CTCP FPT

Lĩnh vực: Công nghệ > Ngành: Công nghệ

Câu hỏi sau việc FPT mua 1.000 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu

Tại sao khi FPT đang được hưởng mức lãi suất rất rẻ 7%/năm trên lượng trái phiếu đã bán (so với mức phổ biến 17 - 20%/năm ở thời điểm hiện tại), Công ty lại đưa ra quyết định mua lại?

Ngày 1/11/2011, HĐQT Công ty FPT đã thông qua phương án mua lại trái phiếu kèm chứng quyền do công ty này phát hành. Theo đó, số lượng mua lại không quá 1.000 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu kèm chứng quyền. Đồng thời, HĐQT FPT cũng ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT quyết định chi tiết việc mua trái phiếu.

Vào tháng 10/2009, FPT phát hành 1.800 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu kèm chứng quyền với lãi suất 7%/năm. Theo phương án của Công ty, cứ 1 tỷ đồng mệnh giá kèm theo không quá 1.500 chứng quyền. Trong thời hạn hiệu lực của quyền đặt mua cổ phần theo chứng quyền (từ năm thứ 2 đến năm thứ 4 của đợt phát hành, tức là năm 2011, 2012 và 2013), mỗi chứng quyền sở hữu sẽ được quyền mua 10 cổ phiếu FPT. So với tình hình thị trường khi đó và giá của cổ phiếu FPT xoay quanh mức 90.000 đồng/CP, trái phiếu kèm quyền mua cổ phiếu khiến nhiều NĐT hào hứng.

Vào đầu tháng 10 vừa qua, trả lời phỏng vấn trên Báo ĐTCK, một lãnh đạo FPT cho biết, hiện tại Công ty không gặp sức ép trả nợ. Tại thời điểm phát hành, mỗi chứng quyền sẽ có quyền mua 10 cổ phiếu ở mức giá 92.025 đồng/CP. Số cổ phiếu được quyền mua sẽ được điều chỉnh theo tỷ lệ pha loãng cổ phiếu của FPT trong thời gian chứng quyền còn hiệu lực. Vì vậy, ngày 28/6/2010, FPT đã điều chỉnh giá cổ phiếu lần 1, mỗi chứng quyền được mua 10 cổ phiếu với mức giá mới 69.067 đồng/CP.

Tuy nhiên, quyết định đột ngột mua lại không quá 1.000 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền của HĐQT FPT không lâu sau tuyên bố trên đặt ra một số nghi vấn. Tại sao khi FPT đang được hưởng mức lãi suất rất rẻ 7%/năm trên lượng trái phiếu đã bán (so với mức phổ biến 17 - 20%/năm ở thời điểm hiện tại), Công ty lại đưa ra quyết định mua lại?
 
Nghị quyết của HĐQT FPT giải thích, việc mua lại này nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nguồn vốn hiện có của Công ty. Tuy nhiên, lý do này có hợp lý không khi trên thực tế Công ty cũng đang đi vay nợ để phục vụ hoạt động kinh doanh? Báo cáo hợp nhất tại ngày 30/9/2011 của FPT cho thấy, tổng nợ phải trả của Công ty là 7.800 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ có 5.450 tỷ đồng.

Việc mua lại trái phiếu kèm chứng quyền sẽ kiến chi phí vốn của FPT tăng lên. Ước tính, số tiền chênh lệch về lãi suất tại thời điểm phát hành (7%/năm) với mức lãi suất FPT phải chịu nếu phải đi vay để mua lại số trái phiếu trên với lãi suất khoảng 17 - 20%/năm, Công ty sẽ phải trả khoảng 100 - 130 tỷ đồng/năm, chưa kể các chi phí phát sinh khi mua lại trái phiếu.

Như vậy, thiệt hại, nếu có thì phía Công ty, mà cụ thể là các cổ đông hiện hữu có thể sẽ phải chịu, thay vì các trái chủ đang nắm giữ trái phiếu kèm chứng quyền.


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây