CTCP TẬP ĐOÀN HOA SEN

Lĩnh vực: Vật liệu cơ bản > Ngành: Kim loại công nghiệp

HSG - Lợi thế thành thất thế?

CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đang đứng trước khó khăn kép: mở rộng quy mô trong điều kiện thị trường tiêu thụ không thuận lợi và phải đối phó những biến động bất lợi về tỷ giá và lãi suất.

Gánh nặng mạng lưới

HSG thành lập năm 2001 với vốn điều lệ có 30 tỷ đồng, nay đã hơn 1.008 tỷ đồng và là nhà sản xuất, phân phối tôn hàng đầu hiện nay với hàng trăm chi nhánh trên cả nước. Đây là thế mạnh góp phần mang lại tốc độ tăng trưởng doanh thu cao trong những năm vừa qua.

Thế nhưng, lợi thế này lại trở thành yếu tố bất lợi do làm tăng mạnh chi phí bán hàng và quản lý so với các doanh nghiệp cùng ngành. Cụ thể, trong khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý ở các doanh nghiệp khác chỉ ở mức 0,5-2% doanh thu, HSG lại từ 3-4%. Trong niên độ tài chính 2010-2011 (tính từ quý IV năm trước đến hết quý III năm sau), HSG chi phí bán hàng 308 tỷ đồng và chi phí quản lý 188 tỷ đồng. Đây là lý do chính khiến các chỉ số sinh lời của HSG có xu hướng giảm.

Việc mở rộng mạng lưới chi nhánh liên tục trong những năm qua đòi hỏi HSG không những đầu tư nhiều, mà còn phải duy trì lượng hàng tồn kho nhất định ở mỗi chi nhánh (bình quân từ 4-5 tỷ đồng/chi nhánh). Trong bối cảnh đầu ra khó khăn cộng với mô hình hoạt động đặc biệt này khiến lượng hàng tồn kho của HSG có xu hướng tăng nhanh.

Với tổng số 103 chi nhánh, chi phí hàng tồn kho thành phẩm phải được HSG duy trì vào khoảng 500 tỷ đồng. So với các doanh nghiệp cùng ngành như CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), CTCP Thép Pomina (POM), CTCP Thép Việt Ý (VIS), tỷ lệ hàng tồn kho/giá vốn của HSG luôn ở mức cao (khoảng 29%). Cũng vì vậy HSG phải vay ngắn hạn khá lớn để tài trợ vốn lưu động. Đây là điều hết sức bất lợi trong điều kiện đầu ra chậm nhưng lãi vay cao.

Nỗi lo tài chính

HSG còn phải đứng trước thách thức quan trọng là chi phí tài chính. Các niên độ tài chính gần đây, chi phí tài chính của HSG tăng lên rất nhanh. Trong đó đáng ngại nhất là chi phí lãi vay và chi phí chênh lệch tỷ giá tăng mạnh. Chi phí lãi vay trong 9 tháng của niên độ tài chính 2010-2011 đã lên đến 213 tỷ đồng (tăng 103% so với cùng kỳ) do dư nợ vay và lãi suất tăng mạnh. Dự báo, chi phí lãi vay của HSG trong cả niên độ khoảng 306 tỷ đồng.

Lượng hàng tồn kho của HSG trong quý III năm nay có xu hướng giảm so với quý II nhưng vẫn tăng so với đầu năm. Thế nhưng, trong quý IV (theo niên độ tài chính của HSG) lại là quý thấp điểm của ngành thép nên lượng tiêu thụ sẽ khó có đột biến.

Đồng thời, để chuẩn bị cho sản xuất trong những niên độ tiếp theo, HSG phải nhập thêm nguyên liệu. Do đó, lượng hàng tồn kho và vay ngắn hạn trong quý IV này vẫn tăng nhẹ. Ước tính, dư nợ bình quân vay ngắn hạn trong quý cuối cùng của niên độ 2010-2011 sẽ lên đến 2.348 tỷ đồng.

Trong khi đó, chi phí chênh lệch tỷ giá của HSG trong 3 quý vừa qua chủ yếu từ 3 yếu tố: thanh toán nguyên vật liệu nhập khẩu, nhập máy móc thiết bị và đánh giá lại các khoản vay ngoại tệ. Lũy kế 9 tháng của niên độ tài chính 2010-2011, chi phí này là 151 tỷ đồng, trong đó có 82,5 tỷ đồng chi phí đánh giá lại các tài khoản có gốc ngoại tệ khi NHNN nâng tỷ giá VNĐ/USD liên ngân hàng lên 9,3%.

Riêng trong quý III, do tỷ giá được duy trì ổn định nên chi phí tỷ giá tăng không đáng kể (khoảng 7 tỷ đồng) và ước tính quý IV là 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng chi phí chênh lệch tỷ giá của HSG trong niên độ này vẫn lên tới 156 tỷ đồng. Tính ra, chi phí tài chính trong quý IV này ước khoảng 98,3 tỷ đồng, nâng tổng chi phí niên độ tài chính lên 462 tỷ đồng.

Tìm lại quá khứ

HSG hiện có 2 khoản đầu tư tài chính dài hạn theo giá trị sổ sách đến ngày 30-6 gần 59 tỷ đồng. Khoản đầu tư này bao gồm 15 tỷ đồng tại Quỹ đầu tư Y tế Bản Việt và xấp xỉ 44 tỷ đồng góp vốn tại CTCP Tiếp vận và Cảng biển quốc tế Hoa Sen-Gemadept. Đây là những khoản đầu tư khó mang lại hiệu quả, nếu không nói là kém hiệu quả trong bối cảnh TTCK đang ở giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay.

Trước tình cảnh này, HSG đã chủ động thay đổi chiến lược kinh doanh thông qua quyết định chuyển nhượng 3 dự án bất động sản và phần góp vốn tại dự án cảng biển Hoa Sen-Gemadept. Quyết định này nhằm giúp cho HSG hạn chế được những rủi ro từ việc đầu tư dàn trải nhiều doanh nghiệp đang gặp phải. Thế nhưng cả 2 lĩnh vực này đang gặp khó, khiến sự chuyển hướng của HSG không hứa hẹn suôn sẻ.

Về dài hơi, HSG đang xây dựng các tổng kho (hàng thành phẩm sẽ được tập trung ở các tổng kho, từ đó đưa về chi nhánh). Chiến lược này được kỳ vọng sẽ giảm áp lực vay ngắn hạn để tài trợ cho hàng tồn kho. Vốn vay dài hạn của HSG cũng giảm xuống khi Nhà máy Hoa Sen - Phú Mỹ hoàn thành.

Khi đó chi phí lãi vay và chênh lệch tỷ giá sẽ không còn là nỗi ám ảnh của HSG. Tuy nhiên, những kế hoạch này đều có độ trễ, nên trước mắt CP HSG vẫn kém hấp dẫn với NĐT. Hơn nữa, NĐT đang nắm giữ CP của HSG còn chịu thêm sức ép giảm giá do HSG đang nằm trong diện bán ra của các quỹ đầu tư chỉ số ETF.

Xem ra HSG sẽ khó tìm lại được hình ảnh của chính mình nếu nhìn vào thực tại và mức giá CP đang giao dịch trên thị trường. Từ mức giá hơn 6.0 cách đây đúng 2 năm, đến nay HSG chỉ được giao dịch quanh mức 1.0, thậm chí có thời điểm còn xuống thấp hơn mệnh giá.

 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây