CTCP FPT

Lĩnh vực: Công nghệ > Ngành: Công nghệ

Dằng dai thương vụ EVNTelecom và FPT

Sau hơn 3 tháng công bố hủy bỏ thương vụ mua 60% cổ phần của EVNTelecom, FPT chưa thể rút số tiền 708 tỷ đồng đặt cọc, còn EVNTelecom vẫn chưa được “tái hôn” cho đối tác khác.

Theo ông Trương Đình Anh, Tổng giám đốc FPT, thương vụ EVNTelecom là bài toán đau đầu của FPT, FPT cũng đã ráo riết thương lượng với EVN (công ty mẹ của EVNTelecom) về việc rút tiền đặt cọc.

Tuy nhiên, tới thời điểm này, kết quả mới chỉ dừng lại ở việc hai bên cùng ký vào một văn bản chung để xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này. “FPT hy vọng có thể sớm thu hồi được số tiền đặt cọc trên”, ông Trương Đình Anh nói.

Mặc dù phải chờ quyết định chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhưng ông Trương Đình Anh khẳng định, với những sở cứ mà FPT có, Công ty không thấy có nguy cơ bị mất số tiền đặt cọc.

Cụ thể, tháng 10/2010, FPT và EVN đã cùng ký thỏa thuận FPT mua 60% cổ phần của EVNTelecom, nhưng sau đó lại có văn bản của Thủ tướng Chính phủ chỉ cho phép EVN bán tối đa 49% cổ phần cho FPT và FPT Telecom khi cổ phần hoá EVNTelecom. Vì vậy, thỏa thuận đã ký kết giữa EVN và FPT không còn phù hợp với quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Hơn nữa, theo quy định tại Nghị định 25/2011/nđ-cp hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông có hiệu lực từ ngày 1/6/2011, một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của một doanh nghiệp viễn thông, thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của một doanh nghiệp viễn thông khác trong cùng một thị trường dịch vụ viễn thông thuộc Danh mục dịch vụ viễn thông do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định. Trong khi đó, FPT đang sở hữu 43% cổ phần tại FPT Telecom, nên việc sở hữu trên 20% cổ phần tại một doanh nghiệp viễn thông khác là không phù hợp.

Tuy nhiên, sở cứ thứ hai của FPT xem ra không có tính thuyết phục cao, vì Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn chưa đưa ra được Danh mục dịch vụ viễn thông buộc phải thực hiện quy định sở hữu chéo trên.

Trong thương vụ mua bán bất thành nêu trên, không chỉ FPT bị thiệt hại, mà EVNTelecom cũng chưa thể nói đến chuyện “tái hôn” với đối tác khác. Mặc dù có nhiều thông tin rầm rộ về việc VTC quyết định mua 13% cổ phần của EVNTelecom được tung ra ngay sau thời điểm FPT rút lui, nhưng hiện vẫn chưa có bất cứ thỏa thuận hay hợp đồng mua bán nào được chính thức ký kết giữa VTC và EVNTelecom.

Trước đó, EVNTelecom cũng đã bỏ lỡ cơ hội “se duyên” với một đối tác Singapore khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc EVN chỉ được bán tối đa 49% cổ phần cho FPT và FPT Telecom khi cổ phần hoá EVNTelecom. Ngoài khó khăn trong việc “tái hôn” với đối tác khác, thương vụ mua bán hụt còn khiến EVNTelecom chậm trễ trong việc đầu tư hạ tầng mạng lưới cho mạng 3G.

Theo ông Nguyễn Hải Hà, Phó giám đốc Đầu tư Xây dựng của EVNTelecom, nếu công tác cổ phần hóa, bán cổ phần cho đối tác diễn ra tốt đẹp và hoàn thành sớm hơn, thì mục tiêu xây dựng 7.500 trạm BTS 3G theo cam kết trong hồ sơ thi tuyển đã có thể được EVNTelecom hoàn thành trong cuối năm nay.

“Do ảnh hưởng của tiến độ cổ phần hóa, nên công tác đầu tư xây dựng hạ tầng mạng 3G bị chậm lại”, ông Hà nói và cho biết, theo yêu cầu của Bộ Công thương, EVNTelecom phải bán 25% cổ phần cho đối tác chiến lược trước khi tiến hành IPO.

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây