Số lượng các trang trại nuôi cá hồi đang tăng lên nhanh chóng trên khắp toàn cầu bởi nhu cầu với các sản phẩm cá hồi sống trên thế giới tăng cao, đặc biệt tại châu Á. Nhiều tổ chức đầu tư, doanh nghiệp và quỹ đầu tư khu vực của Nhật đang đổ tiền vào phát triển các trang trại cá hồi này khi mà xuất hiện ngày một nhiều nỗi lo về rủi ro môi trường từ hoạt động đánh bắt cá hồi ở biển.
Theo báo Nikkei, hoạt động đánh bắt và nuôi cá hồi ở biển đang đương đầu với nhiều khó khăn do thiếu địa điểm cũng như quy định môi trường ngặt nghèo tại nhiều nơi, trong đó có châu Âu. Tại châu Âu, hoạt động nuôi cá hồi đang ngày một phát triển bởi nó đỡ gây hại đến môi trường hơn. Hàng loạt tổ chức và quỹ đầu tư đã đổ tiền vào phát triển ngành nuôi cá hồi để tìm kiếm lợi nhuận.
Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) và Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Ngư nghiệp Nhật dự báo sản lượng cá hồi nuôi trong thập kỷ qua đã tăng khoảng 50% lên 3,48 triệu tấn. Cá hồi nuôi hiện đóng góp đến 80% tổng sản lượng cá hồi tiêu thụ trên toàn thế giới.
Giá giao dịch cá hồi hiện vẫn đang ở mức cao. Theo FAO, quy mô thị trường của các trang trại cá hồi ước tính khoảng 2,4 nghìn tỷ yên tức 22,4 tỷ USD. Trong những năm gần đây, nhu cầu cá hồi sống tại châu Á, đặc biệt Trung Quốc đã khiến cho tổng cầu cá hồi toàn cầu nói chung tăng nhanh.
Hiện tại, trong hoạt động nuôi cá hồi, các trang trại ở biển vẫn chiếm vị thế chủ đạo. Hiện chưa có số liệu rõ ràng về hoạt động nuôi cá hồi trong đất liền, hoạt động này mới chỉ bắt đầu phát triển trong những năm gần đây. Tuy nhiên, một chuyên gia trong ngành cho rằng sản lượng cá hồi trong các trang trại ở đất liền có thể đạt 500.000 tấn trong thập kỷ tới, sự hiện diện của ngành này vì vậy sẽ ngày một lớn dần.
Việc phát triển các trang trại nuôi cá hồi trong đất liền cũng có nguyên nhân từ các quy định môi trường khắt khe hơn bởi các trang trại nuôi cá hồi ngoài biển gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Tại Nauy và Chile, hoạt động nuôi cá hồi ở biển bị hạn chế chỉ trong khu vực sản xuất chính của Nauy và Chile để quản lý tốt nhất tài nguyên. Tuy nhiên quy định hạn chế đó không được áp dụng với các trang trại nuôi cá hồi ở trong đất liền.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp đang chạy đua để giành miếng bánh lớn hơn trong thị phần nói chung. Vào tháng 4/2020, tổ chức Marubeni và công ty cá Nippon Suisan đã mua lại công ty Danish Salmon của Đan Mạch sau cuộc chiến tranh giành với nhiều công ty châu Âu.
Trưởng bộ phận quản lý mảng hải sản của Marubeni, ông Kazunari Nakamura, nhận xét: “Chúng tôi đã không ngừng tìm kiếm cơ hội mở rộng hoạt động nuôi cá hồi trong nhiều năm”.
Danish Salmon sản xuất mỗi năm khoảng 1.000 tấn cá hồi Bắc Cực, loại cá hồi được tiêu thụ chính ở châu Âu. Marubeni muốn sản xuất khoảng 2.700 tấn cá hồi mỗi năm trong vòng từ 2 đến 3 năm và rồi sẽ tăng sản lượng lên 5.500 tấn. Marubeni đồng thời cũng có kế hoạch mở trang trại nuôi cá hồi tại châu Á và Trung Đông.
Theo Trung Mến
BizLive