FED có thể sẽ đưa lãi suất xuống dưới 1%?
Bóng mây đen về khả năng suy thoái kinh tế càng bao phủ nặng nề lên TTCK Hoa Kỳ tuần qua khi đúng vào thời điểm các Cty phải công bố kết quả hoạt động kinh doanh quý. Hàng loạt chỉ số cơ bản của nền kinh tế đã "phá hỏng" những nỗ lực lợi nhuận nhỏ nhoi của một số Cty.
Bộ Lao động Mỹ cho biết, số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 17.10 đã tăng thêm 15.000 lên 478.000 người. Tâp đoàn Goldman Sachs dự kiến cắt giảm 3.260 việc làm (khoảng 10%) vì hoạt động kinh doanh có dấu hiệu suy giảm, Yahoo cũng sẽ cắt giảm 1.500 việc làm...
Hàng loạt chỉ số CK chính của thị trường Mỹ và thế giới đều trải qua một tuần tồi tệ. Chỉ số Dow Jones công nghiệp (DJI) đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 5.2003. Mặc dù phục hồi nhẹ về cuối ngày 24.10 và không đóng cửa ở mức thấp nhất nhưng DJI vẫn "phá đáy" của mức đóng cửa ngày 10.10 vừa qua, giảm 3,6%.
Chỉ số S&P 500 cũng không hơn gì khi mất 3,5%. Duy nhất chỉ số Nasdaq có sự đảo chiều tích cực ngay trong ngày 24.10 nhưng vẫn giảm 3,2% so với phiên trước.
Tại Châu Âu, FTSE của Anh giảm tới 5% trong một phiên cuối tuần dao động mạnh hiếm có. Mức thấp nhất trong ngày của chỉ số này đã tiến sát đến đáy hồi cuối tháng 3.2003. Tại Châu AÁ, Nikkei 255 của Nhật đi vào lịch sử khi giảm tới 12%, phá mức 8.000 điểm và rơi xuống 7649,08 điểm, chạm đáy kỷ lục ngày 2.5.2003.
Trong một nỗ lực ổn định thị trường, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ thực hiện cắt giảm lãi suất một lần nữa. Hiện lãi suất USD đang ở mức 1,5% sau lần cắt giảm 0,5% ngày 8.10 vừa qua. Vấn đề là thị trường đang trông đợi một hành động mạnh và liệu FED có thể lần đầu tiên ấn định một mức lãi suất thấp hơn mức 1% trong lịch sử của mình?
Giá dầu giảm mạnh vì lo ngại suy thoái kinh tế
Giá dầu thế giới cuối tuần qua đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 16 tháng qua dù các nước XK dầu mỏ OPEC đã quyết định cắt giảm sản lượng 1,5 triệu thùng/ngày trong tổng mức 28,8 triệu thùng hiện tại.
Theo tuyên bố của Bộ trưởng Dầu mỏ Arap Saudi, quyết định này là một hành động phản ứng rất kịp thời của OPEC.
Bộ trưởng Dầu mỏ Algeria thì khẳng định việc cắt giảm sản lượng sẽ có hiệu lực "100%" trong việc bình ổn giá dầu. Arap Saudi - nước cung cấp dầu lớn nhất - sẽ cắt giảm 466.000 thùng/ngày và Iran - nước thứ hai - sẽ giảm 199.000 thùng/ngày.
Tuy nhiên theo các nhà phân tích, thị trường dầu đã sụt giảm mạnh hơn khi chỉ có các phản ứng yếu ớt trước quyết định được xem là mạnh mẽ này. Nỗi lo sợ suy thoái kinh tế đã khiến việc cắt giảm sản lượng không còn nhiều ý nghĩa.
Ngày 24.10, các bộ trưởng của 13 thành viên OPEC đã thống nhất cắt giảm sản lượng từ tháng 11 tới. Giá dầu giao tháng 12 cuối tuần qua đã giảm xuống mức 64,15USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 5.2007. Nếu so với đỉnh 147,27USD hồi tháng 6 vừa qua, giá dầu đã mất 56%.
"Lúc này CK và thị trường tiền tệ quan trọng hơn cả OPEC", chuyên gia phân tích Rachel Ziemba của Cty nghiên cứu kinh tế RGE Monitor nhận xét. "OPEC chẳng thể nào vực được giá dầu trừ phi các thị trường tài chính tìm được đáy và bắt đầu phục hồi".
Theo các phân tích, thị trường tài chính hiện phản ánh sự quan ngại về kinh tế suy thoái một cách rõ rệt. Nền kinh tế chậm chạp sẽ khiến nhu cầu năng lượng giảm mạnh. Năm 2008 có thể sẽ là năm giảm đầu tiên sau 15 năm liên tục nhu cầu dầu của toàn thế giới liên tục tăng.