Ba biện pháp quyết liệt để kiềm chế lạm phát

TS. Lê Xuân Nghĩa

Xăng dầu không phải là thủ phạm gây lạm phát

 

- Với tư cách là thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, ông đánh giá thế nào về tình hình lạm phát hiện nay?

- Người ta cứ đổ lỗi cho Bộ Tài chính, mà cụ thể là Cục vật giá đã quản lý giá xăng dầu không tốt. Nhưng không phải lạm phát là do quản lý giá xăng dầu hay mặt hàng nọ, mặt hàng kia không tốt.

Phải thấy rằng, khi giá cả một mặt hàng nào đó, kể cả mặt hàng chiến lược như xăng dầu tăng lên, chỉ có thể gây lạm phát trong trường hợp giá cả mặt hàng đó làm giảm tổng cung của nền kinh tế, tức nó làm GDP giảm hoặc tăng trưởng thấp hơn nhiều so với dự kiến. Lúc đó gọi là tạo ra cú sốc về cung.

Khi nói lạm phát phải nói tổng cung và tổng cầu, chứ không phải cung cầu của từng mặt hàng. Phải nói đến mặt bằng giá cả chung chứ không phải chỉ một vài mặt hàng. Vì thế vai trò quản lý giá của Bộ Tài chính chỉ có một ý nghĩa nhất định với một số mặt hàng có tính độc quyền hoặc độc quyền nhóm.

Trong trường hợp nếu tổng cung không giảm tức là GDP vẫn tăng như dự kiến thì vấn đề còn lại chỉ do tổng cầu gây ra. Tổng cầu hàng hóa liên quan trực tiếp đến cung ứng tiền.

Điều này được phản ánh sinh động trong mọi sách giáo khoa về lý thuyết tiền tệ: Năm 1974, khi giá xăng dầu tăng lên mạnh mẽ dẫn tới tổng cung của nền kinh tế thế giới giảm sút nên lạm phát tăng lên. Trái lại, năm 1980, việc giá xăng dầu giảm mạnh xuống còn mười mấy USD/thùng, làm cho tổng cung trên toàn thế giới tăng lên. Vì vậy dẫn đến tình trạng thiểu phát, đó là do giá xăng dầu tạo những cú sốc về cung.

Hiện nay, giá xăng dầu không hề tạo ra cú sốc về cung trên thế giới cũng như Việt Nam. Do đó không thể nói lạm phát là do giá xăng dầu, mà do phía tổng cầu của nền kinh tế, liên quan trực tiếp đến cung ứng tiền.

Điều đó thể hiện rất rõ. Tốc độ phát triển tín dụng năm 2007 dự kiến là 35%. Tốc độ tăng trưởng của tổng khối lượng tiện tệ cũng xấp xỉ cỡ đó, trên 30%. Đấy là những chỉ số tăng trưởng tiền tệ rất cao.

- Ông có thể lý giải nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng của tổng khối lượng tiền tệ cao như vậy?

- Nguyên nhân không phải do NHNN không quản lý được việc cung ứng tiền mà chính là do khối lượng tiền từ bên ngoài chảy vào rất lớn, gấp 3-4 lần những năm trước. Vì thế, Chính phủ chỉ có hai sự lựa chọn.

Một là thả nổi tỷ giá hối đoái, có nghĩa không mua số ngoại tệ đó vào dự trữ thì sẽ giảm được cung ứng tiền và giá cả sẽ không tăng, lạm phát sẽ không tăng. Nhưng cái giá phải trả là xuất khẩu sẽ gặp khó khăn lớn, thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng như vốn trung hạn sẽ bị hạn chế.

Cách thứ hai, để hỗ trợ xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN), duy trì mức phát triển nhanh như dự kiến, NHNN phải duy trì một tỷ giá hối đoái tương đối ổn định (không để đồng VN tăng giá), đồng nghĩa với việc NHNN phải mua ngoại tệ vào và phải cung ứng tiền tệ ra và NHNN buộc phải áp dụng các biện pháp để trung hòa số tiền đã cung ứng bằng cách phát hành hối phiếu NHNN, rồi Chính phủ phát hành trái phiếu Chính phủ.

Nhưng, không phải lúc nào các biện pháp trung hòa này cũng đạt kết quả như mong muốn, bởi nó còn phụ thuộc vào việc công chúng, doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại có sẵn sàng mua những công cụ nợ đó không. Hơn nữa, tiến độ giải ngân của ngân sách chậm đã hạn chế đáng kể hiệu quả của các biện pháp tiền tệ.

Ba biện pháp quyết liệt

"Khi nói lạm phát phải nói tổng cung và tổng cầu, chứ không phải cung cầu của từng mặt hàng"


- Trong một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, lựa chọn cách nào thì phù hợp, thưa ông?

- Về chủ trương, trong một nền kinh tế đang phát triển, người ta bao giờ cũng lựa chọn phương án hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tức là giữ cho đồng tiền yếu để khuyến khích xuất khẩu, thu hút ĐTNN.

Việt Nam cũng vậy. Chỉ có điều làm thế nào để kiềm chế được lạm phát trong điều kiện vẫn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, đó là cả một nghệ thuật điều hành chính sách và nhất là trong điều kiện mở cửa thị trường tài chính, tức luồng vốn nước ngoài vào nhiều.

Cho nên, dù NHNN đã áp dụng nhiều biện pháp để khống chế bằng cách tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, kiểm soát tín dụng, kể cả tín dụng cho vay kinh doanh chứng khoán cũng như các biện pháp nghiệp vụ thị trường mở, nhưng lạm phát vẫn ở mức khá cao.

Theo tính toán của cá nhân tôi, tỷ lệ lạm phát thực còn cao hơn so với thống kê CPI hiện nay. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng đã đến lúc cần áp dụng những biện pháp quyết liệt hơn nữa để kiềm chế lạm phát.

Thứ nhất, phải nới lỏng biên độ tỷ giá hối đoái để giảm áp lực của dòng vốn vào đối với lạm phát.

Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng, mà trước hết là những tín dụng tạo ra cầu hàng hóa trên thị trường.

Thứ ba, sẵn sàng sửa đổi, nới lỏng Chỉ thị 03 về cho vay kinh doanh chứng khoán, bởi vì siết cho vay kinh doanh chứng khoán nên tiền mới tràn ra thị trường hàng hóa. Nới lỏng để thị trường chứng khoán hút bớt một phần tiền vào khu vực này. Nói cách khác, Chỉ thị 03 chỉ có tác dụng giảm thiểu rủi ro cho tín dụng ngân hàng còn với lạm phát thì ngược lại, không có tác dụng kiềm chế lạm phát, không "nhốt" được một lượng tiền trong thị trường tài chính.

Ngoài ra, đồng thời vẫn tiếp tục áp dụng những biện pháp trung hòa vốn một cách hiệu quả hơn, đồng bộ hơn và cần một sự phối hợp rất chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong các vấn đề về cung ứng tiền và trung hòa tiền tệ.

Tóm lại, vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh, đương nhiên trong quy luật bộ đôi bất khả thi, không thể phát triển kinh tế nhanh trong điều kiện đã tự do hóa lãi suất mà lại khống chế lạm phát thấp.

- Nhưng lạm phát cũng chỉ được thấp ở mức nhất định nào đó?

- Chỉ 4-5% thì có thể duy trì được. Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách đồng tiền yếu và kiểm soát lạm phát ở tỷ lệ này, nhưng họ có thuận lợi vì chưa tự do hóa lãi suất.

- Điều đó có nghĩa là trong chính sách điều hành, vai trò của NHNN có ý nghĩa quyết định?

- Đúng là như vậy! Bản thân NHNN có những kế hoạch chính sách và phải nghiên cứu phân tích những tác động phụ thật kỹ.

Nếu năm nay, tăng trưởng kinh tế cao và với độ trễ của chính sách tiền tệ thông thường từ 15-18 tháng thì hậu quả năm tới phải gánh chịu. Nếu không có những biện pháp thật cấp bách thì lạm phát năm tới mới nặng nề và kiểm soát lạm phát là cả một vấn đề gay go chứ không đơn giản.

- NHNN có thể độc lập như thế nào?

Nhiều tổ chức quốc tế khuyến cáo Việt Nam cần cải cách NHNN và NHNN phải độc lập với Chính phủ. Xin ông cho biết quan điểm của mình?

- Đúng là người ta muốn NHNN phải đứng ngoài Chính phủ, tự mình quyết định mục tiêu tối thượng của mình là chống lạm phát, giống như ở Mỹ, có thể tăng lãi suất lên bất chấp nền kinh tế có thể giảm tăng trưởng và khi lạm phát ổn rồi thì hạ lãi suất xuống.

Nhưng đó là câu chuyện của năm 2015 trở đi chứ bây giờ làm sao có thể không ưu tiên tăng trưởng được. Chính sách kinh tế của chúng ta nói rằng, mục tiêu tối thượng của đất nước là tăng trưởng kinh tế. Vì thế, phải duy trì để đồng VN yếu chứ không được để nó mạnh lên.

Như vậy, riêng về mặt chính sách, NHNN cũng đã không được độc lập rồi, thế thì "nằm" ở đâu cũng là vô nghĩa.

Tôi cho rằng, mức độ độc lập của NHNN có thể như thế này: Về mặt tài chính, được tự chủ, tức lương của cán bộ NHNN được cải thiện để giữ được nhân tài. Thực tế, Chính phủ đã cho NHNN một cơ chế đặc thù rồi, cán bộ NHNN có hệ số lương gần như gấp đôi hệ số thông thường.

Song gấp đôi mà mặt bằng quá thấp nên không đủ để hút nhân tài vào NHNN cũng như không đủ sức để xóa đi mức chênh lệch thu nhập rất cao giữa NHNN và ngân hàng thương mại. Nên chuyện chảy máu chất xám là chuyện hiển nhiên.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây