Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, nhập khẩu than về Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng mạnh trong tháng 6. Cụ thể, trong tháng 6, nhập khẩu than các loại của cả nước đạt hơn 7,2 triệu tấn với kim ngạch hơn 993 triệu USD, tăng 43,6% về lượng và tăng 46,2% về trị giá so với tháng trước đó. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, nhập khẩu than của cả nước đạt hơn 24,1 triệu tấn với kim ngạch hơn 3,6 tỷ USD, tăng mạnh 46% về lượng tuy nhiên lại giảm 13,8% về trị giá so với nửa đầu năm 2022.
Đáng chú ý, kể từ đầu năm đến nay, nhập khẩu than từ thị trường Nga liên tục tăng mạnh. Trong tháng 6, nhập khẩu than các loại từ Nga đạt hơn 457.000 tấn với trị giá hơn 79,1 triệu USD, sản lượng tăng mạnh 1.284% so với tháng 6/2022 và tăng 44,6% so với tháng trước đó, đánh dấu tháng thứ 6 nhập khẩu tăng trưởng liên tiếp. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu than các loại từ Moscow đạt hơn 1,7 triệu tấn với kim ngạch hhơn 377 triệu USD, tăng 22% về lượng và tuy nhiên lại giảm hơn 6% về giá trị.
Theo dữ liệu từ Statista, Nga sản xuất 443,6 triệu tấn than vào năm 2022, tăng 0,3% so với năm 2021, con số này gấp gần 15 lần so với sản lượng than tự sản xuất hơn 30 tấn của Việt Nam trong năm 2022. Trong năm vừa qua, Việt Nam đã chi hơn 590 triệu USD để nhập khẩu hơn 2,2 triệu tấn than từ Nga.
Than là một trong những loại năng lượng chiến lược của Nga. Trong nhiều thập kỷ, Nga đã xuất khẩu các loại nhiên liệu hóa thạch khác nhau bao gồm dầu mỏ, khí đốt và than đá sang châu Âu. Năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 làm suy giảm đáng kể nhu cầu năng lượng của châu Âu đã nhập khẩu 254 triệu tấn dầu, 157 tỷ m3 khí tự nhiên và 50 triệu tấn than từ Nga, trị giá lần lượt là 71,75 tỷ euro, 36,73 tỷ euro và 4,93 tỷ euro.
Tuy nhiên sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra, than đá đã trở thành mặt hàng xuất khẩu đầu tiên của Nga bị trừng phạt toàn diện với lệnh cấm vận chuyển hoàn toàn kể từ ngày 1/8/2022. Chính vì vậy sau đó, than của Nga đã được gửi đến “các quốc gia thân thiện” - một trong số đó không ai khác là Trung Quốc. Các hợp đồng xuất khẩu than sang Trung Quốc được Nga thực hiện trong năm 2022 đã tăng lên hơn 11%, tương đương 59,5 triệu tấn. Mức tăng trưởng này là do Trung Quốc dỡ bỏ biện pháp Zero Covid và nối dần lại các hoạt động sản xuất công nghiệp sau đại dịch nhằm phục hồi nền kinh tế.
Trung Quốc hiện không chỉ là người mua than lớn nhất của Nga mà còn là người mua dễ vận chuyển nhất, vì phần lớn nguồn cung có thể được vận chuyển qua các cảng của Nga ở Thái Bình Dương hoặc trực tiếp bằng đường sắt.
Bên cạnh đó Nga cũng tăng cường vận chuyển than đến các quốc gia châu Á khác như Ấn Độ, Bangladesh, Việt Nam,...còn tại Việt Nam, năng lực sản xuất trong nước chỉ đáp ứng 40 - 45% nhu cầu dẫn đến cần tăng trưởng nhập khẩu từ các thị trường như Trung Quốc, Nga,... để cung ứng cho các ngành sản xuất, đặc biệt là cho sản xuất điện.
Như Quỳnh
Nhịp sống thị trường