Chào sàn với giá nào?

Hai phương pháp cơ bản

Trước đây, cả DN niêm yết trên sàn TP. HCM và Hà Nội đều không phải ấn định giá chào sàn mà để thị trường quyết định. Vậy nên mới có tình trạng một số CP mới được làm giá cao ngất ngưởng, khiến không ít nhà đầu tư nhẹ dạ vào tròng. Sở GDCK TP. HCM sau đó đưa ra quy định, DN phải xác định giá tham chiếu trong phiên chào sàn và biên độ dao động giá là +/- 20%.

Ông Đào Việt Trường, Phó phòng Tư vấn CTCK Hà Nội cho biết, có 2 cách tính phổ biến để xác định giá chào sàn: với những CP chưa có giao dịch thì DN và đơn vị tư vấn định giá CP theo phương pháp P/E, chẳng hạn sử dụng P/E của DN cùng ngành nghề đang niêm yết ở thời điểm đó hoặc P/E của cả thị trường tính trung bình trong vòng một tháng trước khi dự kiến niêm yết hoặc định giá theo phương pháp chiết khấu luồng cổ tức; với những CP có giao dịch thì cách xác định phổ biến là tính bình quân theo giá thị trường.

Dù giá chào sàn được xác định cách nào chăng nữa DN cũng đứng trước hai sự lựa chọn: hoặc sử dụng chiến lược giá chào sàn phù hợp với giá trị sổ sách của DN, nếu CP tốt thì thị trường sẽ đánh giá cao và tạo lực đẩy giá CP lên, và ngược lại; hoặc ấn định giá chào sàn cao để khẳng định đẳng cấp, song bản thân DN phải kinh doanh tốt hoặc có khả năng giữ giá, nếu không muốn hiệu ứng ngược lại.

 

Cơ hội kiếm lời

Việc DN chọn giá chào sàn bao nhiêu sẽ không có gì đáng nói nếu như CP mới không tăng giá vùn vụt như thời gian vừa qua, và đây chính là thông tin được coi như kim chỉ nam trong các vụ mua bán CP trên thị trường OTC. Việc định giá chào sàn từ các tổ chức niêm yết, không rõ do vô tình hay hữu ý, đã bám sát giá thị trường tự do, nên biên độ dao động giá +/- 20% ở phiên giao dịch đầu tiên cũng dễ dàng giúp cho những nhà đầu tư đang nắm giữ CP thắng ngay ở phiên mở màn.

Nếu như trước đây, giá chào sàn 100.000 đồng được coi là cao trên thị trường thì nay có thể đếm trên đầu ngón tay những DN ấn định giá khiêm tốn như vậy. Đã có không ít ý kiến cho rằng, cần xem xét lại cách xác định giá một số CP, bởi chỉ trong thời gian ngắn sau khi bán đấu giá cổ phần, tình hình sản xuất - kinh doanh của DN không có gì đột biến mà DN lại ấn định giá rất cao, kéo theo cơn sốt trên thị trường OTC. Trường hợp Đạm Phú Mỹ là một ví dụ, CP này được chào bán ra công chúng hồi tháng 4 với giá khởi điểm 50.000 đồng/CP, sau đợt đấu giá thành công, giá CP Đạm Phú Mỹ vẫn chỉ dao động ở mức “đầu 5” hồi tháng 8, thậm chí ngay cả khi có tin DN sẽ niêm yết trên sàn TP. HCM giá cũng chỉ nhích lên “đầu 6”. Tuy nhiên, khi có thông tin rò rỉ về việc giá chào sàn 100.000 đồng, CP này lập tức “sốt”, vọt lên hơn chục giá một ngày và hiện xoay quanh 105.000 - 109.000 đồng/CP. Bản thân DN khi đưa ra mức giá trên cho rằng, đợt đấu giá Đạm Phú Mỹ rơi đúng thời điểm thị trường trầm lắng, vì thế, giá đấu thành công quá thấp so với giá trị DN nên giá chào sàn cao là hợp lý.

Không chỉ có trường hợp Đạm Phú Mỹ, CP Hòa Phát sau khi có thông tin giá chào sàn 120.000 đồng, giá giao dịch OTC cũng tăng xấp xỉ mức này. Giá CP Vĩnh Hoàn, Nam Việt cũng dao động quanh 100.000 đồng.

 

Nhưng cần thận trọng

Theo bà Trần Anh Đào, Trưởng phòng Niêm yết phát hành, Sở GDCK TP. HCM, giá chào sàn do DN niêm yết tự quyết định trên cơ sở tham khảo ý kiến của CTCK tư vấn, song DN phải đưa ra phương pháp tính, căn cứ tính vào bản cáo bạch, trường hợp thay đổi phải có nghị quyết HĐQT và có cơ sở giải thích việc thay đổi. Sở có hẳn một hội đồng thẩm định giá chào sàn của DN niêm yết, những trường hợp đặt giá không hợp lý sẽ không được chấp thuận.

Tuy nhiên, trên thực tế, bản cáo bạch của DN mới niêm yết lại được công bố rất chậm, có khi DN chào sàn 1 - 2 ngày Sở mới công bố trên website, liệu nhà đầu tư có đủ cơ sở và điều kiện để nhìn nhận mức giá đó là hợp ly hay không. Hơn nữa, từ khi DN nộp hồ sơ niêm yết tới khi CP được giao dịch trên sàn là khoảng thời gian không ngắn và giao dịch CP trên thị trường OTC trong khoảng thời gian đó rất sôi động, giá cả phụ thuộc không nhỏ vào thông tin về giá chào sàn. Khi được hỏi về những trường hợp DN định giá cao hơn hẳn so với giá đang giao dịch trên thị trường OTC, kéo theo tình trạng CP sốt giá, thiết lập mặt bằng giá mới, bà Đào cho biết: “HOSE không phải cơ quan quản lý thị trường OTC”.

Trên thực tế, CP chào sàn đều được khớp ở mức giá khá cao so với mức giá giao dịch trên thị trường OTC trước đó. Sức hấp dẫn này đang kéo nhà đầu tư quay về cách đầu tư trước đây là gom hàng trên thị trường tự do rồi chờ ngày lên sàn để bán. Nhiều nhà đầu tư tổ chức lợi dụng yếu tố này đã kích thị trường bằng những lệnh đặt mua cực lớn đối với CP Intresco, Hòa Phát, CC5… trong khi biết chắc rằng, khó có nhà đầu tư cá nhân nào nắm số CP cao như thế, nhưng thông tin về giá mua đã kịp đồn thổi trên thị trường, do vậy thị giá một số CP nhanh chóng tăng lên và “làm giá” chẳng phải là việc quá khó khăn.   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây