Do xuất khẩu gặp khó khăn nên trái dừa khô ở vùng ĐBSCL rớt giá thê thảm ; trong khi đó trái dừa tươi (dừa uống nước) giá ở mức cao. Nhà vườn đang đổ xô trồng loại dừa này, bỏ phế vườn dừa khô truyền thống.
Hiện nay, trái dừa khô tại vùng ĐBSCL giá chỉ ở mức trên dưới 2.000 đồng/quả, tương đương 25.000 đồng/chục (12 quả). Ở nhiều khu vực, nhà vườn dự trữ trái dừa khô thành đống to chưa bán được, nhiều quả dừa lâu ngày nảy mầm.
Trong khi đó, trái dừa tươi như dừa Xiêm xanh, dừa Malaysia vẫn hút hàng. Nhà vườn bán được giá dao động từ 60.000 - 70.000 đồng/chục, (trên 6.000 đồng/quả). Với mức giá này, trái dừa tươi có giá gấp 3-4 lần so với dừa khô.
ĐBSCL có diện tích dừa hơn 140.000 ha, chiếm 78% diện tích dừa cả nước. Chỉ riêng 2 tỉnh Bến Tre và Tiền Giang có gần 100.000 ha dừa. Trong một thời gian dài, trái dừa khô rớt giá; trong lúc giá phân bón tăng vọt nên nhà vườn không tích cực chăm sóc vườn dừa khô và còn phá bỏ vườn cây kém năng suất để chuyển sang trồng dừa lấy nước.
Ông Phan Thanh Tuấn, chủ 1 ha vườn dừa tại xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang chia sẻ băn khoăn, hiện tại trái dừa Xiêm (dừa uống nước) có giá cao hơn nhiều so với dừa khô. Dừa Xiêm nhà vướn đang bán được trên 60.000 đồng/chục, rất dễ bán, đầu ra ngon. Còn dừa khô lại quá rẻ, nhà vườn muốn bán cũng không được, thương lái cũng không muốn mua.
“Dừa khô rao bán nếu để thương lái tự hái họ chỉ trả giá 15.000 đồng/chục; nếu nhà vườn hái sẵn giao cho thương lái thì được hơn 25.000 đồng/chục. Năm nay tỉ lệ vườn dừa khô cũng đã lão hóa nhiều, nhiều diện tích cây thanh long hiện nay người ta cũng phá chuyển sang trồng dừa uống nước, nhất là dừa Malaysia. Nếu nhà vườn nào cũng chạy theo phong trào trồng dừa nước thì cũng chỉ 2-3 năm nữa trái dừa uống nước cũng rơi vào cảnh mất giá”, ông Tuấn bày tỏ.
Theo Nhật Trường
VOV