17 tỉ USD bốc hơi khỏi TTCK Việt Nam

Tháng 3.2007 bảng điện tử chứng khoán xanh đều, thời điểm đỉnh cao của chứng khoán Việt Nam.

Nếu phải tổng kết giao dịch thị trường chứng khoán bằng một nhận định, có thể nói gọn bằng cấu trúc hai tin xấu và tin tốt. Tin xấu trên thị trường chứng khoán là nước ngoài tiếp tục bán ra. Còn tin tốt là lượng chứng khoán nước ngoài nắm giữ hiện còn thấp nên lượng bán ra sắp tới sẽ giảm

Lừ đừ thủng ngưỡng 300

Sau ba tháng bán ròng liên tiếp, khối nước ngoài trong tuần qua vẫn tiếp tục bán ròng. Tổng giá trị bán ròng qua năm phiên giao dịch trong tuần đầu tháng 12 của khối này là 193,3 tỉ đồng. Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài nỗ lực bán ra, thì lực mua trên thị trường khá thấp.

Kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của tháng 12, chỉ số VN–Index đã thủng ngưỡng tâm lý 300 khi đóng phiên ở mức 299,7 điểm. Tổng giá trị giao dịch qua sàn TP.HCM trong phiên này chỉ đạt 242,5 tỉ đồng.

Quan sát của các chuyên gia chứng khoán, cách thức VN–Index mất điểm theo kiểu “lừ đừ đi xuống” bởi lượng giao dịch khá thấp và giá trị giao dịch ở mức dưới 300 tỉ đồng/phiên còn đáng ngại hơn cả chuyện mất điểm.

Đánh giá tác động của ngưỡng tâm lý 300 điểm bị thủng, theo nhận định của ông Fiachra Mac Cana, chuyên gia phân tích thuộc công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), chỉ là “giọt nước tràn ly đã đầy”.

Chiếc ly thị trường còn quá nhiều tâm lý “chờ đợi diễn biến để hành động” thể hiện qua khối lượng giao dịch thấp khiến cho một tuần cầm cự ở ngưỡng tâm lý kết thúc trong thất bại.

Cùng suy nghĩ với chuyên gia Mac Cana, chuyên gia phân tích kỹ thuật Christopher Blank (HSC) cho rằng: “Các nhà đầu tư dường như đứng bên lề thị trường”. Có vẻ như các tin tốt như giảm giá xăng và quan trọng hơn là giảm lãi suất cơ bản xuống mức 10%/năm hay gần đây là gói thúc đẩy kinh tế trị giá 1 tỉ USD dường như, không có nhiều tác động tới tâm lý nhà đầu tư.

Khó đỡ nổi nguồn cung mới

Hơn một tháng trở lại đây, các báo cáo trong và ngoài nước về kinh tế Việt Nam đều cho rằng, lãi suất cơ bản sẽ được giảm dần. Chính vì vậy, việc cắt giảm lãi suất đã phần nào được các nhà đầu tư thể hiện qua các giao dịch nên ngày 5.12 khi lãi suất mới được áp dụng không tạo ra sự thay đổi tích cực nào.

Gói kích thích kinh tế 1 tỉ USD, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, có độ trễ ít nhất là bốn tháng. Hơn nữa, điều phối khoản tiền này thế nào vẫn còn trên bàn nghị sự, nên thị trường không phản ứng gì nhiều với tin này là điều dễ hiểu.

Trong khi các nhà đầu tư giữ vị thế quan sát, khối ngoại tiếp tục bán ròng, thì thị trường vốn đã có lực mua yếu lại phải chịu thêm lực cung mới từ các cổ phiếu vừa niêm yết.

Phiên giao dịch 5.12, sàn TP.HCM có thêm cổ phiếu của tôn Hoa Sen, nâng tổng số công ty niêm yết tại sàn lên 164. Ngay trong phiên đầu tiên giao dịch, cổ phiếu này giảm hết giới hạn 20% dành cho cổ phiếu mới niêm yết, với giá đóng cửa là 32.000đ/cp.

Một tháng trước, cổ phiếu của công ty Tài chính dầu khí PVFC lên sàn với giá chào sàn ngày 3.11 là 30.000đ/cp, khá cao so với tính toán của các chuyên gia. Sau hơn một tháng giao dịch, cổ phiếu có mã giao dịch PVF này về mức 16.000đ/cp, gần sát với nhận định của giới phân tích.

Chiếm trọng số lớn, đứng thứ tám về mức độ vốn hoá trên thị trường, nên mức suy giảm của PVF cũng có ảnh hưởng không tốt tới VN–Index. Sàn Hà Nội trong tuần này cũng có thêm hai mã mới là DHT của dược Hà Tây và VGS của thép Việt Đức.

Chào sàn với giá mở cửa 45.000đ/cp, sau ba phiên giao dịch, DHT đóng cửa ở mức 27.700đ/cp. VGS chào sàn ở giá 18.100đ/cp và đóng cửa sau hai phiên giao dịch ở mức 18.600đ/cp.

Ngoài ba công ty vừa chính thức giao dịch, thị trường trong ba tháng tới có khoảng 20 công ty đã nộp đơn niêm yết trong đó có 14 công ty đã được chấp thuận niêm yết. Ba cổ phiếu gây chú ý là Hoàng Anh Gia Lai, Vietcombank và ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội bởi vốn điều lệ ở mức 2.000 tỉ đồng trở lên.

Ngoài ra, phiên đấu giá ngân hàng Công thương (Vietinbank) vào ngày 25.12, trên nguyên tắc, cũng hút thêm một lượng vốn nhất định của thị trường chứng khoán. Theo phân tích của HSC, việc chính thức niêm yết không gây ảnh hưởng tới nguồn cung, mà cách định giá tham chiếu quá cao là tác nhân ảnh hưởng tới tâm lý chung của thị trường.

Dựa trên phân tích kỹ thuật, sau ngưỡng 300 điểm là ngưỡng hỗ trợ 240–260 xem bài Cầu nội đỡ VN–Index, chờ cầu ngoại trên SGTT 28.11.2008. Lực đẩy chính có thể trông chờ vào các cổ phiếu blue-chip hiện có giá cao hơn mức đáy lập cuối tháng 10 vừa qua.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây