Sáng nay (15/9) Ngân hàng Công thương Việt Nam (Mã: CTG) tổ chức hội thảo Vietinbank’s Analyst Day với sự tham gia của các chuyên gia phân tích đến từ các tổ chức tài chính, chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Tại buổi hội thảo ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietinbank đã cung cấp thông tin về tình hình hoạt động của Vietinbank.
Tỷ lệ nợ xấu là 1,2%, đạt chuẩn quốc tế
Vấn đề được khá nhiều người quan tâm là tình trạng nợ xấu của Vietinbank trong 8 tháng 2011. Những lo ngại này xuất phát từ thông tin nợ xấu của nhiều ngân hàng lớn đã được nêu trong thời gian qua. Ông Hùng cho biết tỷ lệ nợ xấu của Vietinbank tính đến 30/8 là 1,2%. Hiện nay hội đồng quản trị đang tích cực đốc thúc các đơn vị để giảm tỷ lệ nợ xấu vào cuối năm xuống dưới 1%.
Trong năm 2010, theo đánh giá của tổ chức kiểm toán độc lập và tín nhiệm quốc tế thì tỷ lệ nợ xấu của Vietinbank theo tiêu chuẩn quốc tế là 2%.
Khi được hỏi về đánh giá của cá nhân đối với việc hạ tín nhiệm của một số tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế với một số ngân hàng Việt Nam, ông Hùng cho rằng: “Việc hạ tín nhiệm của các tổ chức này có cơ sở và tiêu chuẩn của họ. Một phần nào đó là chính xác. Các ngân hàng cần nhìn nhận kết quả đó tích cực để cải thiện chất lượng dịch vụ hoạt động, quản trị rủi ro”.
Ông Hùng cho biết thêm là hiện trích lập dự phòng của Vietinbank nhiều gấp 2 lần tỷ lệ nợ xấu, và tháng 11-12 lãnh đạo ngân hàng sẽ có ít nhất 3 cuộc rà soát để thực hiện giảm tỷ lệ nợ xấu.
Để có được tỷ lệ nợ xấu thấp thì trong 6 tháng đầu năm, Vietinbank đã tích cực giải quyết những tồn động từ khoản vay của Vinashin. Sau khi giải quyết thu hồi được nợ từ Vinashin, Vietinbank đã hoàn nhập dự phòng từ khoản cho vay này.
Lợi nhuận trước thuế đạt 5.082 tỷ đồng
Theo thông tin được cung cấp thì tăng trưởng tín dụng 8 tháng 2011 là 12,5%. Trong đó tỷ lệ cho vay “phi sản xuất” chỉ là 8% thấp hơn tỷ lệ quy định của NHNN.
Tổng tài sản đạt 425 ngàn tỷ, cố gắng đến cuối năm đạt 450 ngàn tỷ, tăng trưởng 25%. Thị phần của Vietinbank là 15% toàn ngành.
Lợi nhuận trước thuế tính đến 30/8 ước đạt 5.082 tỷ.
Ông Hùng cho biết năm nay chắc chắn Vietinbank sẽ chia cổ tức 20% cho các cổ đông.
Về kế hoạch tăng vốn điều lệ thì trong tháng 10, ngân hàng sẽ tăng vốn lệ lên 20 ngàn tỷ. Dự kiến trong tháng 11-12 sẽ tiếp tục tăng vốn lên 26-27 ngàn tỷ.
Đối với việc triển khai đàm phán bán 15% cổ phần cho Bank of Nova Scotia, ông Hùng cho biết: “Giá chào mua của đối tác là 3 chấm nhưng Vietinbank chưa đồng ý và đang tiếp tục đàm phán. Chậm nhất là đầu năm 2012 sẽ hoàn thành.”
Sau khi bán 15% cổ phần cho BNS, cổ đông nhà nước sẽ chỉ còn chiếm 65% cổ phần tại Vietinbank.
Chiến lược vươn ra thị trường quốc tế
Ngày 6/9, Vietinbank đã khai trương chi nhánh tại Frankfurt, Đức. Đây là chi nhánh tại châu Âu đầu tiên của một ngân hàng Việt Nam. Tháng 12, một chi nhánh tiếp theo sẽ được mở tại Berlin.
Sang tháng 1/2012, Vietinbank sẽ khai trương chi nhánh tại Lào. Chi nhánh này hiện đã mua trụ sở và đang đào tạo nhân lực.
Khi được hỏi lý do vì sao Vietinbank lại mở chi nhánh tại Frankfurt, ông Hùng nói: “Mở chi nhánh tại Frankfurt là trung tâm tài chính của châu Âu và Đức. Chi nhánh của Vietinbank thực hiện đầy đủ chức năng của một ngân hàng quốc tế như thế chứng tỏ ngân hàng đáp ứng được chuẩn mực quốc tế. Tiếp đến là với hơn 150 ngàn kiều bào tại Đức, đây là thị trường rất tốt. Người Việt Nam nay đã có ngân hàng từ quê hương để làm nơi giao dịch, chuyển tiền, vay vốn kinh doanh”.
Hơn nữa theo ông Hùng mở chi nhánh tại châu Âu, Vietinbank sẽ tiếp cận được nhiều nhà đầu tư nước ngoài, có điều kiện cải thiện cơ cấu cho vay hiện nay.Theo số liệu thì tín dụng dành cho các doanh nghiệp FDI của Vietinbank chỉ 2%.
Trong kế hoạch đến 2015, Vietinbank sẽ liên tục mở chi nhánh tại các thị trường châu Á như Malaysia, Indonesia, Trung Quốc và Hoa Kỳ.