CTCP CHỨNG KHOÁN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Lĩnh vực: Tài chính > Ngành: Dịch vụ tài chính

HCM không tăng vốn kiểu “bán giấy lấy tiền”

Tuy đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn của HSC diễn ra trong bối cảnh TTCK gặp nhiều khó khăn, nhưng HSC chắc chắn sẽ bán được hơn 80% tổng lượng cổ phiếu phát hành.

Trao đổi với ĐTCK, ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc điều hành CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC - mã HCM) khẳng định, việc tăng vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng hiện tại lên gần 1.000 tỷ đồng sẽ được Công ty thực hiện thành công nhờ phương án phát hành có lợi cho cổ đông, chứ không phải theo kiểu "bán giấy lấy tiền".

Ngày 24/8 tới, HSC mới chốt danh sách cổ đông để thực hiện đợt tăng vốn điều lệ lên gần 1.000 tỷ đồng, nhưng HSC đã thông tin sẽ bán được hơn 80% lượng cổ phiếu phát hành. HSC căn cứ vào đâu mà khẳng định như vậy, thưa ông?

Tuy đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn của HSC diễn ra trong bối cảnh TTCK gặp nhiều khó khăn, nhưng HSC chắc chắn sẽ bán được hơn 80% tổng lượng cổ phiếu phát hành. Các đối tượng đã cam kết sở hữu lượng cổ phiếu này là hai cổ đông lớn: Dragon Capital và Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP. HCM (HFIC), cũng như các cổ đông nội bộ và một số NĐT tổ chức cam kết gắn bó lâu dài với HSC.

 

Thưa ông, 20% số cổ phiếu còn lại có được hấp thụ hết trong bối cảnh hoạt động huy động vốn qua TTCK gần như bị tê liệt?

Nếu TTCK không khó khăn kéo dài như hiện tại, thì việc thực hiện kế hoạch tăng vốn của HSC hầu như không phải đối mặt với bất cứ rủi ro nào. Tuy nhiên, với phương án phát hành thực sự mang lại lợi ích cho cổ đông, chứ không phải "bán giấy lấy tiền", HSC tin tưởng sẽ thực hiện kế hoạch tăng vốn thành công. Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/8, cổ phiếu của HSC có giá 17.900 đồng/CP, thấp hơn đáng kể so với mức hơn 27.000 đồng/CP nếu tính theo giá trị sổ sách. Trong khi đó, khả năng để giá cổ phiếu của HSC biến động lớn từ nay đến ngày chốt danh sách cổ đông (ngày 24/8) là ít xảy ra, bởi kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, cũng như dự kiến cả năm 2011 của HSC khá khả quan. Như vậy, với tỷ lệ phát hành cho cổ đông hiện hữu là 3:2, thì mức giá cổ phiếu của HSC bị điều chỉnh tại ngày giao dịch không hưởng quyền sẽ cao hơn mệnh giá. Giá phát hành cho cổ đông hiệu hữu là 10.000 đồng/CP, nên tạo ra độ chênh lệch giá khá hấp dẫn cho NĐT. Điều này lý giải tại sao từ giữa tháng 8 tới nay, lượng cầu đối với cổ phiếu của HSC có xu hướng tăng mạnh.

 

Nhu cầu sử dụng vốn của các CTCK lúc này không cao, do ít có cơ hội đầu tư. Tăng vốn lúc này liệu có gia tăng áp lực cho HSC trong việc sử dụng hiệu quả đồng vốn, thưa ông?

Việc tăng vốn của HSC là nằm trong kế hoạch kinh doanh dài hạn, nên không chịu nhiều áp lực bởi diễn biến bất lợi của TTCK hiện tại. Mặt khác, TTCK khó có thể xấu hơn trong thời gian tới, nên khả năng thị trường hồi phục là khá cao. Khi đó, nhu cầu sử dụng vốn của Công ty cũng như NĐT sẽ tăng, nên việc tăng vốn lúc này là nhằm đáp ứng nhu cầu đó. Ngoài ra, HSC đang thực hiện chiến lược mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực trái phiếu, nên nhu cầu sử dụng vốn khá lớn. 25% số vốn huy động được từ đợt phát hành này sẽ được HSC dùng để kinh doanh trái phiếu, hơn 37% để tự doanh và còn lại dùng cho nghiệp vụ bảo lãnh phát hành.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây