9/1: Cổ phiếu blue-chips đồng loạt giảm mạnh

Kết thúc phiên giao dịch sáng 9/1, chỉ số VN-Index giảm 15,33 điểm (tương đương giảm 1,71%) xuống 878,41 điểm.

Trong số 143 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên sàn (thêm cổ phiếu LSS của Mía đường Lam Sơn và CTCP Container Việt Nam - Viconship lên sàn hôm 9/1), có 13 mã tăng giá, 115 mã giảm giá và 15 mã đứng giá.

Khối lượng giao dịch toàn phiên đạt 6,3 triệu đơn vị, trị giá 540,1 tỷ đồng.

Trong 10 cổ phiếu có mức vốn hoá lớn nhất thị trường, có 9 mã cổ phiếu giảm giá và 1 tăng giá.

Cụ thể, với nhiều thông tin về việc phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn, đặc biệt được nhà đầu tư nước ngoài mua vào rất nhiều, cổ phiếu HPG của Hoà Phát tăng 5.000 đồng lên 108.000 đồng.

Các cổ phiếu khác đều giảm giá trong đó, cổ phiếu FPT của CTCP Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT giảm mạnh nhất với 6.000 đồng xuống 202.000 đồng/cp - đây là mức giá thấp nhất của cổ phiếu này kể từ khi lên sàn HOSE.

Giảm mạnh tiếp theo là cổ phiếu SJS của Sudico và VNM của Vinamilk với 3.000 đồng xuống tương ứng là 238.000 đồng/cp và 163.000 đồng/cp.

Cổ phiếu DPM của Đạm Phú Mỹ cũng giảm 1.000 đồng xuống mức giá thấp nhất kể từ khi lên sàn là 70.000 đồng/cp. Cổ phiếu này lên sàn 5/11/2007 ở mức 95.000 đồng/cp.

2 đại gia là cổ phiếu SSI của Chứng khoán Sài Gòn và STB của Ngân hàng Sacombank cũng giảm tương ứng 3.000 đồng và 1.500 đồng xuống 158.000 đồng/cp và 61.500 đồng/cp. Đây là 2 cổ phiếu có tính thanh khoản luôn nằm trong top 5 trên thị trường và có tính ổn định về giá khá cao.

Như vậy, mặc dù đón nhận liên tiếp 4 thông tin tốt nhưng dường như thông tin chưa mở room cho các nhà đầu tư nước ngoài cùng với sự suy giảm của chứng khoán thế giới đã làm cho cổ phiếu Việt Nam giảm mạnh.

Ngay sau bản báo cáo đánh giá của HSBC cho rằng đây là thời điểm mua vào cổ phiếu HSBC, thị trường chứng khoán Việt Nam nhận thêm 2 thông tin tốt là lùi thời điểm áp dụng thuế kinh doanh chứng khoán, giãn IPO và sau đó là thông tin nới Chỉ thị 03 và thực hiện mua ngoại tệ đang nằm ở các ngân hàng thương mại nhằm tăng lượng tiền VND đầu tư vào chứng khoán.

Tuy nhiên, thông tin chưa mở room cho các nhà đầu tư nước ngoài và việc thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt Mỹ suy giảm kéo theo đó là sự hoạt động kém hiệu quả của các quỹ hàng đầu trên thế giới đã có tác động không nhỏ tới quyết định mua vào của các nhà đầu tư trong nước.

Rất nhiều nhà đầu tư có mặt trên sàn giao dịch của các công ty chứng khoán An Bình, SeABank, Kim Long (Hà Nội) cho rằng tác động của các quyết định cứu thị trường nói trên chưa thể kéo thị trường trong bối cảnh lượng vốn trong nước không phải là nhiều, và một phần rất lớn đang được đổ sang những lĩnh vực hấp dẫn khác. Yếu tố vốn nước ngoài vẫn có quyết định rất lớn tới thị trường khi mà lượng cung vẫn còn rất lớn ngay cả khi các cơ quan chức năng có động thái giãn IPO.

Tuy nhiên, theo một đơn vị cung cấp thông tin chứng khoán, việc Chính phủ vừa có giải pháp tổng thể về thị trường bất động sản theo đó mục tiêu sẽ là nhằm giảm đầu cơ bất động sản sẽ có tác động mạnh theo chiều hướng tích cực tới TTCK.

Cũng theo đơn vị này, 4-5 giải pháp trên vẫn phải chờ thời gian để có thể có tác động tới thị trường. Hiện tại, lượng cầu vẫn rất thấp là nguyên nhân cơ bản kéo giá cổ phiếu tiếp tục đi xuống.
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây