Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị đón và làm việc với đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 4.
Để quyết tâm gỡ cảnh báo "thẻ vàng" tại đợt thanh tra lần thứ 4 của EC (từ ngày 10-18/10), không để ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành Thủy sản, đời sống sinh kế của cộng đồng ngư dân ven biển; đặc biệt là làm giảm uy tín, vị thế, hình ảnh của quốc gia, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ban, bộ, ngành và địa phương có liên quan cần phải đặt trách nhiệm cao nhất tại thời điểm hiện nay, nghiêm túc chấn chỉnh, tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra.
Công điện nêu rõ, từ nay đến trước khi đoàn thanh tra của EC sang kiểm tra thực tế tại Việt Nam, các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan đảm bảo nguồn lực, kinh phí khẩn trương hoàn thành việc khắc phục các tồn tại, hạn chế. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, không dung túng, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vì lợi ích riêng cố tình thực hiện hành vi trái phép làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tận dụng mọi cơ hội giải thích, chứng minh cho đoàn thanh tra EC hiểu, nắm được hoàn cảnh, điều kiện ngành thủy sản Việt Nam, quyết tâm của Chính phủ, nỗ lực của các cơ quan liên quan của Việt Nam trong chống khai thác IUU để trên cơ sở đó Đoàn có ý kiến ủng hộ gỡ cảnh báo "thẻ vàng" tại đợt thanh tra lần này.
Bộ Quốc phòng tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết ngăn chặn không để tái diễn tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các thủ tục cho đoàn thanh tra EC và đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào cảng biển chỉ định do Bộ Quốc phòng quản lý thực hiện Hiệp định về Biện pháp các quốc gia có cảng (Hiệp định PSMA) cho tàu nước ngoài cập cảng để thực hiện chương trình làm việc theo yêu cầu của đoàn thanh tra EC.
Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải… trong trao đổi thông tin, cung cấp hồ sơ liên quan trong việc thực hiện quy định của Hiệp định PSMA và kiểm soát nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu bằng tàu container.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cảng biển chỉ định phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan chuẩn bị kỹ hồ sơ kiểm soát sản phẩm thủy sản khai thác của tàu nước ngoài cập cảng theo quy định của pháp luật Việt Nam và Hiệp định PSMA. Bố trí nguồn lực, địa điểm và các điều kiện cần thiết khác để tiếp và làm việc với đoàn thanh tra EC tại các cảng biển chỉ định.
Theo Văn Kiên
Tiền Phong