TCTCP BẢO HIỂM NH ĐẦU TƯ & PHÁT TRIỂN VIỆT NAM

Lĩnh vực: Tài chính > Ngành: Bảo hiểm

BIC: Giảm giá phát hành cổ phiếu ESOP xuống 10.000 đồng/cp

Chuyển đổi mô hình kinh doanh, BIC sẽ chỉ chịu sự chi phối của Luật Doanh nghiệp, theo đó giới hạn vốn góp của đối tác nước ngoài có thể lên đến 49%.

Sáng nay (ngày 16/3/2012) Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (mã chứng khoán: BIC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2012.

Về việc phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên (ESOP), ban điều hành đã triển khai phát hành xong quyền mua cổ phần qua 2 đợt với tổng số 4.988.500 quyền chọn cho 5.000.000.

Theo phê duyệt của ĐHCĐ, lịch trình trao quyền chọn cho năm 2012 là 40% (đã triển khai tháng 2/2012), năm 2013 là 60% tổng quyền chọn.

Trong đó: Tháng 4/2012 tối đa 2.000.000 cổ phần; 4/2013 tối đa 5.000.000 cổ phần (gồm cả cổ phần đã phát hành năm 2012) và 4/2014 cũng tối đa 5.000.000 cổ phần (bao gồm cả cổ phần đã phát hành trong năm 2012 và 2013).

Đại hội đã thống nhất giá thực hiện là 10.000 đồng/cổ phần, giảm từ mức 13.500 đồng/cổ phần đã được phê duyệt năm 2011.

Nguyên nhân là do thời gian qua thị trường chứng khoán suy giảm liên tục, việc thực hiện ESOP với giá 13.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn giá cổ phiếu BIC trên thị trường chứng khoán khiến đợt thực hiện quyền năm 2012, không có cán bộ công nhân viên nào đăng ký thực hiện chuyển đổi quyền mua cổ phần BIC.

Mức giá này được áp dụng cho toàn bộ thời gian còn lại của chương trình và không điều chỉnh khi có sự pha loãng.

Được biết, cổ phiếu BIC chào sàn giao dịch chứng khoán Tp HCM với giá tham chiếu 11.500 đồng/cp. Tuy nhiên trong suốt quá trình niêm yết cổ phiếu này chưa bao giờ vượt qua mức giá này. Hôm nay (16/3) cổ phiếu BIC đứng giá 7.500 đồng/cổ phiếu, với 238,270 đơn vị cổ phiếu được khớp lệnh.

Về phương án tái cấu trúc, sẽ dựa trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con. Tên gọi đầy đủ là BIC Holdings (viết tắt là BIC).

Hoạt động trong các lĩnh vực: Bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ, môi giới bảo hiểm, đầu tư tài chính và quản lý tài sản.

Ông Phạm Quang Tùng – Chủ tịch HĐQT của BIC cho biết, nếu chỉ hoạt động đơn thuần trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, quy mô vừa phải như hiện nay thì nhà đầu tư chiến lược nước ngoài bị giới hạn tỷ lệ tham gia đầu tư tối đa không quá 20% vốn điều lệ – tương đương khoảng 132 tỷ đồng nên không tạo sự hấp dẫn, khó có thể tìm được nhà đầu tư chiến lược tầm cỡ để tạo tác động cộng hưởng, đòn bẩy cho sự phát triển của BIC.

Trong trường hợp chuyển đổi mô hình kinh doanh, BIC sẽ chỉ chịu sự chi phối của Luật Doanh nghiệp và các quy định đối với công ty niêm yết; theo đó giới hạn vốn góp của đối tác nước ngoài có thể lên đến 49%.

“Chúng tôi không chỉ nhằm mục đích bán cổ phần cho đối tác chiến lược thu tiền về mà chúng tôi hy vọng thông qua việc này đối tác sẽ giúp BIC có một sự phát triển vượt bậc mới” - ông Tùng nói.

Sau khi chuyển đổi, vốn điều lệ của BIC Holdings sẽ thừa kế vốn điều lệ của BIC hiện nay là 660 tỷ đồng, lộ trình tăng vốn dự kiến sẽ:

  • Năm 2012 – 2013: Thực hiện tăng vốn lên 850 tỷ đồng thông qua việc phát hành thêm vốn cho cổ đông chiến lược (lần 1) và cán bộ nhân viên thông qua chương trình ESOP.

  • Năm 2014 - 2015 : Thực hiện tăng vốn điều lệ lên 1.500 tỷ đồng thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành thêm vốn cho cổ đông chiến lược (lần 2), phát hành cho cán bộ nhân viên, phát hành riêng lẻ...

 

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây