Cây cảnh có trái rộn ràng vào vụ Tết

 
 
Năm nay do thời tiết không thuận lợi, để quýt sai quả và chín đúng vào dịp tết rất khó khăn. Chính vì vậy giá mỗi chậu quýt cảnh có thể tăng từ 500.000 đến 700.000 đồng.

Ngoài kiểng bông, kiểng lá, kiểng thú, năm nay nhiều nhà vườn ở ĐBSCL đang phát triển trồng kiểng trái trong chậu (cây cảnh có trái) phục vụ thị trường Tết. Các loại kiểng trái được ưa chuộng nhất là quýt hồng, thanh long, vú sữa, đu đủ và bưởi.

Thị trường hoa và cây cảnh hiện nay rất đa dạng, phong phú với nhiều chủng loại ngoại nhập và cây cảnh truyền thống gồm kiểng hoa, kiểng lá, kiểng nghệ thuật, kiểng hình, kiểng thú…, nay lại thêm kiểng trái.

Ông Lưu Văn Ràng, ở ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) là nhà vườn đầu tiên của huyện thành công với mô hình trồng quýt trong chậu bán Tết, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Ràng cho biết: Tết năm nay gia đình ông sẽ cung cấp thị trường khoảng 200 chậu quýt hồng trong chậu, với giá trung bình 2,5 - 3 triệu đồng/chậu (loại đẹp). Để trồng được một chậu quýt phục vụ ngày Tết, chăm sóc rất vất vả, phải chuẩn bị giâm cây con dưới đất từ hơn một năm trước.

Ban đầu chỉ là một nhánh quýt chiết, nuôi qua 30 tháng mới có được một chậu quýt cảnh hoàn chỉnh. Điều khó khăn nhất là khi cho cây vào chậu, quýt dễ bị chết, vì vậy phải có sự đầu tư chu đáo về cây giống, kỹ thuật mới mang lại hiệu quả. Theo nhận định nhiều nhà vườn, năm nay do thời tiết không thuận lợi, để quýt sai quả và chín đúng vào dịp tết rất khó khăn. Chính vì vậy giá cả năm nay có khả năng mỗi chậu quýt cảnh tăng từ 500.000 đến 700.000 đồng.

Ông Mai Quốc Hậu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lai Vung (Đồng Tháp) cho biết, quýt hồng là một trái cây đặc sản của huyện, được trồng nhiều ở các xã Long Hậu, Tân Thành, Tân Phước, Vĩnh Thới,... với tổng diện tích trên 1.300ha quýt thương phẩm. Với giá giao động hiện nay từ 22.000 - 25.000 đ/kg, trồng 1 ha quýt nông dân lãi khoảng 170 - 200 triệu đồng. Nhưng năm nay, nhiều người rất chuộng quýt kiểng trồng chậu để chưng tết, do đó huyện cũng có hướng phát triển mô hình này cho các nhà vườn...

Nếu như các loại kiểng lá, kiểng màu, kiểng bông, người chơi chú ý đến hoa và màu sắc thì kiểng trái lại quan tâm đến trái, coi trái là đối tượng trung tâm để ngắm nhìn và thưởng thức. Mấy năm gần đây, nhiều người lại chọn những loại cây có trái đẹp, màu sắc hài hòa và có ý nghĩa tượng trưng để làm kiểng chưng tết, chẳng hạn như thanh long, cam, quýt, bưởi, đu đủ, vú sữa… Tại huyện Châu Thành (Đồng Tháp), anh Nguyễn Thanh Công không những nổi tiếng về kiểng cổ thụ, kiểng nghệ thuật mà còn là người sưu tầm, tạo dáng thành công loại kiểng trái như sơ ri, dâu, vú sữa…

Theo ông Công, muốn tạo nên một cây kiểng trái có sức sống, đòi hỏi người trồng và người chơi phải có trình độ kỹ thuật cao, có kinh nghiệm nuôi trồng và mất nhiều thời gian. Một cây ăn trái muốn đưa vào chậu phải là những cây có dáng thế hùng mạnh, gân guốc, cành nhánh hài hòa, nhất là những cây lâu năm như vú sữa, me, sơ ri. Riêng đối với những cây ngắn ngày như cam, quít, bưởi, đu đủ… người trồng phải chăm sóc ngoài tự nhiên trước khi cho vào chậu.

Bằng niềm say mê cộng với đôi bàn tay tài hoa của mình, anh Nguyễn Thành Đạt ở Chợ Lách - Bến Tre đang ráo riết chuẩn bị hàng trăm cây bưởi trái để bố trí vào chậu kiểng (5 - 7 cây vào một chậu), sẵn sàng phục vụ Tết Giáp Ngọ, với giá từ 400.000 - 500.000 đ/chậu. Còn anh Lê Văn Đông, ở phường Tân Quy Đông, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) năm nay sẽ cung cấp thị trường gần 100 chậu đu đủ kiểng cho trái sum sê, có chiều cao từ 0,8 - 1 m, bán với giá khoảng 700.000 đ/cây.

Anh Đông cho biết: Những năm gần đây, đu đủ kiểng rất được người tiêu dùng ưa chuộng, nên năm nào anh cũng đầu tư trồng phục vụ thị trường. Được biết, do đu đủ rất khó trồng, khó ra trái đúng dịp tết nên tỷ lệ thành công không cao. Mỗi năm các nhà vườn chỉ cung ứng cho thị trường vài trăm cây nên được tiêu thụ rất mạnh.

Về giá cả, kiểng trái luôn ở mức cao. Riêng những cây kiểng trái nghệ thuật như vú sữa, sơ ri… có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/cây nhưng vẫn được thị trường chấp nhận.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây