Trừ khi Quốc hội Mỹ giải quyết được một thế bế tắc chính trị để nâng trần nợ của nước này trong những tuần tới, nếu không Mỹ sẽ rơi vào một vụ vỡ nợ chưa từng có trong lịch sử. Nhưng những chủ nợ chính của Hoa Kỳ ở châu Á có thể không phải lo lắng nhiều.
Những chủ nợ - Trung Quốc, Nhật và các chính phủ châu Á khác - có một kho trái phiếu kho bạc Mỹ trong khoản dự trữ 5.000 tỷ USD ngoại tệ của họ, tương đương với gần 1/3 GDP Mỹ. Mặc dù có rất nhiều rủi ro giá trái phiếu sẽ dao động dữ dội, họ không muốn làm bất cứ điều gì ngoài việc tinh chỉnh nhỏ những danh mục đầu tư của mình.
Các chính phủ châu Á coi một vụ vỡ nợ của Mỹ là không thể hình dung được và xem động thái cuối cùng là siết chặt chính sách tiền tệ của Mỹ mới là một vấn đề lớn hơn cho việc quản lý các khoản dự trữ của họ. Ngay cả khi Mỹ vỡ nợ, các thị trường nợ của họ sẽ vẫn là nơi an toàn nhất và thanh khoản cao nhất thế giới. Quan trọng hơn, họ có một tầm nhìn xa hơn hầu hết các nhà đầu tư tư nhân.
Một quan chức Nhật giấu tên nói với phóng viên Reuters: “Chúng tôi đang quan sát những rủi ro tiềm tàng của thị trường, chẳng hạn như trần nợ và đóng cửa chính phủ, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta coi tình hình hiện nay là nghiêm trọng”.
Họ cũng phải đối mặt với một lựa chọn bất đắc dĩ. Những nhà quản lý dự trữ sẽ giữ nguyên mức đầu tư vào trái phiếu thay vì gây hỗn loạn trên thị trường toàn cầu nếu họ thay đổi danh mục đầu tư.
Theo Quỹ tiền tệ quốc tế, hơn 60% trong năm ngàn tỷ USD mà các ngân hàng trung ương châu Á đang cầm giữ là đồng USD và được đầu tư dưới dạng trái phiếu và cổ phiếu Mỹ. Khoảng 2.000 tỷ USD trong số đó được tích lũy sau tháng 11/2008, khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt tay vào chính sách tiền tệ siêu dễ dàng kéo dài 5 năm, trong đó bao gồm cả việc đổ tiền mặt giá rẻ tràn ngập các thị trường toàn cầu đẩy các lợi tức của Mỹ xuống những mức thấp kỷ lục.
Giờ đây, khi Fed sắp đảo ngược chính sách, các lợi tức được đẩy lên cao trong khi giá các trái phiếu lại xuống thấp, các nhà đầu tư đối mặt với sụt giảm giá trị lượng trái phiếu họ nắm giữ. Một vụ vỡ nợ từ Mỹ sẽ làm rung chuyển thị trường trái phiếu, nhưng hầu hết các nhà đầu tư tin rằng các nhà lập pháp Mỹ sẽ không để điều đó xảy ra. Nước này đã tránh bị vỡ nợ vào phút chót trong một tình huống tương tự năm 2011.
Tuy nhiên, lần này các chính trị gia kỳ cựu ở cả hai đảng tại Washington thất kinh khi một số nghị sĩ đã công khai bàn luận về cách kiềm chế một vụ vỡ nợ có thể xảy ra vào tháng tới nếu họ không cho phép vay thêm nữa. Đổi lại sự đồng ý của họ nâng mức trần nợ lên 16.700 tỷ USD, những nhà Cộng hòa đang yêu cầu cắt giảm chi tiêu lớn, có thể tác động đến trọng tâm của các chương trình được coi là bất khả xâm phạm đối với Tổng thống Barack Obama và đảng Dân chủ của ông.
Bất chấp tình trạng hiện nay, các nhà đầu tư vẫn tìm nơi trú ẩn vào khoản nợ Mỹ, hơn là bỏ chạy khỏi nó. Tuy nhiên, với việc Fed sắp giảm kích thích kinh tế và cuối cùng là siết chặt chính sách tiền tệ, các nhà quản lý dự trữ châu Á đang chuẩn bị cho cú trượt dài trong giá trị các khoản nợ Mỹ.