mãi cho khách mua nước.
 
Theo anh Nguyễn Đức Thành, người sáng lập chuỗi hệ thống AM Café, từ đầu tháng 9 đến nay, 5 quán cà phê của anh tại TP HCM đã "giải cứu" được 3 tấn bơ Booth. "Nguồn bơ do gia đình tôi trồng và lấy thêm của các hộ xung quanh ở xã Tam Bố, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Vừa rồi tôi về quê thấy mọi người than bơ bán không được, thương lái không đến mua nên mới thực hiện chương trình "giải cứu" bơ tại các quán trong chuỗi. Bơ này trước đây bán nội địa thấp nhất cũng 50.000 đồng/kg; còn hàng tuyển, loại 0,5 kg/trái trở lên bán sang Trung Quốc với giá cả trăm ngàn đồng/kg" - anh Thành nói.
 
photo 1 1600043002118768377178
Bơ Booth được tập kết tại AM Café trên đường Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh, TP HCM chờ được “giải cứu”
 
Theo ghi nhận của phóng viên, cách đây ít ngày trên đường Nguyễn Trung Trực (quận 1, TP HCM) cũng xuất hiện một điểm bán "giải cứu" bơ Booth với giá 15.000 đồng/kg để gây quỹ từ thiện. Lần bán đầu tiên, đơn vị tổ chức đã tiêu thụ được 700 kg bơ giúp bà con nông dân ở tỉnh Gia Lai.
 
Ngoài ra, trên một số tuyến đường cũng xuất hiện nhiều điểm bán bơ dạng đổ đống hoặc xe đẩy với giá 20.000 - 25.000 đồng/kg, hầu hết là bơ Booth. Đây là giống bơ chất lượng, cơm vàng, béo nên thu hút khá đông người mua.
 
Theo Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức (TP HCM), do đang rộ mùa bơ nên lượng hàng nhập về chợ khoảng 35 tấn/đêm, chủ yếu là bơ Booth từ Đắk Lắk, tăng mạnh so với trước đây. Lượng hàng về nhiều nên giá bán sỉ cũng thấp hơn các năm, chỉ khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg.
 
Theo ông Trần Thành (xã K’Dang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai), cách đây mấy năm, khi cây hồ tiêu bị bệnh chết hàng loạt, gia đình đã trồng mới cà phê xen thêm bơ Booth. "Năm ngoái, vườn thu hoạch bơ mùa đầu tiên nhưng sản lượng còn ít, năm nay sản lượng nhiều hơn thì giá chỉ còn 7.000-8.000 đồng/kg. Bơ gia đình tôi trồng không phun thuốc mà chỉ bón phân, ít tốn tiền đầu tư nhưng giá bán quá thấp nên không có lãi. Trước đây, tôi chọn giống bơ Booth vì thấy bơ ngon, để được lâu và giá bán hồi đó cũng cao. Nhưng giờ quanh vùng này, nhà nào cũng trồng bơ Booth, vài năm tới, lượng thu hoạch còn nhiều nữa, chưa biết bán đi đâu" - ông Thành lo lắng.
 
Ông Trịnh Xuân Mười (Đắk Lắk), người được mệnh danh là "vua bơ Tây Nguyên", cho biết trước đây hè là mùa chính của bơ, còn bơ Booth chín muộn (cuối tháng 8 đến tháng 10), hiếm nên giá cao. Thời gian gần đây, do có quá nhiều người trồng giống bơ này nên trở thành mùa chính với sản lượng rất lớn, giá giảm. Giá bơ Booth tại vườn hiện chỉ 5.000 - 10.000 đồng/kg mà bán không được. Bơ ế chỉ còn cách đổ đi chứ không trữ được như hồ tiêu, cà phê, những cây trồng bị bơ thay thế.
 
"Tôi đi tham quan nhiều nước thấy họ có nhà máy chế biến dầu bơ, kem bơ bán rất đắt tiền, còn Việt Nam mình chỉ bán tươi nên càng gặp khó. Về xuất khẩu, các nước chuộng bơ Hass, quả nhỏ, khoảng 4-5 trái/kg, trong khi bơ Booth trái to. Người trồng nên chọn giống bơ theo thị hiếu người tiêu dùng thế giới và áp dụng quy trình canh tác đúng chuẩn mới đạt năng suất, chất lượng và tiêu thụ được" - ông Mười nhìn nhận.
 
Ít tiềm năng xuất khẩu
 
Một cán bộ ngành nông nghiệp cho biết những giống bơ thị trường Việt Nam ưa chuộng như 034, Cuba... không thể xuất khẩu do vỏ mỏng, mau hư. Riêng bơ Booth vỏ dày, bảo quản được lâu nhưng không có nhiều tiềm năng xuất khẩu do không đúng thị hiếu người tiêu dùng thế giới. Các nước chủ yếu nhập khẩu bơ Hass và Lambhass, những giống này Việt Nam chỉ mới phát triển gần đây. Bơ tươi đang được đàm phán để xuất khẩu chính ngạch sang một số thị trường nhưng thời gian chờ rất lâu vì thứ tự xếp sau nhiều loại trái khác như sầu riêng, bưởi, chanh leo (Trung Quốc) và bưởi (Mỹ). Chưa kể, thời gian đàm phán trung bình 1 loại trái phải từ 2-10 năm.
 
Theo Ngọc Ánh
Người lao động
 

Nguồn tin: cafef.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây