Thị trường than toàn cầu vốn đã eo hẹp ngay cả trước khi Nga tấn công Ukraine do cuộc khủng hoảng năng lượng, thiếu khí đốt tự nhiên ở châu Âu và châu Á vào mùa thu năm 2021, đẩy nhu cầu sử dụng và giá than lên cao.
Hai quốc gia tiêu thụ nhiều than ở châu Á - Trung Quốc và Ấn Độ - đang gấp rút mua nhiên liệu hóa thạch "bẩn" này vì giá khí đốt tự nhiên tăng vọt, thúc đẩy sử dụng nhiều than hơn cho sản xuất điện. Lệnh cấm nhập khẩu than Australia không chính thức từ Trung Quốc cũng khiến nguồn cung bị hạn chế nghiêm trọng.
Trung Quốc cũng đang xem xét việc hạn chế tổng nhập khẩu than lên tới 30% trong năm nay trong bối cảnh sản lượng nội địa kỷ lục và chi phí nhập khẩu cao.
Theo Japan Times, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda cho biết chính phủ sẽ "chịu trách nhiệm đảm bảo (các nguồn cung) thay thế", sẽ mất nhiều thời gian để Nhật Bản tìm được nhà cung cấp than khác.
Nhật Bản cùng các thành viên Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã tuyên bố chấm dứt nhập khẩu than của Nga. Đây là động thái mới trong số các biện pháp trừng phạt mà G7 áp đặt đối với Nga vì cuộc khủng hoảng Ukraine. Nhật Bản nhập khẩu gần như toàn bộ than, trong đó Nga chiếm khoảng 10% lượng nhập khẩu của nước này.
Thị phần của Nga là 13% đối với than nhiệt - được sử dụng chủ yếu để sản xuất điện, và 8% đối với than cốc - chủ yếu dùng để luyện thép. Than nhiệt, chiếm khoảng 60% nguồn cung cấp than trên thế giới, ngày càng ít được ưa chuộng trong bối cảnh thế giới chuyển sang giai đoạn trung hoà carbon.
Nhiều công ty lớn của Nhật Bản cũng không còn quan tâm đến các dự án sản xuất than sử dụng trong nhiệt điện. Một nhà quản lý cấp cao tại một công ty thương mại cho biết: "Các khoản đầu tư đang giảm dần". Kết quả là nguồn cung cấp than toàn cầu bị thắt chặt trong khi giá thì tăng.
Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn đang phải dựa vào các nhà máy nhiệt điện sử dụng than vì đây là nguồn điện giá rẻ và dễ dàng điều chỉnh khi cần thiết.
Công ty Phát triển điện lực J-Power của Nhật Bản cho biết than của Nga chiếm 8% lượng than nhiên liệu cần cho các nhà máy nhiệt điện trong tài khóa 2021 (từ tháng 4/2020-3/2021). Con số này dao động ở mức 9-10% đối với các nhà cung cấp điện khác.
Theo nhận định của một quan chức thương mại, Nhật Bản có thể tìm kiếm nguồn cung thay thế từ Australia hoặc Indonesia nếu muốn giảm nhập khẩu từ Nga, nhưng cả hai nước kia đều ghi nhận chịu sản lượng sụt giảm do mưa lớn.
Xung đột Nga - Ukraine ngày càng leo thang đã thúc đẩy châu Âu đề xuất lệnh cấm nhập khẩu than của Nga. Điều này khiến nguồn cung than ở châu Âu, châu Á và toàn cầu một lần nữa phải đối mặt với những hạn chế và giá sẽ tăng mạnh. Do đó, giá các mặt hàng năng lượng khác và sản xuất điện cũng sẽ tăng đột biến.
Giá than ở Tây Bắc châu Âu tuần trước tăng lên mức cao nhất trong một tháng sau khi ban châu Âu đề xuất lệnh cấm nhập khẩu than của Nga vì các hành động quân sự ở Ukraine.
"Cuối cùng, đã đến lúc thực hiện bước này. Đây là lần đầu tiên chúng tôi trực tiếp xử phạt việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga, do đó cắt giảm một nguồn thu quan trọng", Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết trong một bài phát biểu.
Hôm 8/4, EU đã thông qua gói trừng phạt mới chống lại Nga, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga.
Vì Nga đáp ứng một phần lớn nhu cầu than ở châu Âu, nên EU sẽ khẩn trương tìm mua nhiên liệu từ các nhà xuất khẩu ở xa hơn nhiều, điều này sẽ khiến chi phí vận chuyển từ Nam Phi, Colombia, Hoa Kỳ và thậm chí là Úc sẽ cao hơn.
Thị trường than đã bị thắt chặt trong nhiều tháng nay, ngay cả khi không có lệnh cấm vận của châu Âu đối với than Nga. Vì vậy, giá chắc chắn sẽ tăng đột biến trở lại do dòng chảy thương mại than toàn cầu sẽ phải điều chỉnh. Điều này sẽ làm mất thời gian và tăng chi phí vận chuyển, dẫn đến giá than và điện cao hơn nữa.
Rystad Energy cho biết một trong nghiên cứu: "Lệnh cấm than đá có nghĩa là người tiêu dùng châu Âu sẽ phải gồng mình với giá điện cao trong suốt năm nay, do tình trạng thiếu nguồn cung ở các quốc gia dựa vào sản xuất than sẽ lan rộng khắp lục địa thông qua các lưới điện được kết nối chặt chẽ".
Công ty nghiên cứu năng lượng lưu ý rằng Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Châu Âu sẽ phải đối mặt với những thách thức trong việc tìm kiếm nguồn cung thay thế, ngay cả với chi phí cao, do thị trường than toàn cầu vốn đã rất eo hẹp. Các nhà xuất khẩu lớn như Australia và Indonesia sẽ có một số lượng hạn chế than dự trữ cho châu Âu, do chi phí vận chuyển hàng hóa và các chuyến đi dài và nhu cầu than tiếp tục cao ở châu Á.
Hơn nữa, các thông số kỹ thuật của than khác nhau về hàm lượng nhiệt vì không phải tất cả các loại than đều như nhau. Các máy phát điện phù hợp với than của Nga có thể khiến chi phí đốt than không phải của Nga cao hơn.
Không chỉ ở châu Âu, các quốc gia giàu có đang tìm cách thay thế than đá của Nga có thể khiến người mua từ các nước đang phát triển như Malaysia, Việt Nam và Philippines gặp khó trong việc nhập khẩu than.
Rystad Energy nhận định: "Mặc dù có vẻ khả năng để tìm ra các giải pháp từng phần cho cuộc khủng hoảng than đang phát triển ở châu Âu, nhưng người dân châu Âu sẽ phải đối phó với những hậu quả và yếu tố dẫn đến giá điện cao trong lịch sử ít nhất trong thời gian còn lại của năm 2022."
"Giá điện trong toàn khu vực sẽ được thiết lập bởi các nguồn cung cấp cận biên, đó là khí đốt và than. Cả hai loại nhiên liệu này hiện đang được giao dịch ở mức đặc biệt cao và do đó sẽ có tác động trực tiếp đến thị trường điện năng."
Tham khảo: Oil Price, Japan Times
Khánh Vy
Theo Nhịp sống kinh tế