Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tình hình kinh doanh trong năm 2012?
Năm nay Chính phủ xác định kiềm chế lạm phát, duy trì chính sách tiền tệ chặt chẽ linh hoạt, cung tiền ở mức phù hợp. Định hướng chính phủ cung tiền 14-16%, tăng trưởng tín dụng 15-17% buộc chúng tôi phải tính toán lại kế hoạch kinh doanh. Hiệu quả kinh doanh năm nay không thể như những năm trước, hoạt động kinh doanh ngày càng khó hơn. Các doanh nghiệp đang chịu lãi suất cao, hầu như quá sức chịu đựng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh.
Bao giờ mặt bằng lãi suất hạ xuống như mong muốn?
Tôi cho rằng đây là vấn đề vĩ mô, nhưng càng sớm càng tốt. Chỉ đạo chung của Chính phủ là CPI giảm dưới 10% tạo điều kiện để hạ lãi suất. Mục tiêu cuối cùng của ngân hàng phải xuất phát từ doanh nghiệp, ngân hàng hoạt động thực sự hỗ trợ doanh nghiệp để sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Trên cơ sở đó ngân hàng mới phát triển được, kinh tế tăng trưởng, đảm bảo công ăn việc làm, an sinh xã hội.
Những tín hiệu ban đầu đã có như CPI đã giảm trong 6 tháng liên tiếp, NHNN phân loại ngân hàng, các ngân hàng nhóm đầu cũng đã có những gói tín dụng với lãi suất thấp hơn mặt bằng. Điều này có tạo ra xu hướng hạ lãi suất?
Mặt bằng lãi suất sẽ phải được thiết lập. Nếu ngân hàng đưa lãi suất cao thì không ai muốn vay vốn. Vì thế các ngân hàng lớn phải đi đầu, tiết giảm chi phí, quản trị rủi ro tốt nhất để có lãi suất cho vay phù hợp. Vietinbank cho vay các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DNNVV lãi suất 15%/năm, với kinh doanh bình thường là 16%/năm. Nếu ngân hàng nhà nước có thể kéo lãi suất huy động xuống nữa thì chúng tôi sẵn sàng hạ lãi suất vay xuống tiếp.
Tôi cho rằng lãi suất huy động nên ở mức 10%/năm và lãi suất cho vay nên ở 13%/năm.
Kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu đến 2015 của Vietinbank liệu có hấp dẫn?
Sự hấp dẫn là đầu tư lâu dài vào cổ phiếu CTG. Tổng tài sản tăng theo từng năm cùng với chất lượng tài sản đảm bảo thì việc chi trả cổ tức 20%/năm tôi nghĩ là rất tốt. tôi cho rằng thị trường chứng khoán hiện đã đi vào giai đoạn đầu tư dài hạn, đánh giá thực từng doanh nghiệp. Tôi tin cổ phiếu của Vietinbank có chất lượng rất cao bởi định hướng phát triển bền vững. Thị trường giờ không còn phù hợp cho việc đầu tư lướt sóng. Giá trị thực của cổ phiếu Vietinbank cần có sự phân tích nhận định kỹ lưỡng hơn. Từ phía Vietinbank chúng tôi sẽ cung cấp thông tin minh bạch hơn trên thị trường để cho nhà đầu tư, cổ đông có sự đánh giá chuẩn xác.
Ngân hàng nhà nước đã có gợi ý gì với Vietinbank trong việc tham gia tái cấu trúc hệ thống ngân hàng không?
Về mặt chính thức là chưa có.
Vậy nếu có đề nghị đó thì sao, thưa ông?
Nếu có thì chúng tôi sẵn sàng bởi chúng tôi đã có kinh nghiệm trong tái cấu trúc ngân hàng. Chúng tôi đã tái cấu trúc Vietinbank từ năm 1997 sau khủng hoảng kinh tế Châu Á. Tại thời điểm đó Vietinbank là một trong 5 ngân hàng thương mại của Nhà nước có rủi ro rất cao. Chính phủ đã phê chuẩn đề án tái cơ cấu từ 2002-2007 để tái cấu trúc toàn diện. Vietinbank có nhiều kinh nghiệm trong xử lý khoản nợ tồn đọng, nâng cao chất lượng tài sản. Đến 2006 thì đã cơ bản hoàn thành, sớm hơn thời hạn Chính phủ phê duyệt.
Thực tế đã chứng minh sau tái cấu trúc chỉ vài năm Vietinbank đã bứt phá vượt lên trở thành ngân hàng có vị thế dẫn đầu trong ngành ngân hàng. Vì vậy nếu được NHNN giao thì chúng tôi tin mình có đủ kinh nghiệm, khả năng giúp các ngân hàng vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển.
Theo ông, với sức vóc và tiềm lực của Vietinbank thì có cáng đáng được bao nhiêu ngân hàng?
Cái đó tùy thuộc vào Chính phủ và NHNN giao cho chúng tôi. Còn việc giao bao nhiêu chúng tôi luôn sẵn sàng và cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao.