Bước vào thời điểm chọn lựa đồng vốn

Việt Nam sẽ tập trung xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư đảm bảo các yêu cầu về môi trường và có khả năng về tài chính trong năm nay.

Bà Nguyễn Bích Vân, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch-Đầu tư, đã trình bày các tiêu chí trên tại chương trình tổng kết và nối kết các quan hệ đối tác cho những năm tiếp theo được tổ chức tại Trung tâm Đầu tư nước ngoài phía Nam tại TPHCM, tối 16-1.

Nhìn nhận thực tế

Bà Vân nói năm 2009 là một năm đầy thách thức đối với công tác xúc tiến đầu tư, do vậy, cần phải nhìn thẳng vào khó khăn và chủ động tìm ra các giải pháp mới hiệu quả và phù hợp với tình hình hiện tại.

"Nhiệm vụ của công tác xúc tiến đầu tư trong thời gian tới là phải xác định rõ đối tượng cần thu hút vốn là những đối tác, tập đoàn thực sự có khả năng về tài chính và công nghệ, đảm bảo các yêu cầu về môi trường".

Theo bà Vân, trong những năm qua mặc dù Việt Nam đã thu hút được lượng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) kỷ lục, song cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phát sinh từ khu vực các doanh nghiệp FDI. 

Các vấn đề này liên quan tới ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu, khả năng tài chính của chủ đầu tư để triển khai dự án, việc sử dụng đất đai không hiệu quả tại một số dự án lớn, và giá trị gia tăng của một số doanh nghiệp còn thấp.

Mặc dù bà Vân không nêu ra những dẫn chứng cụ thể, nhưng nhiều chuyên gia tại hội thảo cũng đề cập đến việc năm 2008 là năm phát hiện nhiều doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm môi trường như Vedan, Miwon… Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những phát hiện này chỉ là phần nổi của tảng băng.

Trong năm 2008, các nhà đầu tư nước ngoài cam kết vốn cho các dự án được cấp phép lên đến hơn 64 tỉ đô la Mỹ, nhưng vốn thực hiện vẫn rất thấp, khoảng 11,5 tỉ đô la Mỹ. Số vốn thực hiện này chỉ cao hơn 3,5 tỉ đô la so với vốn thực hiện của năm 2007, một năm mà Việt Nam thu hút được 20,3 tỉ đô la Mỹ.

Bà Vân không cho biết chỉ tiêu thu hút vốn FDI mới trong năm 2009 là bao nhiêu nhưng nói rằng dự báo sẽ thấp hơn nhiều so với năm 2008 do ảnh hưởng của kinh tế thế giới sụt giảm. Bà Vân nói mặc dù biết rằng lượng vốn thực hiện sẽ khó khăn hơn trong năm nay, nhưng vẫn phải cố gắng để đạt không kém năm 2008.

Việt Nam cần tập trung vào các hoạt động hỗ trợ giải quyết các khó khăn vướng mắc của các dự án đã được cấp phép, nhất là các dự án được cấp phép trong 2 năm trở lại đây, bà Vân nói và đề cập đến các giải pháp để thu hút vốn đầu tư mới là tăng cường tiếp cận các nhà đầu tư tại các thị trường trọng điểm như Nhật, Mỹ và Liên minh châu Âu, cùng với các thị trường mới như Nga, Trung Đông.

Theo các chuyên gia, việc cố gắng duy trì vốn FDI thực hiện như năm 2008 và tập trung vào các thị trường đang bị suy thoái kinh tế là khó có khả thi vì vốn rất khó huy động cho các dự án nếu xét đến các vấn đề mà ngành ngân hàng toàn cầu đang phải đối mặt hiện nay.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Hưng, Quyền giám đốc Trung tâm Đầu tư nước ngoài phía Nam, nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng cần phải đề ra một mục tiêu để phấn đấu, ngay cả trong lúc khó khăn. 

Theo ông Hưng, vốn thực hiện quan trọng hơn nhiều so với vốn FDI cam kết vì đây thực sự mới là vốn vào Việt Nam, giúp phát triển kinh tế và tạo ra công ăn việc làm.

Việt Nam sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh?

Tại chương trình tổng kết, cố vấn cao cấp về đầu tư của Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật (JETRO) tại TPHCM, ông Hirota Nakanishi cho rằng, Việt Nam sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực nếu như không nhanh chóng xây dựng một nền công nghiệp phụ trợ mạnh.

Ông Nakanishi cho rằng các công ty Nhật đang hoạt động tại Việt Nam đang phải nhập các linh kiện từ Thái Lan, Trung Quốc để sản xuất các sản phẩm, và do vậy họ sẽ phải trả thêm nhiều chi phí. 

“Lợi nhuận là quan trọng đối với các nhà sản xuất, và lợi nhuận của các công ty Nhật tại Việt Nam bị giảm nếu họ phải nhập quá nhiều linh kiện, phụ tùng từ nước ngoài”, ông Nakanishi nói.

Ý kiến của ông cũng trùng với quan điểm của các diễn giả tại hội thảo về triển vọng kinh tế của Hiệp hội Doanh nghiệp Canada tại Việt Nan (CanCham) diễn ra tại TPHCM hôm 13-1. Các diễn giả này cho rằng chi phí sản xuất tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự tăng trưởng bền vững của kinh tế Việt Nam.

Trong năm 2008, các nhà đầu tư Nhật cam kết đầu tư 7,2 tỉ đô la Mỹ vào các dự án trong lĩnh vực lọc dầu, sản xuất, lắp ráp, dệt may và chế biến thực phẩm. Có thể trong năm 2009 vốn cam kết đầu tư từ Nhật không nhiều nhưnămtrước,nhưng ông Nakanishi nói rằng nhiều tập đoàn lớn tại Nhật vẫn quan tập nhiều lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam, bao gồm bán lẻ, phần phối, mua bán và sát nhập công ty…

Các tỉnh phía Nam thành công nhất trong thu hút vốn FDI

Ông Hưngthuộc Trung Tâm Đầu tư nước ngoài phía Nam, cho biết TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu,Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Dương là 5 địa phương thu hút vốn đầu tư FDI thành công nhất ở phía Nam trong 20 năm Việt Nam kêu gọi đầu tư nước ngoài.

Các địa phương này cùng 17 tỉnh thành khách ở phía Nam dẫn đầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ năm 1988 đến 2008, với tổng số vốn 84,5 tỷ đô la Mỹ, chiếm 56.4% trong tổng số vốn gần 150 tỷ đô la Mỹ mà cả nước thu hút được trong giai đoạn này.

Trong năm 2008, 22 tỉnh thành phía Nam, tính từ từ Ninh Thuận trở vào thu hút gần 34 tỷ đô la Mỹ trong tổng số hơn 64 tỷ đô la Mỹ mà cả nước có được.

Theo Mộng Bình
TBKTSG

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây