Nhà đầu tư (NĐT) cầm tiền đa số vẫn lựa chọn phương án đứng ngoài thị trường.
Nỗi lo sợ mơ hồ
Lo ngại về hoạt động cơ cấu danh mục mạnh mẽ từ nhóm NĐTNN vẫn là nguyên nhân cơ bản khiến lực mua chưa mạnh mặc dù khá nhiều CP đã giảm xuống dưới cả mức đáy cũ thời điểm tháng 6 khi TTCK tài chính VN đứng trước nguy cơ khủng hoảng. Hoạt động bán ròng mạnh mẽ từ nhóm NĐTNN đã được thị trường chú ý từ vài tháng nay nhưng song song với đó là thị trường ngoại hối vẫn trầm lắng một cách "đáng ngờ". Do đó, phán đoán khả năng rút vốn của NĐTNN vẫn chưa có cơ sở vững chắc.
Tuy nhiên, biến động tỉ giá tuần qua đã càng khiến thị trường lo lắng hơn khi một số nguồn tin đáng tin cậy khẳng định đã có sự rút vốn mặc dù hệ thống NH thừa khả năng đáp ứng.
Theo Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) ngày 24.10, tính từ đầu tháng 10 đến ngày 22.10, NĐTNN bán ròng tương đương 542 triệu USD trái phiếu chính phủ để cơ cấu lại danh mục đầu tư, hoặc chuyển vốn ra nước ngoài gây sức ép tăng tỉ giá VND/USD. Hai NH lớn là Vietcombank và BIDV cũng xác nhận đã bán ra một lượng lớn USD trong tuần qua.
Với quy mô bán ra được duy trì điều đặn và liên tiếp những ngày vừa qua, NĐTNN đang tạo nên một sức ép tâm lý rất lớn. Mặt khác, việc bán ra lại nhằm vào các CP vốn được coi là tốt và có tính thanh khoản cao. Điều đó dẫn đến một phán đoán của thị trường là NĐTNN buộc phải "nghiến răng" bán ra vì nguyên nhân cần tiền mặt.
Một câu hỏi lớn của thị trường là liệu hoạt động bán ra này sẽ còn kéo dài đến lúc nào? Không một thông tin nào có thể cho biết cụ thể quy mô bán như thế nào là đủ với NĐTNN và từ lâu, giám sát quy mô vốn gián tiếp luôn là một vấn đề khó tìm được câu trả lời cụ thể. Mặc dù chắc chắn khối ngoại không bán toàn bộ danh mục đang sở hữu nhưng khối lượng bán cũng không nhỏ.
"Bí mật" này càng khiến thị trường lo lắng thêm và không thể khuyến khích NĐT mua vào, trừ phi giá đã giảm xuống một mức rất thấp có thể chấp nhận được.
Ai đang mua?
Giá trị giao dịch trung bình 370 tỉ đồng/phiên tuần qua cho thấy đa số NĐT hiện vẫn chấp nhận đứng ngoài thị trường. Ngoài những yếu tố như lo ngại giảm phát, sự ảnh hưởng tăng giảm của thị trường tài chính nước ngoài, một vấn đề được NĐT quan ngại nhất là nếu mua vào sẽ phải "đốt tiền" để hứng khối lượng CP cắt lỗ hay cơ cấu danh mục của các tổ chức, nhất là tổ chức nước ngoài. Do đó, nếu có hành động mua thì giá càng rẻ đồng nghĩa với lượng tiền phải bỏ ra càng ít.
Điều này đã từng diễn ra trong chu kỳ sụt giảm tháng 6 vừa qua: Lực mua của NĐTTN đủ mạnh để giải quyết khối lượng xả hàng cầm cố của NH và tháo vốn của NĐTNN. Vấn đề còn lại là hành động đó sẽ được lặp lại ở mức giá nào thời gian tới.
Thực tế lượng cung những ngày qua thể hiện trên thị trường không có gì lớn, nếu không muốn nói là quá nhỏ so với áp lực bán giải chấp, cắt lỗ thời kỳ trước. Nhu cầu phải bán bằng được thể hiện qua các lệnh tự động cũng không lớn, một phần do NĐT hiện đang mua bán CK bằng tiền túi chứ không phải vay mượn. Tuy nhiên, điều đáng ngại nhất là bất kỳ lúc nào sức cầu tăng lên, nguy cơ xả hàng cũng sẽ tăng theo và rất khó có thể dự trù một nguồn lực cần thiết để đỡ giá. Gần đây, hàng loạt quỹ đã hạ tỉ lệ sở hữu xuống dưới mức 5% - hạn mức phải báo cáo các giao dịch mua bán.
Vậy những ai vẫn đang mua vào hàng ngày với giá trị vài trăm tỉ đồng/phiên? Theo "trường phái" đọc quy mô lệnh, có ý kiến cho rằng hiện tại cuộc chơi đang nằm trong tay NĐT cá nhân nhỏ lẻ. Một NĐT cho biết với một lệnh bán cắt lỗ 10.000 CP của mình, kết quả giao dịch in ra là một danh sách rất dài những lệnh khớp với khối lượng chỉ vài chục đến vài trăm CP/lệnh. Đó là biểu hiện cho thấy lệnh mua đều là những lệnh lẻ tẻ của những NĐT vốn nhỏ. Khi đại gia đứng ngoài thì giá trị giao dịch lèo tèo là lẽ đương nhiên. Và NĐT nhỏ lẻ đang đóng vai chính trong cuộc chơi với NĐTNN thì thị trường khó có thể khởi sắc.
Tuy nhiên, một ý kiến khác lại cho rằng chỉ trong những phiên đảo chiều tăng giá thì NĐT nhỏ lẻ mới nhảy vào mua nhiều kiểu "dò đáy". Đối với các phiên giảm mạnh, đặc biệt là sau khi giảm liên tiếp 2,3 phiên liền, giao dịch mua lại chủ yếu đến từ các NĐT có vốn lớn hoặc tổ chức vì họ đã lập kế hoạch để mua theo chiều giá xuống.
"Chiêu" đọc lệnh để dò vết mua/bán của tổ chức cũng đã lộ từ lâu và các lệnh có thể được "chẻ" nhỏ để khớp chứ không còn lệnh "khủng" cỡ 19.990 CP/lệnh nữa vì mua tích luỹ không cần "dọa" thị trường mà càng âm thầm càng tốt.
Với những tổ chức có kế hoạch mua tích luỹ thì vốn sẽ được giải ngân từ từ và càng xuống càng mua mạnh. Dù vậy cách đánh giá này cũng phải thừa nhận là hoạt động mua tích luỹ không có tác dụng nâng đỡ thị trường và chủ yếu là hứng giá ở mức quanh sàn với khối lượng vừa đủ. Giá trị giao dịch thấp cũng cho thấy giá vẫn chưa ở mức hấp dẫn lòng tham của người cầm tiền mặt.
Số liệu cụ thể, mới nhất về sự luân chuyển của vốn ngoại trên TTCK là báo cáo ngày 2.10 của UBCKNN. Trong 3 tháng đầu năm 2008, vốn đưa vào lớn hơn rút ra (khoảng trên 1 tỉ USD). |