![]() |
Các công ty cổ phần đang chuẩn bị tiền mặt để tạm ứng cổ tức cho cổ đông - Ảnh: Tuổi Trẻ |
Từ đầu tháng 12 đến nay, các công ty cổ phần tất bật với việc trả cổ tức sớm cho cổ đông và phải kết thúc trước 31-12-2008 để né thuế thu nhập cá nhân. Ước tính có đến vài ngàn tỉ đồng được chia cho cổ đông. Trong đợt này, hầu hết các đơn vị chia bằng tiền mặt nhưng cũng có đơn vị kèm cổ phiếu.
Các khoản chia này không chỉ từ lợi nhuận của năm 2008 mà từ các năm trước để lại và thặng dư bán cổ phần.
Tràn ngập cổ tức
Thông tin về chia cổ tức, ngày giao dịch không hưởng quyền, ngày chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2008 chiếm hơn 60% lượng thông tin trên các trang web về chứng khoán. Trả cổ tức hấp dẫn như Công ty CP đầu tư và xây dựng Hà Nội (Hancic) với mức 100%, còn đợt 1 là 200%. Trước đó, công ty định chia tới 550% nhưng phương án này chưa được thông qua.
Sẽ có hàng ngàn tỉ đồng được chia cho cổ đông. Công ty CP Sữa VN với mức chia 19%, theo vốn điều lệ hơn 1.750 tỉ đồng thì số tiền công ty trả cổ tức là trên 330 tỉ đồng. Ngân hàng Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) tạm ứng đợt 1-2008 là 12% tiền mặt và 70,5% bằng cổ phiếu. Với vốn điều lệ khoảng 4.250 tỉ đồng, số tiền mặt trả đợt này là trên 500 tỉ đồng.
Eximbank đã điều chỉnh ngày trả cổ tức bằng tiền mặt là 22-12 thay vì từ 31-12 để cổ đông có “ngày rộng tháng dài” nhận tiền. Nếu trả sát ngày 1-1-2009 sẽ có nhiều người nhận sau ngày Luật thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực, trong khi chia cổ tức sớm là để “né” thuế. Và để đạt “hiệu quả cao”, Eximbank cho biết sẽ mở tài khoản cho tất cả cổ đông và chuyển tiền vào, trường hợp ngân hàng không có đủ thông tin về cổ đông như số chứng minh nhân dân, không thể mở tài khoản mới trả bằng tiền mặt...
Nhân viên của văn phòng HĐQT một ngân hàng cổ phần ở TP.HCM cho biết đã được lãnh đạo giao nhiệm vụ phải bằng mọi cách nhắc những cổ đông trong các năm trước thường hay quên nhận cổ tức phải nhận sớm để ngày thực nhận không rơi qua năm 2009.
![]() |
Nhận cổ tức, nhiều tâm trạng
Khi có thông báo chia cổ tức, anh N.T.Đ. - cổ đông của công ty V - cứ thăm chừng đã có cổ tức chưa. Anh bỏ ra 240 triệu đồng mua cổ phiếu giá 40.000 đồng/cổ phiếu, nay được chia 9 triệu đồng (15%/mệnh giá), số tiền không nhiều nhưng anh quyết gom để mua thêm cổ phiếu vì giá đang ở mức thấp. Tổng giám đốc một quỹ đầu tư cũng đang chờ cổ tức như “trời hạn trông mưa” để có thêm tiền tái đầu tư vào chứng khoán, đặc biệt là các cổ phiếu tốt trên sàn.
Tại sàn chứng khoán Vietcombank, một nhà đầu tư than cổ tức của Vietcombank quá hẻo, chia 12%/năm nhưng chỉ tính trong bảy tháng kể từ khi ngân hàng này chuyển sang ngân hàng cổ phần, nên thực nhận chỉ 7%. Nhà đầu tư “so bì” vì phần lớn đã mua cổ phiếu của Vietcombank với giá rất cao, có người mua trên 10 “chấm”, ít cũng ba “chấm”.
Cũng có nhà đầu tư tự an ủi vì khó khăn mà cổ đông quan tâm đến cổ tức, mới tìm hiểu và kỳ vọng công ty làm ăn khá để có lời chia lãi. Trước đây, nhiều nhà đầu tư chỉ quan tâm đến giá cổ phiếu hơn là cổ tức.
Còn hấp dẫn sau mùa cổ tức?
Trong khi các cổ đông đang hồ hởi nhận cổ tức, cũng có ý kiến lo ngại “chia hết” thì còn gì hấp dẫn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có cách tính riêng của họ để giữ chân nhà đầu tư và đảm bảo vốn cho sản xuất kinh doanh. Ông Nguyễn Xuân Thắng - chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Phân đạm và hóa chất dầu khí (DPM) - cho biết lợi nhuận năm 2008 ít cũng hơn 130% so với năm 2007. Trong hai đợt tạm ứng cổ tức của năm 2008, DPM mới chi khoảng 570 tỉ đồng và dự kiến còn chia thêm khoảng 300 tỉ đồng. Ông Thắng khẳng định lợi nhuận năm tới bằng hoặc hơn năm 2008.
Cũng có những đơn vị chỉ mới chia một phần, vẫn còn nhiều khoản sẽ chia khi đủ điều kiện. Đó là những công ty mà sau khi chia cổ tức vẫn có vốn chủ sở hữu cao hơn nhiều so với vốn điều lệ. Phần lớn rơi vào những đơn vị có nguồn thặng dư lớn từ phát hành cổ phiếu mà theo quy định, phải sau một năm mới được chia.
Thế nhưng, các công ty cũng nói rằng chia hết cho cổ đông nhiều khi lại hay hơn, vì tới đây nếu cần vốn, công ty sẽ đi vay. Lãi suất cho vay đang giảm dần, khả năng chỉ còn 12%/năm trở lại, trong khi nếu giữ lại vốn để kinh doanh, sau này trả cổ tức dưới 12% lại bị chê.
* Chỉ riêng bảy công ty có vốn hóa lớn tại sàn chứng khoán TP.HCM là Vinamilk (VNM), Đạm Phú Mỹ (DPM), Chứng khoán Sài Gòn (SSI), FPT, thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VHS), Khoan và dịch vụ dầu khí (PVD), Hòa Phát (HPG), tổng số tiền trả cổ tức đợt này là 1.550 tỉ đồng. Còn tại sàn chứng khoán Hà Nội, bốn đơn vị niêm yết lớn gồm Ngân hàng Á Châu (ACB), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xây dựng VN (VCG), Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PVS), Tổng công ty CP Bảo hiểm dầu khí (PVI) đã chi gần 1.600 tỉ đồng cổ tức. Dẫn đầu là ACB, kế đến là VCG... Như vậy, chỉ với 11 công ty có vốn hóa lớn ở hai sàn chứng khoán, số tiền trả cổ tức là hơn 3.100 tỉ đồng. * Thêm công ty tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt: Công ty CP XNK Thủy sản An Giang (AGF) tỉ lệ 6%, ngày đăng ký cuối cùng là 31-12. Công ty CP Thương mại Gia Lai đợt 2 tỉ lệ 50%, chi trả từ 15-12. Công ty CP Quê Hương - Liberty đợt 2 tỉ lệ 9%, 25-12. Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn tỉ lệ 10%, từ 25-12. Công ty CP Taxi gas Sài Gòn Petrolimex đợt 1 tỉ lệ 5%, từ 15 đến 28-12. Tổng công ty CP may Việt Tiến tỉ lệ 12%, ngày 15 đến 31-12. |