CTCP GỐM TỪ SƠN VIGLACERA

Lĩnh vực: Công nghiệp > Ngành: Nguyên vật liệu xây dựng & Thiết bị lắp đặt

Soi vấn đề “hoạt động liên tục” trong báo cáo soát xét họ Viglacera

Một khi DN không đưa ra phương án kinh doanh sắp tới, để đảm bảo việc thanh toán các khoản nợ ngắn hạn và dài hạn đến hạn phải trả, nhà đầu tư có quyền nghi ngờ tính hoạt động liên tục của DN đó.

Có nhiều biểu hiện hoạt động của 1 doanh nghiệp để kiểm toán viên có thể đặt dấu hỏi cho giả định “hoạt động liên tục”. Tuy nhiên, phổ biến nhất trong mùa báo cáo soát xét là các trường hợp sau:

+ Khả năng thanh toán thấp: Thông thường là việc nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn, hoặc đơn vị phụ thuộc quá nhiều vào các khoản vay ngắn hạn để tài trợ các tài sản dài hạn.

+ Phần lỗ chưa phân phối vượt hoặc xấp xỉ vốn đầu tư của chủ sở hữu.

+ Dòng tiền hoạt động kinh doanh bị âm liên tục thể hiện trên BCTC hay dự đoán trong tương lai.

Thời gian vừa qua là một giai đoạn khó khăn đối với các doanh nghiệp vật liệu xây dựng. Nguyên nhân chủ yếu là giá nguyên liệu đầu vào tăng cộng với giá bán đầu ra các sản phẩm không tăng được do nguồn cung trên thị trường nhiều so với nhu cầu. Thị trường bất động sản ảm đạm cũng là một trong những nguyên nhân của bức tranh không mấy sáng sủa của họ Viglacera trong những tháng vừa qua.

Trong 8 doanh nghiệp, chỉ duy nhất HLY chưa công bố báo cáo soát xét. Các doanh nghiệp còn lại đều đã công bố báo cáo bán niên có soát xét kèm theo những trường hợp ngoại trừ, những lưu ý của kiểm toán viên.

Lỗ chưa phân phối xấp xỉ hoặc vượt vốn đầu tư của chủ sở hữu

Về lãi sau thuế, 8 doanh nghiệp Viglacera trong 6 tháng đầu năm đã lỗ 181,19 tỷ đồng. Con số lỗ chưa phân phối còn cao hơn thế, với  259,36 tỷ đồng. Với tổng vốn đầu tư của chủ sở hữu là 348,95 tỷ đồng, chúng ta có thể hình dung, một đồng vốn đầu tư của chủ sở hữu bỏ ra đang phải gánh 0,74 đồng lỗ.

3 doanh nghiệp có tỷ lệ Lỗ chưa phân phối/Vốn đầu tư của chủ sở hữu lớn nhất là DTC, TLT, VHL đều bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.

Trong 3 doanh nghiệp, chỉ có VHL có ý kiến của BGĐ một cách rõ ràng về phương án đảm bảo hoạt động liên tục của công ty, đó là chính sách bán hàng thu tiền ngay và kế hoạch huy động các nguồn vốn tín dụng và vốn chủ sở hữu sắp tới. Phải thu ngắn hạn cuối quý 2/2012 của VHL đạt 19,5 tỷ đồng, giảm 45,5% so với số dư đầu kỳ. 

DTC không đưa ra bất kỳ ý kiến nào về lưu ý của kiểm toán trong khi BGĐ của TLT đơn giản chỉ đưa ra nhận định:  kết quả này không ảnh hưởng đến tính hoạt động liên tục của Công ty trong tương lai.

Nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn

Đương nhiên, việc tài sản ngắn hạn bị thiếu hụt so với nợ ngắn hạn, không đủ để chúng ta kết luận về khả năng thanh toán của một doanh nghiệp. Hoặc ít ra, phải theo dõi sự thiếu hụt đó trong một thời gian đủ dài.

Một điểm chung của các doanh nghiệp Viglacera là chỉ số khả năng thanh toán ngắn hạn thấp. Duy nhất chỉ có VTS có chỉ số lớn hơn 1. Theo tính toán, 8 doanh nghiệp Viglacera có tổng chênh lệch Nợ ngắn hạn – tài sản ngắn hạn là 770,87 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư của chủ sở hữu tại 8 doanh nghiệp là 348,95 tỷ đồng. Chỉ số thanh toán ngắn hạn thấp nhất thuộc về DTC với mức 0,30 lần.

Một khi doanh nghiệp không đưa ra phương án kinh doanh sắp tới, để đảm bảo việc thanh toán các khoản nợ ngắn hạn và dài hạn đến hạn phải trả, nhà đầu tư có quyền nghi ngờ tính hoạt động liên tục của doanh nghiệp đó.

Dòng tiền kinh doanh yếu

Ở đây, chúng ta nhấn mạnh đến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Vì đó là dòng tiền bền vững và ổn định, dễ dự đoán nhất của mỗi doanh nghiệp.

Ngoài kết quả kinh doanh, việc cấp tín dụng thương mại cho khách hàng, hoặc chính sách xử lý hàng tồn kho, mua hàng trả chậm… sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền này.

Trong họ Viglacera, có 4/8 doanh nghiệp có dòng tiền kinh doanh 6 tháng 2012 bị âm. Có một điểm lưu ý, mặc dù bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục, VHL chính là 1 trong 4 doanh nghiệp có dòng tiền kinh doanh dương với con số gần 6 tỷ đồng. Như đã nói ở trên, VHL đã áp dụng biện pháp bán hàng thu tiền ngay. Có thể thấy rõ, dòng tiền thu từ khách hàng 6 tháng đầu năm 2012 của VHL đạt 611,69 tỷ đồng, vượt cả doanh thu 6 tháng.

Tổng hợp 8 doanh nghiệp, dòng tiền hoạt động kinh doanh của họ Viglacera vẫn âm 16,30 tỷ đồng.

 

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây