Bộ Công Thương tiết lộ về việc doanh nghiệp giảm giá xăng dầu

Nếu doanh nghiệp xăng dầu không chịu giảm giá sẽ bị áp thuế

Quan tâm trước hết quyền lợi người dân

Thứ trưởng Tú khẳng định, công tác điều hành giá xăng dầu từ nhiều năm qua luôn thể hiện quan điểm: Chính phủ quan tâm trước hết đến quyền lợi của người dân, chứ không phải của doanh nghiệp (DN) hay của Nhà nước. Ở từng thời điểm, Chính phủ đều có cơ chế điều hành kinh doanh xăng dầu riêng, phù hợp.

Cụ thể, từ 25/2/2008, Chính phủ đã "thả" giá xăng dầu theo sát thị trường, để chuyển sang điều hành giá thị trường. Tuy nhiên, từ 25/2 đến 23/3/2008, giá xăng dầu thế giới đã tăng cực mạnh khiến Chính phủ buộc phải đình chỉ việc "thả nổi" giá xăng dầu theo thị trường, quay lại cơ chế cũ. Lúc đó, Chính phủ đã đề nghị các DN không tăng giá xăng và suốt từ 25/2 đến 21/7 giá xăng dầu trong nước đã không tăng (với dầu quay trở lại bù giá).

Nhưng đến 21/7, giá xăng dầu thế giới đã lên đỉnh điểm (147 USD/thùng) và Nhà nước không còn khả năng bù lỗ (ước bù lỗ dầu tại thời điểm đó lên đến 53.000 tỷ). DN cũng đã lỗ kinh doanh xăng quá lớn, không còn khả năng hoạt động bình thường, nguy cơ phá sản... Nhiều DN lỗ quá vốn thực, như Petrolimex vốn 800 tỉ thì lỗ 1.200 tỷ.

Đồng thời, thêm nhiều khó khăn nảy sinh: Ngân hàng không cho DN vay vốn nhập khẩu xăng; DN nước ngoài cũng không bán xăng cho DN VN vì lo DN không trả được tiền; nguy cơ có thể đứt nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường. Do đó, ngày 21/7, Chính phủ quyết định cho tăng giá xăng dầu với biên độ lớn (xăng tăng 4.500 đồng/lít) để tiếp cận với giá thị trường.

Từ 21/7 tới nay, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, kinh doanh xăng dầu bắt đầu có lãi. Để giảm bớt khó khăn cho người tiêu dùng, Nhà nước thực hiện "dìm" lãi của DN (sau 3 lần đã giảm tổng cộng 2.000 đồng/lít). Tiếp đó, đến 16/9/2008, Chính phủ lại cho chuyển tất cả các mặt hàng xăng dầu sang kinh doanh theo cơ chế thị trường mới. Ngày 17 và 18/10 vừa qua, các DN đã chủ động giảm giá theo cơ chế điều hành mới này.

"Kìm" lâu thì phải tăng mạnh

Ông Tú tỏ ý không hài lòng khi cho rằng, báo chí đã lẫn lộn về cơ chế điều hành xăng dầu theo từng thời kỳ khác nhau, dẫn tới tin phê phán sai. So sánh việc tăng giá 4.500 đồng/lít xăng ngày 21/7 với việc giảm nhiều lần, mỗi lần 500-1.000 đồng/lít thời gian qua để kết luận "tăng nhanh, giảm chậm, giảm nhỏ giọt"... là do báo chí đã quên mất yếu tố thời gian. Ngày 21/7, giá xăng tăng mạnh sau 4 tháng ổn định, việc giữ lâu để tăng một lần thì người tiêu dùng được hưởng lợi ở thời gian trễ đó.

Từ tháng 8 đến nay, các DN đã giảm giá xăng dầu liên tục theo đà giảm của giá thế giới và tổng thể đã giảm gần tương đương mức tăng ngày 21/7. "Như vậy trong cả hai trường hợp tăng, và giảm người tiêu dùng đều được lợi; chịu thiệt chính là Nhà nước và một phần là các DN" - ông Tú nhấn mạnh.

Không giảm sẽ áp thuế

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú đánh giá rằng, "sự kiện" giảm giá xăng dầu trong nước ngày 17 và 18/10 đã chứng minh rằng, chúng ta có thể điều hành tốt cơ chế kinh doanh xăng dầu. Từ 14/10, các DN đã chủ động đăng ký giảm giá, 3 ngày sau thì DN tự giảm dù cơ quan Nhà nước chưa phê duyệt (theo quy định sau 3 ngày không có trả lời thì DN được làm).

Như vậy, có thể thấy DN sẵn sàng giảm giá khi có điều kiện. Việc giảm như vậy, theo ông Tú, không phải vì DN "quá tốt" với người tiêu dùng mà cơ chế đã buộc họ phải làm vậy. Bởi nếu DN không giảm giá sẽ bị áp thuế. Và khi đã bị áp thuế không biết đến bao giờ mới được gỡ thuế?

Theo ông Tú, bây giờ có thể chắc chắn rằng sẽ không có chuyện DN không tự giác giảm giá, cứ thế hưởng lợi. Chính phủ đã sử dụng biện pháp kinh tế: Nếu DN không giảm giá thì áp thuế DN phải lựa chọn phương án giảm giá ngay!

Ông Tú cho biết thêm, Bộ Công Thương đang sửa Nghị định 55 về kinh doanh xăng dầu. Mục tiêu là tạo điều kiện cho DN trở về trạng thái kinh doanh bình thường, tức là bù hết 32.000 tỷ đồng lỗ dầu, tạo điều kiện để DN trích bù hết lỗ xăng hoặc trả hết phần tạm ứng của Nhà nước với xăng.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây