Chỉ thị 03 khó mong điều chỉnh

Ngay sau khi Chỉ thị 03 ra đời, các ngân hàng cổ phần buộc phải “đuổi” khách đến vay cầm cố chứng khoán, vì dư nợ cho vay mảng này đã vượt qua ngưỡng cho phép là 3% tổng dư nợ. Sau 5 tháng (kể từ tháng 6/2007) ráo riết điều chỉnh, hiện dư nợ cho vay cầm cố chứng khoán của nhiều ngân hàng cổ phần vẫn không thể xuống dưới mức 3%. Trong khi đó, các hợp đồng vay vốn giữa ngân hàng và nhà đầu tư là những hợp đồng kinh tế. Ngân hàng không thể đơn phương hủy ngang hoặc thu hồi nợ trước hạn. Hiện các hợp đồng thực hiện cho vay thời hạn 1 năm (bắt đầu từ tháng 6/2007) chưa đến thời điểm đáo hạn, nên ngân hàng chưa thể thu hồi nợ vay.

Tại Ngân hàng TMCP Á châu (ACB), dịch vụ cho vay cầm cố, kể cả việc cung cấp tín dụng cho CTCK trực thuộc là ACBS thực hiện nghiệp vụ repo (mua - bán chứng khoán có kỳ hạn) đã ngưng hẳn kể từ đầu tháng 6, nhằm đảm bảo tỷ lệ dư nợ theo đúng quy định của NHNN đưa ra. Thế nhưng, trao đổi với ĐTCK, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB cho biết, ACB khó có thể điều chỉnh kịp tỷ lệ dư nợ cho vay cầm cố chứng khoán xuống 3% tổng dư nợ vào ngày 31/12/2007. Theo ông Hải, NHNN nên có sự xem xét và cấp hạn mức cho vay cầm cố đối với từng ngân hàng dựa trên tiềm lực vốn, quy mô và cách quản trị rủi ro.

ACB đã có tờ trình xin ý kiến của NHNN để giải quyết, nhưng vẫn chưa nhận được sự phản hồi. Hiện ACB đã điều chỉnh giảm được 3% trong tổng số dư nợ ngân hàng cho vay cầm cố và từ chối tiết lộ tổng số dư nợ chứng khoán đã cho vay. Không chỉ với ACB mà hầu hết các ngân hàng cổ phần đang phải chạy đua với thời gian để điều chỉnh dư nợ cho vay cầm cố chứng khoán xuống mức 3% tổng dư nợ. Một số ngân hàng như Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) từng hy vọng, tổng dư nợ tín dụng sẽ tăng mạnh trong những tháng cuối năm, từ đó hạn mức cho vay cầm cố chứng khoán sẽ điều chỉnh giảm xuống. Nhưng xu hướng thị trường lại không diễn ra đúng với mong muốn. Tiền tiết kiệm tiếp tục chảy vào ngân hàng cho dù lãi suất huy động đã được cắt giảm và lạm phát gia tăng. Trong khi đó, tổng dư nợ tín dụng có dấu hiệu chựng lại và giảm dần. Vì vậy, đến nay DongA Bank vẫn chưa thể tái cho vay kinh doanh chứng khoán, vì tổng dư nợ tín dụng của Ngân hàng tăng chậm hơn so với vốn huy động. Tổng giám đốc ABBANK, ông Lưu Đức Khánh cho biết, An Bình cũng đang khó khăn trong việc điều chỉnh tỷ lệ cho vay cầm cố, nhưng sẽ cố gắng đảm bảo theo đúng quy định của NHNN. Đồng quan điểm, đại diện Eximbank Việt Nam cũng cho hay, khác với những năm trước, tổng huy động vốn của Ngân hàng đang tăng nhanh hơn so với dư nợ cho vay. Đáng chú ý gần đây, để cạnh tranh thu hút khách hàng vay vốn, nhiều ngân hàng phải giảm lãi suất đầu ra.

Trao đổi với ĐTCK chiều ngày 29/10, Vụ trưởng Vụ Các ngân hàng và Tổ chức tín dụng, NHNN, ông Kiều Hữu Dũng cho biết, NHNN đang cân nhắc và tính đến những phương án phù hợp đối với việc áp dụng Chỉ thị 03. Trong đó, có một vấn đề được cân nhắc kỹ là có nên áp dụng đồng đều hạn mức dư nợ cho vay cầm cố đối với các ngân hàng là 3% hay không. Thứ hai là xét đến mục đích vay vốn kinh doanh chứng khoán. Chẳng hạn, các khoản vốn vay để mua lại hoặc phát triển DN có nên tính vào hạn mức 3% hay không? Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, điều đó không có nghĩa là Chỉ thị 03 chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh mà mọi việc còn phụ thuộc vào quyết định của Chính phủ và NHNN.

Còn ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN - Chi nhánh TP. HCM thì cho rằng, sẽ không có sự thay đổi trong các quy định đã đề cập tại Chỉ thị 03. Khi được hỏi về việc làm sao các ngân hàng cổ phần giải quyết được những hợp đồng kỳ hạn 1 năm đã ký với khách hàng kể từ tháng 6/2007, ông Hạnh cho rằng, thực tế những hợp đồng vay vốn kỳ hạn 1 năm giữa ngân hàng và nhà đầu tư không nhiều. Ngân hàng có thể điều chỉnh và cân đối để đảm bảo tỷ lệ dư nợ cho vay cầm cố chứng khoán xuống dưới mức 3% tổng dư nợ. Theo ông Hạnh, trong bối cảnh lạm phát đang tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm như hiện nay thì việc điều chỉnh Chỉ thị 03 là khó xảy ra. 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây