Thị trường chứng khoán đang có những nhịp giảm mạnh khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên tiêu cực hơn bao giờ hết. Bỏ qua những thống kê lịch sử cho thấy VN-Index nghiêng về khả năng tăng điểm trong tháng 10, chỉ số chính vừa có phiên mở đầu tháng ngập sàn sắc đỏ. VN-Index kết phiên 3/10 rơi về mức 1.086,44 điểm, thấp nhất trong vòng gần 20 tháng kể từ ngày 8/2021.
Như vậy, từng mốc điểm quan trọng 1.500, 1.400, 1.300, 1.200 rồi hiện tại là 1.100 đã bị xuyên thủng kể từ đầu năm 2022 tới nay. Diễn biến lao dốc của VN-Index dường như là “cú sốc” lớn đối với các nhà đầu tư cá nhân và cả đội phân tích của nhiều công ty chứng khoán, đẩy loạt công ty chứng khoán vào thế “việt vị” khi diễn biến thực tế của chỉ số ngày càng thấp hơn mức dự báo.
Những đỉnh cao 1.700 – 1.900 điểm từng được kỳ vọng sẽ dễ dàng đạt được
Nhìn lại thời điểm đầu năm 2022, mặc dù vừa trải qua giai đoạn thăng hoa 2020 – 2021, song hầu hết các công ty chứng khoán khi đó đều nhận định VN-Index sẽ tiếp tục cán mốc lịch sử mới. Theo đó, dù nhận định thị trường khó bứt phá mạnh mẽ như năm trước, song hàng loạt dự báo đều đồng thuận với kịch bản VN-Index lên mức đỉnh cao 1.700 – 1.900 điểm trong năm 2022.
Cụ thể, đầu năm, Chứng khoán Yuanta Việt Nam kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022. Mục tiêu VN-Index cuối năm 2022 là 1.898 điểm, tương ứng với mức sinh lời trong 12 tháng là 29%. Yuanta kỳ vọng tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi vững chắc trong năm 2022 và hoạt động xuất khẩu một lần nữa sẽ phục hồi.
Đồng quan điểm, Chứng khoán ACB (ACBS) trong báo cáo đầu năm cũng từng nhận định lạc quan về tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ tăng ở mức 21,8% nhờ vào các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản và vật liệu xây dựng. Với kịch bản trung lập, ACBS ước tính chỉ số VN-Index có thể đạt trên 1.700 điểm, tương đương mức P/E khoảng 13,8 lần. Thậm chí, trong kịch bản lạc quan với kỳ vọng tích cực từ các gói tài khóa và tiền tệ của Chính phủ có thể khiến VN-Index chạm mốc 1.900 – 2.000 điểm.
Các dự báo của MayBank IBG, BVSC, VDSC, VNDirect hay Mirae Asset cũng đều xây dựng kịch bản mức điểm của VN-Index trong năm 2022 có thể vượt trên mốc 1.700 điểm. Thực tế vào thời điểm đầu năm 2022, VN-Index đứng tại mốc 1.498 điểm, cộng thêm đà tăng nóng trong giai đoạn trước đó càng khiến nhiều người tin tưởng kịch bản trên hoàn toàn khả thi.
Song, thực tế VN-Index ngày càng xa rời dự báo, loạt công ty chứng khoán “việt vị”
Hy vọng lớn để rồi thất vọng nhiều, chỉ số chính của TTCK Việt Nam trải qua nhiều đợt điều chỉnh mạnh trong năm 2022. Kể từ mức đỉnh 1.524 điểm trong đầu tháng 4, VN-Index rơi vào xu hướng điều chỉnh dài trong nhiều tháng. Loạt công ty chứng khoán đã lập tức điều chỉnh lại dự phóng trong bối cảnh nhiều luồng thông tin tiêu cực ảnh hưởng và tâm lý nhà đầu tư càng ngày càng trở nên bi quan hơn. Thậm chí, đà giảm của chỉ số nhanh tới mức chính các công ty chứng khoán dường như cũng không thể theo kịp để đưa ra những kịch bản dự báo đối với VN-Index.
Cụ thể, Maybank Investment Bank vào giữa năm 2022 đã đưa ra dự báo mục tiêu VN-Index cuối năm đạt 1.550 điểm, thấp hơn kịch bản 1.800 điểm vào hồi đầu năm, trong bối cảnh tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn và thanh khoản giảm trong nửa còn lại của năm nay. Maybank Investment Bank kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ dần lấy lại động lực trong những tháng tới khi thị trường vốn ổn định về mặt pháp lý và bức tranh lạm phát trở nên rõ ràng hơn.
Kỳ vọng của VNDirect cũng thay đổi trước những diễn biến của thị trường sau nửa đầu năm. Cụ thể trong báo cáo triển vọng nửa cuối năm 2022, VNDirect cho rằng chỉ số sẽ duy trì ở ngưỡng 1.330 – 1.500 điểm, giảm hơn 200 điểm so với dự báo đầu năm. Báo cáo kỳ vọng về lạm phát Mỹ có thể sớm hạ nhiệt và kế hoạch tăng lãi suất của Fed có thể chậm lại. Ngoài ra, bối cảnh từ GDP của Việt Nam tăng trưởng mực 7,5% so với cùng kỳ và việc NHNN không tăng lãi suất điều hành trong năm 2022 sẽ là những động lực củng cố cho kịch bản tích cực.
