CTCP FPT

Lĩnh vực: Công nghệ > Ngành: Công nghệ

FPT: Bình thường hay bất thường?

Những ngày qua, FPT được thị trường chú ý với việc CP đột ngột gia tăng thanh khoản chỉ trong một thời gian rất ngắn. Từ đây, đã xuất hiện không ít vấn đề đáng quan tâm.

Công bố thông tin thiếu trách nhiệm?

Đã từ khá lâu, FPT không còn được đánh giá cao về tính thanh khoản mặc dù đây là CP có giá trị vốn hóa lớn và chất lượng tốt. Hầu hết các phiên giao dịch trong tháng 7, KLGD của FPT chỉ đạt mức vài chục nghìn CP mỗi phiên, nhưng lại bắt đầu gia tăng dần vào cuối tháng.

Cũng trong giai đoạn này, xuất hiện thông tin về việc FPT sẽ “trảm” những lãnh đạo của những đơn vị có KQKD không đạt yêu cầu. Kể từ đầu tháng 8, thanh khoản của FPT gia tăng rất mạnh, mỗi phiên có hàng trăm nghìn CP khớp lệnh.

Ngày 9-8, FPT công bố Nghị quyết của HĐQT về việc tạm ứng cổ tức đợt 1-2012 với tỷ lệ 10%/mệnh giá, tức 1.000 đồng/CP với thời gian không muộn hơn ngày 30-9-2012.

Ngày 14-8, FPT lại công bố việc Tổng giám đốc Trương Đình Anh nghỉ phép từ 1-8 đến 30-9 để giải quyết việc gia đình và sức khỏe cá nhân. Ngày 15-8, FPT chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tạm ứng đợt 1 là ngày 27-8 và thời gian thực hiện là 17-9.

Một “yếu nhân” như ông Trương Đình Anh khi nghỉ phép, trừ những lý do bất khả kháng thì thường sẽ được chuẩn bị kỹ lưỡng, chứ không có chuyện “nay xin phép, mai nghỉ”. Thời gian không điều hành FPT của ông là 2 tháng cuối quý III, cũng là giai đoạn cực kỳ căng thẳng của doanh nghiệp trong việc chạy đua hoàn thành kế hoạch năm.

Theo Điều 8 của Thông tư 52/2012/TT-BTC, công ty đại chúng phải công bố thông tin (CBTT) bất thường trong thời hạn 24 giờ nếu xảy ra sự kiện có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc tình hình quản trị của công ty.

Việc doanh nghiệp lớn như FPT thiếu tổng giám đốc trong thời gian tương đối dài mang tính chất quyết định và tương đương 1/6 của năm nên xem là bình thường hay bất thường?

Nhưng ở đây, ngày ông Trương Đình Anh nghỉ phép là 1-8, còn ngày CBTT của FPT lại là 14-8, tức là 2 tuần sau khi biến cố xảy ra, cổ đông bên ngoài mới được biết. Vô lý hay không?

Kết thúc phiên giao dịch ngày 17-8, FPT đóng cửa tại mức giá 45.500 đồng/CP, so với giá của đúng 1 tháng trước là 47.300 đồng/CP, thì FPT giảm giá chưa đầy 4%, còn so với thời điểm công ty công bố tổng giám đốc nghỉ phép CP này giảm gần 2%.

Về mặt cảm tính, mức độ giảm giá của FPT kém hơn nhiều so với những ảnh hưởng khi thượng tầng lãnh đạo công ty có những thay đổi, cho dù chỉ là tạm thời.

Có giả thiết cho rằng, việc FPT tiến hành tạm ứng cổ tức đợt 1 có thể xem là tin tốt lành để “gánh” cho thông tin về lãnh đạo thay đổi.

Nhưng thử lấy giá trị cổ tức tạm ứng lần này là 1.000 đồng, chia cho thị giá ngày 17-8 là 45.500 đồng/CP của FPT sẽ cho ra tỷ lệ vỏn vẹn 2,2%, không lấy gì làm hấp dẫn với cổ đông bên ngoài. Thị trường trong tháng 8 cũng chỉ mới tích cực hơn đôi chút chứ chưa có nét gì sáng sủa. Vì vậy, giả thiết vừa nêu là không thực sự thuyết phục.

Bất thường cung-cầu

Thanh khoản của FPT đạt mức cao, cũng đồng nghĩa với việc cả bên mua lẫn bên bán đều mạnh tay. Thông thường, CP xuất hiện thông tin tiêu cực thì cổ đông sẽ đem bán, những ai muốn mua vào sẽ đợi giảm về mức hợp lý thì mới ra tay.

Cũng có trường hợp thị trường dự báo trước những tin xấu của CP và đem bán, đến khi tin xấu xuất hiện cũng là lúc tạo đáy. Nhưng cả 2 trường hợp này đều không xảy ra tại FPT.

Theo dõi giao dịch của FPT trong khoảng 20 phiên trở lại đây, không thấy có quá nhiều sự lệch pha giữa cung và cầu, kết quả như đã nói ở trên là CP này giảm giá không quá mạnh.

Điểm khó hiểu nhất chính là động thái của bên mua vào và từ đây đã có một số giả thiết được đặt ra: Phải chăng FPT là doanh nghiệp tốt có chiến lược, hệ thống cũng đã được vạch sẵn nên cho dù có thay đổi lãnh đạo cũng không ảnh hưởng? Hoặc do vai trò của tổng giám đốc quá mờ nhạt, ai cũng có thể làm được?

Nhưng trong thực tế, ông Trương Đình Anh đã để lại rất nhiều dấu ấn từ khi chưa làm tổng giám đốc cho đến khi nhậm chức vụ này. Chưa kể TTCK là thị trường phản ứng với thông tin, tin đồn thất thiệt mặc dù sai bét vẫn có thể ảnh hưởng đến giá CP.

Có hay không việc những cá nhân hoặc tổ chức muốn mua vào FPT đã và đang tranh thủ cơ hội để gia tăng sở hữu cho mình? Tỷ lệ sở hữu của NĐTNN tại FPT trong thời gian qua vẫn gần mức 49% và không mấy thay đổi. Khối này bán ra không nhiều và lực mua-bán cũng cân bằng nhau. Có thể thấy, NĐT trong nước mới là tác nhân chủ chốt trong việc gia tăng thanh khoản của FPT.

FPT là một CP thị giá cao, không mang tính đầu cơ nên ít sóng, thanh khoản cũng không cao, không phải là “khẩu vị” ưa thích của nhiều NĐT cá nhân. Vả lại, ở vị trí của một NĐT cá nhân thông thường, nếu nhận thấy những thông tin tại FPT trong thời gian qua, phần đông có thể chọn giải pháp bán ra CP, hoặc không mua vào.

Từ những yếu tố vừa nêu, có thể dễ dàng nhận thấy “cuộc chơi” tại CP FPT nói chung và bên mua vào nói riêng chỉ giới hạn trong một nhóm các NĐT trong nước “có số” và cũng thực sự hiểu rõ FPT. Bởi lẽ, “có số” thì mới có thể mua mạnh một CP có thị giá cao và có tính chất dài hạn như FPT, có “hiểu rõ” thì mới có thể mua vào khi CP có những thông tin không thuận lợi.

Nếu để ý sẽ thấy một sự trùng hợp giữa giai đoạn thanh khoản FPT gia tăng vào cuối tháng 7 cũng cận kề với thời điểm ông Trương Đình Anh sắp nghỉ phép. Vì sao lại có hiện tượng này? Phải chăng một nhóm cổ đông đã biết được việc này (thực tế không khó) nên đã ra tay bán trước và ngược lại cũng có một bên chờ sẵn để mua vào?

Cũng có giả thiết cho rằng lực bán ra FPT thực chất chỉ là đòn gió để “hù” những cổ đông “yếu tim” nhằm tranh thủ “vớt hàng” giá rẻ. Cũng có thể đây là cuộc chiến cung-cầu giữa bên bán và bên mua trong việc “giữ-dìm-đẩy” giá FPT mà những thông tin đã được công bố chỉ là cái cớ để “hợp thức hóa” mà thôi.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây