VN-Index kết thúc năm 2022 đầy giông bão với mức giảm 32,78% so với đầu năm xuống còn 1.007,09 điểm. Dù không có nhiều biến động thuận lợi, song một trong những điểm sáng của năm qua đã được ghi nhận tại giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài. Tổng cộng cả năm 2022, khối ngoại mua ròng tới 29.262 tỷ đồng trên toàn thị trường, tương ứng khoảng 1,2 tỷ USD chảy vào chứng khoán Việt.
Điều này thêm phần ấn tượng khi trước đó liên tiếp trong hai nắm 2020 và 2021, nhà đầu tư ngoại liên tục bán ròng tại thị trường Việt Nam với hơn 78.000 tỷ bị rút ra khỏi thị trường. Như vậy, tính chung lại từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam (từ đầu năm 2020), tổng lượng bán ròng của khối nhà đầu tư ngoại trên toàn thị trường thu hẹp về ngưỡng 48.800 tỷ đồng.
Năm mua ròng kỷ lục trên kênh khớp lệnh
Trở lại với năm 2022, nếu chỉ xét trên kênh khớp lệnh, khối ngoại mua ròng lên tới 31.944 tỷ đồng (~1,3 tỷ USD) - con số kỷ lục trong lịch sử hơn 22 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Bởi lẽ năm 2018, dù nhà đầu tư ngoại chi mạnh gần 42.000 tỷ đồng mua ròng trên HoSE, nhưng chủ yếu đều nhờ các giao dịch thoả thuận "cứu cánh", trong khi vẫn bán ròng khớp lệnh cả năm hơn 15.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, lượng mua ròng khớp lệnh của khối ngoại bất ngờ đột biến chỉ trong 2 tháng cuối năm 2022, khiến cán cân giao dịch ròng của nhà đầu tư nước ngoại nghiêng hoàn toàn về bên mua. Riêng trong tháng 11/2022, nhà đầu tư ngoại lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu khi mua ròng kỷ lục 15.906 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh; sau đó tiếp diễn trong tháng 12 với 14.036 tỷ đồng mua ròng, động thái diễn ra ngay cả trong bối cảnh chỉ số giảm mạnh.
Trong đó, nổi bật là các quỹ ETF dần khẳng định vai trò dẫn dắt dòng vốn ngoại đổ vào TTCK Việt Nam. Fubon FTSE Vietnam ETF – thỏi nam châm hút tiền từ khu vực Đông Á hay bộ đôi DCVFM VNDiamond và DCVFM VN30 ETF đang được nhà đầu tư Thái Lan rất ưa thích là những ví dụ điển hình. Loạt quỹ ETF mới đã được cho ra mắt năm 2022 cũng cho thấy ETF là xu hướng tất yếu và nở rộ mạnh. Các sản phẩm mới mang đến thêm những lựa chọn với “khẩu vị” đa dạng qua đó góp phần thu hút không chỉ khối ngoại mà cả nhà đầu tư trong nước tham gia đầu tư chứng khoán Việt Nam ngày càng đông đảo.
Xét về cổ phiếu cụ thể, trong số các mã chứng khoán được khối ngoại mua ròng mạnh nhất trong năm 2022, STB là cái tên dẫn đầu với giá trị đạt 4.590 tỷ đồng. Theo sau là chứng chỉ quỹ Diamond FUEVFVND với giá trị mua ròng đạt 3.897 tỷ đồng. Với lợi thế danh mục gồm nhiều cổ phiếu hết room, FUEVFVND luôn được nhiều quỹ ngoại ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên về thị giá, hai mã chứng khoán này trong năm 2022 diễn biến lại không mấy tích cực song vẫn thấp hơn mức giảm chung của toàn thị trường, STB giảm gần 29% sau 1 năm giao dịch trong khi FUEVFVND giảm hơn 25% để kết phiên cuối năm tại mức 22.400 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu DGC cũng được khối ngoại mua ròng hơn 3.144 tỷ đồng, tập trung phần lớn trên kênh khớp lệnh. Động thái gom ròng gần nhất được ghi nhận tại nhóm quỹ Dragon Capital khi mua ròng gần 8 triệu đơn vị chỉ trong tháng 12. Cổ phiếu này hiện đang giao dịch dưới mức 59..000 đồng/cổ phiếu, tăng 20% sau hơn một tháng nhưng vẫn thấp hơn 55% so với đỉnh đạt được vào giữa tháng 6 năm nay.
Top 10 cổ phiếu được khối ngoại bán ròng mạnh nhất từ đầu năm còn có sự hiện diện của "ông lớn" trong ngành ngân hàng là CTG (3.013 tỷ đồng) - trước đó vừa bị bán ròng gần 5.200 tỷ trong năm 2021. Cùng chung áp lực điều chỉnh, thị giá CTG từ đầu năm 2022 đến hết phiên 30/12 giảm 24% xuống mức 27.250 đồng/cp, song mức giá hiện tại đã phục hồi gần 40% so với đáy hồi tháng 10.
Bên cạnh đó, DPM và VHM cũng được khối ngoại mua ròng lần lượt 2.398 tỷ và 2.210 tỷ đồng trong cả năm 2022. Danh sách mua ròng nhiều nhất năm còn ghi nhận NLG của Nam Long được mua ròng 1.939 tỷ, Vinamilk (VNM) được mua ròng 1.916 tỷ, PVD được gom ròng 1.456 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu ngân hàng EIB dẫn đầu danh sách bán ròng khi bị khối ngoại bán ròng gần 5.000 tỷ đồng trong cả năm nay, hầu hết là bán thoả thuận, tập trung trong vài phiên cuối tháng 10. Cổ phiếu EIB trong năm qua ghi nhận đợt sóng tăng mạnh đầu quý 4, ngược dòng thị trường chung để lên đỉnh 42.000 đồng/cp phiên 27/10 trước khi quay đầu trượt dốc dài xuống đáy thấp kỷ lục trong lịch sử niêm yết trong nửa tháng sau đó. Đóng cửa năm, thị giá EIB hồi phục đôi chút lên 27.950 đồng/cp, thấp hơn 17% so với đầu năm.
Xếp thứ 2 trong danh sách bán ròng của khối ngoại là mã ngành thép HPG với giá trị 4.194 tỷ đồng, mạch bán ròng tiếp nối từ năm 2021. Mặc dù có quãng mã này đã thu hút dòng tiền trở lại, song vẫn không đủ so với đà bán ra của nửa đầu năm. Thị giá HPG trong năm 2022 cũng không mấy khởi sắc khi liên tục dò đáy hàng chục tháng, kết phiên 30/12 đạt 18.000 đồng/cp, giảm gần 50% so với mức giá hồi đầu năm.
Danh sách bán ròng trong năm qua còn ghi nhận loạt cổ phiếu nhóm bất động sản - xây dựng như NVL (3.536 tỷ), VIC (2.934 tỷ), CII (905 tỷ), HPX (471 tỷ). Trong đó cổ phiếu NVL và HPX có năm giao dịch vô cùng bất lợi trước làn sóng "call margin" rộng đẩy thị giá rơi xuống mức thấp chưa từng thấy, thậm chí HPX dưới ngưỡng "trà đá" 5.000 đồng/cp.
Đà mua có thể kéo tới 2023?
Chia sẻ với chúng tôi về động lực mua ròng của khối ngpại, ông Thái Hữu Công, Chuyên viên phân tích Chứng khoán KBSV chỉ ra rằng các nhà đầu tư khối ngoại thường là các tổ chức với nguồn vốn dồi dào và tầm nhìn đầu tư dài hạn. Việc họ đẩy mạnh đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian vừa qua là do định giá thị trường đã về mức hợp lý với chiến lược đầu tư cũng như tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai.
Tuy nhiên, về sát cuối năm, dòng vốn ngoại chảy vào thị trường có phần hạ nhiệt. Tuy nhiên, vị chuyên gia đến từ KBSV đánh giá điều này sẽ không có nhiều tác động tiêu cực lên thị trường. Xu hướng của khối ngoại trong đầu năm 2023 tới đây sẽ phụ thuộc nhiều vào việc liệu các nền kinh tế lớn trên thế giới có rơi vào suy thoái hay không, sức chống chịu của Việt Nam trước tác động tiêu cực các yếu tố vĩ mô (lạm phát, lãi suất, tỷ giá,…) như thế nào và tình hình tài chính cũng như triển vọng kinh doanh riêng của từng doanh nghiệp.
Phương Linh
Nhịp Sống Thị Trường