![]() |
Dù đã có dấu hiệu dịu bớt trong hai phiên vừa qua, nhưng theo nhận định chung của một số công ty chứng khoán, diễn biến bán ròng của khối đầu tư nước ngoài vẫn là một trở ngại đối với hướng |
Sự mong manh của đợt tăng lần này xuất hiện trong đợt 1, khi VN-Index quay đầu giảm nhẹ 1,33 điểm. Có thể đây là sự nối tiếp hướng thoái trào cuối phiên hôm qua, cũng như ảnh hưởng nhất định từ kết quả từ thị trường Mỹ.
Từ đợt 2, VN-Index tăng điểm trở lại, thêm 5,44 điểm, lên 337,06 điểm, khối lượng giao dịch cũng đã chùng xuống so với phiên sôi động liền trước, chỉ đạt 14 triệu đơn vị với 362,5 tỷ đồng.
Mức tăng nhẹ được duy trì đến kết thúc phiên, VN-Index lên 336,57 điểm, tăng 4,95 điểm (1,49%). Khối lượng giao dịch toàn phiên giảm khá mạnh so với hôm qua, đạt hơn 17,5 triệu đơn vị với 517 tỷ đồng (so với phiên trước giảm 24,71% về khối lượng và giảm 26,9% về giá trị giao dịch).
Đà tăng chậm của VN-Index có từ sự tách nhóm của một số blue-chip. Một cổ phiếu lớn là DPM đã giảm khá mạnh, mất 1.500 đồng/cổ phiếu. Blue-chip HPG cũng đã giảm sàn mất 1.600 đồng/cổ phiếu. VIC giảm mạnh, mất 3.000 đồng/cổ phiếu và chỉ cách giá sàn bước 500 đồng. Đây là 3 lực níu kéo chính đối với sức tăng của VN-Index phiên này, dù lượng mã tăng vẫn chiếm ưu thế, trong đó có nhiều cổ phiếu lớn.
VNM, STB, FPT, PVD, VPL, PPC, SSI, VSH… cùng chung sức hỗ trợ chỉ số chung, trong đó có nhiều thành viên tăng giá hết khả năng. Tính chung phiên này vẫn có 109 mã tăng giá; lượng mã giảm chiếm thiểu số với 37 mã giảm và 20 mã giá không thay đổi (trong đó có 2 cổ phiếu không có giao dịch).
Hôm nay, sàn Tp.HCM có thêm 2 cổ phiếu mới tham gia niêm yếu, OPC của Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC (với 8,19 triệu cổ phiếu) và HLA của Công ty Cổ phần Hữu Liên Á châu (với 19 triệu cổ phiếu). Giá tham chiếu của OPC trong phiên giao dịch đầu tiên là 78.000 đồng, kết thúc phiên giảm hết biên độ cho phép 20%, xuống 62.500 đồng/cổ phiếu và chỉ có 600 đơn vị giao dịch thành công. HLA có giá tham chiếu là 26.500 đồng, qua phiên này tăng thêm 13,2% lên 30.000 đồng/cổ phiếu 219.700 đơn vị được chuyển nhượng.
Về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, vẫn là sự quen thuộc của hướng bán ròng; bán ra gần 3 triệu đơn vị với hơn 117,6 tỷ đồng giá trị, mua vào hơn 1,3 triệu đơn vị với gần 46,4 tỷ đồng.
Dù đã có dấu hiệu dịu bớt trong hai phiên vừa qua, nhưng theo nhận định chung của một số công ty chứng khoán, diễn biến bán ròng của khối đầu tư nước ngoài vẫn là một trở ngại đối với hướng đi lên của thị trường thời điểm này, nhất là về tác động tâm lý đối với nhà đầu tư trong nước.
Mặt khác, một yếu tố có ảnh hưởng đến lần tăng này là sự phục hồi mạnh mẽ của chứng khoán thế giới trước đó, thay vì tập trung vào những yếu tố nội tại của nền kinh tế trong nước. Và liệu đà tăng mạnh mẽ của chứng khoán châu Á hôm nay có tiếp thêm sức cho thị trường vào phiên ngày mai để củng cố tính bền vững của đợt phục hồi này?
Còn theo nhận định từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), “trong giai đoạn hiện tại, cuộc khủng hoảng của thị trường tài chính thế giới chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục tạo áp lực bán đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, thị trường sẽ cần có thêm thời gian để củng cố lòng tin cho nhà đầu tư trong nước và những đợt tăng ngắn khó có thể thay đổi ngay được xu thế hiện tại”.
Và trong phiên hôm nay, lực cầu lại giảm khá mạnh cũng hạn chế sức hỗ trợ cho thị trường; tổng khối lượng đặt mua chỉ còn 31,7 triệu đơn vị, so với phiên trước giảm 25,07% (tổng khối lượng đặt bán là 22,8 triệu đơn vị, giảm 17,45% so với phiên trước).
Trong khi đó, trên sàn Hà Nội lại là một phiên đi lên khá ấn tượng. Chỉ số HASTC-Index tăng mạnh dần về cuối phiên, khẳng định phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp, thêm 4,5 điểm, lên 111,94 điểm. Khối lượng giao dịch giảm xuống còn 7.449.800 cổ phiếu với giá trị 190,6 tỷ đồng (so với phiên trước giảm 30,74% về khối lượng và giảm 30,84% về giá trị giao dịch).
Tại đây, đà bán ra cổ phiếu của khối đầu tư nước ngoài đã giảm bớt, tăng mua, xét về giá trị. Họ bán ra 5,62 tỷ đồng, mua vào 2,46 tỷ đồng giá trị (phiên hôm qua tương ứng là 13,45 tỷ đồng và 1,84 tỷ đồng).
Về giá cổ phiếu bình quân, so với phiên trước có 113 cổ phiếu tăng giá, 35 cổ phiếu giảm giá, 4 cổ phiếu đứng giá và 2 cổ phiếu không có giao dịch; trong đó, ngoài KBC, hầu hết các cổ phiếu lớn đều cùng một hướng hỗ trợ chỉ số chung.