Chứng khoán EVS cũng phải điều chỉnh giảm dự báo VN-Index cuối năm xuống khoảng 1.270 - 1.514 điểm, giảm khoảng 150 điểm so với kịch bản cơ sở đầu năm đưa ra là 1.663 điểm. Thậm chí, công ty chứng khoán này cho rằng trong trường hợp các yếu tố xấu đi, chỉ số sàn HoSE vào cuối năm có thể duy trì ở mức 1.207 điểm, P/E quay về vùng 10,36 (-2 độ lệch chuẩn) và tăng trưởng lợi nhuận 22%.
Trong khi đó, từ kịch bản VN-Index đạt 1.760 điểm xây dựng đầu năm, KBSV hồi cuối tháng 2 đã điều chỉnh vùng điểm hợp lý chỉ số VN-Index cuối năm 2022 xuống 1.680 điểm. P/E mục tiêu 2022 của VN-Index cũng điều chỉnh giảm xuống 16,5 lần (từ 17,5 lần), cũng như hạ dự phóng tăng trưởng EPS bình quân các doanh nghiệp trên sàn HSX xuống 15,1% (từ mức 15,7%) để phản ánh một số rủi ro vĩ mô gia tăng.
Tới gần đây, đội ngũ phân tích của KBSV một lần nữa điều chỉnh vùng điểm hợp lý của chỉ số VN-Index xuống mức 1.330 điểm thời điểm cuối năm 2022 với đánh giá, trong 3 tháng cuối năm thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có nhiều biến động trước những rủi ro của thế giới. Có thể thấy mức dự báo này giảm khá mạnh so với con số 1.760 điểm trong kịch bản báo cáo hồi đầu năm.
Tương tự, Chứng khoán ACBS vào cuối tháng 6 đã lần đầu thay đổi nhận định khi giảm mức dự báo VN-Index xuống còn 1.450 - 1.660 điểm trong năm 2022. ACBS cho rằng sự bất ổn và sợ hãi tiếp tục bao trùm các thị trường toàn cầu với lo ngại gia tăng về lạm phát sẽ dẫn đến thu nhập giảm so với kỳ vọng và định giá thị trường giảm do sự thờ ơ của nhà đầu tư. Như vậy, so với kịch bản trên 1.700, thậm chí là tới 2.000 điểm như dự báo hồi tháng 1, kỳ vọng của ACBS đã giảm đi đáng kể.
Dù vậy, mức giảm trên có vẻ vẫn chưa “thấm vào đâu” với đà lao dốc của VN-Index. Một lần nữa, trong báo cáo mới nhất, ACBS tiếp tục nhận định chỉ số VN-Index có thể giao dịch ở mức 13,7 lần (thấp hơn khoảng 1 độ lệch chuẩn so với mức trung bình 3 năm) và kịch bản được hạ xuống khoảng 1.400 điểm vào cuối năm 2022 dù triển vọng tăng trưởng lợi nhuận vẫn duy trì ở mức 19%. Thậm chí tại kịch bản bi quan, ACBS cho rằng VN-Index sẽ gặp khó khăn để tăng điểm vào cuối năm và kết thúc giao dịch ở mức 12,5 lần lợi nhuận để đóng quanh mức 1.200 điểm.
Trong mọi báo cáo của các công ty chứng khoán đều có điều khoản miễn trừ trách nhiệm: “Nhà đầu tư chỉ nên sử dụng thông tin, phân tích, bình luận của báo cáo tham khảo trước khi đưa ra quyết định đầu tư”. Điều khoản này cũng cho thấy sự thị trường chứng khoán khó dự đoán ra sao và nhà đầu tư phải thực sự cẩn trọng khi tham khảo để đưa ra các quyết định đúng đắn.
Tuy nhiên về dài hạn, triển vọng của chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá khả quan nhờ tình hình vĩ mô ổn định và khả năng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết được đánh giá cao. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, GDP quý 3/2022 của Việt Nam ước tính tăng trưởng 13,67% so với cùng kỳ, vượt mọi dự báo trước đó. GDP 9 tháng đầu năm tăng trưởng 8,83% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng đầu năm tăng 1,88% so với cùng kỳ, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,73%). Bối cảnh thế giới, Fed cũng đã phát đi tín hiệu cho thấy khả năng ngừng tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2023 và đây là giai đoạn nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào chính sách tiền tệ của Việt Nam ổn định hơn.
Định giá thị trường cũng đã hợp lý hơn nhiều với P/E trailing của VN-Index (theo dữ liệu của Algo Platform) chỉ ở mức 12,23 lần, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 5 năm (15,x lần) cũng như các nước trong khu vực.
Phương Linh
Nhịp Sống Thị Trường