CTCP ĐẠI LÝ LIÊN HIỆP VẬN CHUYỂN

Lĩnh vực: Công nghiệp > Ngành: Dịch vụ vận tải

GMD: Đại hội cổ đông “nóng” chuyện trồng cao su

Phương án phát hành 30 triệu – 70 triệu USD trái phiếu chuyển đổi đã được ĐHCĐ thường niên của Gemadept thông qua.

Sáng nay, Đại hội cổ đông thường niên năm 2011 của CTCP Gemadept (MCK: GMD) đã tiến hành thành công. Mặc dù có nhiều ý kiến trái ngược và thời gian tranh luận kéo dài, nhưng nội dung các tờ trình đã được thông qua.

Cổ tức thực hiện năm 2010 tỷ lệ 6%/mệnh giá, trích lập 8% LNST cho 2 quỹ khen thưởng phúc lợi và quỹ Hội đồng quản trị.

Năm 2010, GMD đạt doanh thu 2.148,8 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 233,1 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế là 206,8 tỷ đồng; Cổ tức thực hiện tỷ lệ 6% tiền mặt. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2011 là 659,4 tỷ đồng.

Sẽ phát hành 30 triệu – 70 triệu USD trái phiếu chuyển đổi

Năm 2011, GMD đặt kế hoạch doanh thu là 2.300 tỷ đồng, tăng 7% so 2010; lợi nhuận trước thuế từ hoạt động SXKD chính là 160 tỷ đồng, giảm 20% so 2010.

Năm nay, GMD dự kiến phát hành 30 triệu – 70 triệu USD trái phiếu chuyển đổi. Thời hạn trái phiếu từ 3 – 5 năm. Phương thức phát hành riêng lẻ cho đối tượng nhà đầu tư tổ chức. Lãi suất khoảng 6% / năm.

Thời gian dự kiến thực hiện quý 4/ 2011 đến quý 4 /2012. Giá chuyển đổi trong bất kỳ trường hợp nào cũng không thấp hơn 70% trung bình thị giá cổ phiếu.

Các dự án trọng điểm trong năm 2011 và các năm tiếp theo

Đối với dự án phát triển dịch vụ logistic trên nền tảng kết nối, phát huy các nguồn lực có sẵn và đầu tư mới gồm hệ thống cảng, kho bãi, đội tàu, đội xe, thành lập trung tâm phân phối, phát triển dịch vụ 3PL. Phấn đấu đứng trong nhóm 3 nhà cung cấp dịch vụ Logistic VN vào 2015.

Về dự án cảng nước sâu Gemalink Cái Mép thi công đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng cho gói thầu xây dựng hạ tầng đã ký với nhà thầu Daelim-Samwhan. Triển khai gói thầu cung cấp trang thiết bị và các công tác khác nhằm mục tiêu hoàn thành và đưa cảng vào khai thác quý 3/2013.

Dự án SaiGon GEM tích cực triển khai hợp đồng tư vấn thiết kế với Aedas, tư vấn kết cấu với Arup và các công việc cần thiết kế để chuẩn bị cho việc thi công đầu năm 2012.

Dự án khu phức hợp GMD tại Viêng Chăn – Lào: dự án tọa lạc tại khu đất trên đại lộ Lane Xang, trung tâm thủ đô Viêng Chăn – Lào, đã được Bộ kế hoạch đầu tư cả 2 nước Việt Nam– Lào cấp phép đầu tư. Giá trị đầu tư trên sổ sách khoảng 43 tỷ đồng. Đây là khu đất “vàng” của Lào.

GMD sẽ đẩy nhanh tiến độ xin giấy phép xây dựng và thiết kế để khởi công dự án vào cuối năm 2011. Nếu không có vốn đầu tư phát triển dự án, cần thiết GMD sẽ chuyển nhượng dự án, sẽ có lãi đột biến.

Dự án trồng rừng và cao su: khẩn trương triển khai dự án khai hoang trồng rừng tại khu rừng 29.000 ha tại tỉnh Mondulkiri, Campuchia đã được chính phủ Campuchia giao. Tổng mức đầu tư dự kiến 150 triệu USD cho thời hạn 30 năm bao gồm tiền đất, trồng mới và chăm sóc cao su, xây dựng cơ bản và nhà máy. GMD sẽ khai hoang được 2.000 ha rừng và trồng được 1.200 ha cao su trong năm 2011.

Nếu thiếu vốn dự án nào được ưu tiên?

Trả lời câu hỏi của cổ đông về trường hợp GMD phát hành không thành công trái phiếu chuyển đổi, công ty sẽ huy động vốn như thế nào để đáp ứng nhu cầu vốn 56 triệu USD giai đoạn 2011 – 2012? Đại diện của GMD cho biết:

Việc phát hành trái phiếu không thể chắc chắn sẽ thành công 100%, mặc dù cách đây 1 năm kết quả tiếp xúc nhiều nhà đầu tư lớn là rất tôt, khả năng phát hành thành công cao. Tuy nhiên, nếu việc phát hành không thành công như kỳ vọng, GMD sẽ thực hiện dự án theo thứ tự ưu tiên.

Ưu tiên số một là lĩnh vực Logistic, trong năm nay GMD sẽ đầu tư 30 tỷ đồng xây dựng kho 8.800 m², nếu tài chính sẳn sàng, GMD sẽ đầu tư tiếp, nếu chưa, GMD sẽ cải tạo lại các kho đang có. Điều quan trọng GMD là dự án Logistic tiếp nối các hệ thống kho bải, cảng có sẳn. GMD sẽ đầu tư phần mềm quản lý kho 70 nghìn USD.

Về dự án Gemalink Cái Mép, công ty đang sử dụng vốn chủ sở hữu trong tài khoản công ty liên doanh 50 triệu USD sử dụng đến hết quý I/2012, sau đó vốn tài trợ cho dự án này là vốn vay với mức lãi suất vay USD khoảng 6%/năm. Đây là dự án GMD có vốn tài trợ dự án ổn định.

Nếu phát hành trái phiếu thành công, GMD sẽ đầu tư tiếp 5.000 ha cao su bên cạnh việc đầu tư 1.200 ha cao su trong năm nay trị giá 7 triệu USD. Trong một số trường hợp GMD có thể chuyển nhượng 1/3 đất trồng cao su sau khi đã đầu tư 1-2 năm để tài trợ vốn đầu tư thực hiện 2/3 diện tích còn lại.

Các dự án bất động sản sẽ được ưu tiên sau cùng. Nếu các dự án bất động sản khởi công vào cuối năm 2012, GMD sẽ đón đầu được nhu cầu sau khủng hoảng.

Cổ đông cho rằng, việc GMD phát triển lĩnh vực Logistic là một định hướng đúng. Nhưng tại sao đến bây giờ GMD mới bắt đầu phát triển khi các công ty nước ngoài đang chiếm 75% thị phần thị trường này?

GMD nhìn nhận, công ty không thể cùng một lúc làm tốt các lĩnh vực: vừa xây dựng đội tàu, vừa phát triển hệ thống cảng biển từ Bắc tới Nam. Bên cạnh đó, bản thân GMD đã hoạt động trong lĩnh vực Logistic, Forwarding 20 năm, hoạt động kho bải từ năm 1995 -1996, phục vụ các khách hàng lớn như Nike, gần đây là Uniclever. Mức độ tham gia hoạt động của GMD lĩnh vực Logistic là khá cao, đứng thứ 2 về thị phần tại Việt Nam.  GMD định hướng sẽ phục vụ khách hàng phức tạp hơn, tỷ suất lợi nhuận cao hơn.

Được biết, GMD sở hữu đội tàu biển, đội container riêng, và hệ thống cảng biển trải rộng, và sở hữu khai thác 60.000m² kho.

Đầu tư tài chính ngắn hạn đến ngày 31/12/2010 là 924 tỷ đồng, trong đó đầu tư chứng khoán 500 tỷ đồng, còn lại là đầu tư vào công ty tài chính, liên doanh liên kết. GMD cho biết, nếu có cơ hội, GMD sẽ thanh lý toàn bộ danh mục đầu tư chứng khoán.

GMD có đi lệch core business không?

Theo cổ đông, HĐQT xác định năm nay  là năm khó khăn sẽ ảnh hưởng đến ngành kinh doanh cốt lõi của GMD, tuy nhiên HĐQT đánh giá đầu tư vào lĩnh vực cao su và bất động sản là cơ hội , vậy phải chăng GMD đang chuyển dịch vào bất động sản và cao su trong tương lai?

Ngành kinh doanh cốt lõi của GMD là đại lý vận tải. Nếu GMD kiên định theo đuổi ngành nghề kinh doanh lõi này, doanh thu lớn nhất của GMD khoảng 100 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng hơn 10 tỷ đồng .

Đối với lĩnh vực cao ốc văn phòng, trong 2 năm qua, GMD đã duy trì được mức lấp đầy 96%. “Chúng ta mở rộng có chọn lọc” – lãnh đạo công ty khẳng định. Các khu đất của GMD là đất vàng và nguyên giá đầu tư rẻ.

Tại sao GMD sang đến Campuchia đầu tư cao su?

Bắt đầu tư năm 2007, đến khi GMD được cấp đất, công ty có 22 lượt đoàn cán bộ trong nhiều năm khảo sát chọn lựa vị trí đất. Vùng đất hiện tại của GMD có thổ nhưỡng phù hợp với trồng cao su và liền thửa thuận lợi cho canh tác, an ninh. Vị trí thuận lợi, cách Việt Nam 200km, giao thông thuận lợi. Diện tích vùng đất canh tác GMD được nhận gần 30.000 ha tại Campuchia.

Trong khi đó, diện tích đất trồng cao su Việt Nam chỉ khoảng 100 ha/thửa, nhưng không liền mạch, an ninh khó khăn. Ngoài ra, chi phí đền bù di dời các hộ dân tròng rừng rất cao.

Thông tin công ty thành viên và dự án

Năm 2010, GMD đã chính thức khởi công giai đoạn 1 cửa dự án Gemalink Cái Mép. Tính đến tháng 4/2011, tiến độ san lấp mặt bằng cảng đã đạt 96% và công tác nạo vét đạt 7%. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 (Quý III/2013) cảng sẽ có bến chính dài 800m cho tàu mẹ và bến tàu feeder dài 260m trên diện tích 33ha. Khả năng xếp dỡ của cảng trong giai đoạn 1 là 1,2 triệu teus/năm. Sau khi hoàn thành giai đoạn 2 (2014) diện tích kho bãi của cảng sẽ tăng lên 72 ha.

Bên cạnh đó,Cảng Nam Hải đã vượt chỉ tiêu kế hoạch 2010 khi đón trên 250 lượt tàu với sản lượng gần 180.000 teus. Trong năm 2011 với việc đưa vào khai thác cầu bờ thứ 3 và đầu tư nâng tổng diện tích bãi lên 15 ha, Cảng Nam Hải phấn đấu đạt mức sản lượng 200.000 teus.

Năm qua, cảng quốc tế Dung Quất sản lượng thông qua cảng đạt gần 1 triệu tấn tăng 300% so 2009. Năm 2011, Cảng đặt mục tiêu lượng thông quan là 10.000 teus và 1,2 triệu tấn hàng rời.

Đối với mảng vận tải hàng hóa, GMD đã đạt hệ số sử dụng tàu ở mức 82,7% - tăng 3,7% so 2009, sản lượng vận tải chung các tuyến  đạt 275.000 teus, doanh số đạt 62 triệu USD – tăng 5,9%. Đặc biệt sản lượng trên tuyến Campuchia tăng 62% so với chỉ tiêu 108% so 2009, chiếm 57% thị phần.

Đối với mảng cảng hàng hóa hàng không SCSC đã chính thức đi vào hoạt động 05/10/2010 với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD, Cảng hàng hóa hàng không SCSC là liên doanh của Bộ Quốc Phòng, với diện tích 14,3 ha trong khu vực sân bay. Gồm 2 hạng mục chính là sân đỗ máy bay rộng 52.000 m² và khu vực kho hàng hóa rộng 91.000 m² với công suất thiết kế giai đoạn 1 là 200.000 tấn hàng hóa/ năm và giai đoạn 2 là 350.000 tấn/ năm.

Đối với mảng Cao Ốc Văn Phòng:  Hiện tại diện tích cho thuê cao ốc GMD vẫn đạt trên 97%. Bên cạnh đó, cao ốc GMD còn cung cấp dịch vụ “Business Centre” dưới sự điều hành khai thác của công ty The Nomad và hệ số khai thác dịch vụ này đạt 99%.

Giá dầu biến động sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của GMD, GMD Shipping sử dụng khoảng 2.500 tấn dầu/tháng. Trong khi đó, tỷ giá tăng – đồng nội tệ giảm GMD được hưởng lợi do GMD Shipping thu bằng USD.

Vinashin nợ GMD khoảng 3 tỷ đồng, nhưng hiện tại còn nợ 1 tỷ đồng – đây là khoản nợ xấu của GMD. Cơ cấu cổ đông đến thời điểm trước Đại hội gồm 40,4% cá nhân trong nước, 29,69% tổ chức cá nhân trong nước, 27,62% cổ đông nước ngoài.

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây