Cổ phiếu khoáng sản từng làm mưa, làm gió trên thị trường, có khi tăng mạnh, nhưng cũng có lúc sụt giảm sâu. Trong năm qua, doanh nghiệp kinh doanh khoáng sản cũng gặp khó khăn, khi lợi nhuận sụt giảm, nhiều đơn vị rơi vào thua lỗ, chứ không còn lãi như trước kia. Giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp cũng sụt giảm về dưới mệnh giá, chỉ còn vài doanh nghiệp giữ được lợi nhuận tốt.
Câu chuyện làm ăn, kinh doanh thua lỗ của các doanh nghiệp ngành khoáng sản cũng chẳng có gì bất ngờ khi chính sách thắt chặt chứ không còn cảnh "đào lên là bán" để kiếm lời. Một số doanh nghiệp lớn với vốn đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng, nhưng vẫn rơi vào cảnh khó khăn, thua lỗ triền miên, giờ mới tái cơ cấu để phục hồi.
Vay tiền để trả nợ
Mấy phiên gần đây, một vài cổ phiếu khoáng sản cũng "tạo sóng" với nhiều dấu hiệu bất thường. Điển hình như cổ phiếu KSS của TCT Cổ Phần Khoáng Sản Na Rì Hamico đã tăng giá khá mạnh, khi hoạt động kinh doanh có nhiều chuyển biến.
Tuy nhiên, cái bất thường ở đây là KSS đang vay nợ rất lớn từ ngân hàng BIDV với hơn 900 tỷ đồng, không phải để đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh mà chỉ dùng để trả trước cho người bán. Giờ đây, tiền mặt chỉ còn 18 tỷ đồng, công ty lại có kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi.
Qua phân tích cổ phiếu KSS, tỷ suất lợi nhuận gộp đã cải thiện tăng hơn 30%, do nguyên vật liệu đầu vào phần lớn được khai thác từ các mỏ của công ty nên giúp cho giá vốn hàng bán giảm mạnh. Chi phí lãi vay giảm mạnh nhờ lãi suất điều chỉnh giảm, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 10,6 tỷ đồng, bằng 30% so với kế hoạch.
Sự bất thường ở đây là KSS đã tiếp tục vay nợ thêm 468 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2013, đẩy khoản nợ vay ngắn hạn lên 852 tỷ đồng, tăng tới 41,7% so với đầu năm. Còn khoản vay nợ dài hạn cũng tăng 7,1%, lên mức 80 tỷ đồng. Tất cả các khoản vay này đều được tài trợ bởi BIDV chi nhánh Bắc Kạn – Thái Nguyên.
Nguyên nhân khiến KSS tăng cường vay nợ trong kỳ là để bù đắp dòng tiền hoạt động kinh doanh đang âm tới 245,6 tỷ đồng. Đáng lưu ý là việc dòng tiền hoạt động kinh doanh âm nhiều như vậy là do khoản trả trước người bán (nằm trong khoản phải thu) của KSS đã gia tăng chóng mặt. Cụ thể, khoản trả trước người bán của KSS đã tăng từ 279 tỷ đồng ở đầu năm 2013 lên đến 635,3 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng tới 2,3 lần và chiếm tới hơn 50% tổng tài sản ngắn hạn và hơn 40% tổng tài sản của công ty.
Các công ty được KSS trả trước nhiều nhất trong kỳ đó là CTCP An Hồng Phương với mức tăng mạnh tới 165 tỷ đồng so với đầu năm (số dư cuối quý 3 là gần 210 tỷ đồng), Công ty TNHH Thủy Hưng tăng 69.8 tỷ đồng (69,8 tỷ đồng), CTCP Khoáng sản và Luyện kim Bắc Á tăng 28,5 tỷ đồng (107 tỷ đồng), CTCP Chì Kẽm Yên Bái tăng 30 tỷ đồng (68 tỷ đồng).
Vì sao KSS chấp nhận gia tăng các khoản vay nợ ngân hàng để chịu lãi trong kỳ, nhưng lại dùng số tiền vay nợ để trả trước cho người bán. Liệu khi trả trước cho người bán, KSS sẽ được hưởng lợi gì, giá đầu vào có rẻ hơn, nhằm cải thiện lợi nhuận gộp cho công ty? Hay việc trả trước có liên quan đến những công ty có liên quan tới vị chủ tịch của KSS. Đây là những câu hỏi mà nhà đầu tư muốn KSS có lời giải thích rõ ràng.
Vẫn huy động vốn để đầu tư
Trong khi đó, KSS đã lên kế hoạch huy động 221 tỷ đồng bằng phát hành cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi với nhiều mục tiêu khác nhau.
Theo đó, với hơn 18 triệu cổ phiếu ra công chúng, KSS dùng khoảng hơn 6 triệu cổ phiếu phát hành để trả cổ tức năm 2010 cho cổ đông, tỷ lệ trả cổ tức là 25%; số còn lại 12 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1, giá 10.000 đồng/cổ phiếu, ngày đăng ký cuối cùng là 24/12/2013.
KSS kỳ vọng sẽ thu về khoảng 121 tỷ đồng để đầu tư nâng cao công suất dự án chì kẽm Cốc Lót (33 tỷ đồng), phục vụ cho nhà máy chì kẽm Ngân Sơn, đầu tư nghiên cứu tiền khả thi dự án Cầu Nhơn Trạch – Đồng Nai (2 tỷ) và bổ sung vốn lưu động (85.95 tỷ).
Theo nghị quyết của HĐQT, KSS cũng sẽ phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư chiến lược. Mục đích của đợt phát hành này là đầu tư, cho nhà máy Chì Kẽm Ngân Sơn. Mục tiêu chính mà KSS huy động vốn đó là bổ sung vốn lưu động và đầu tư vào nhà máy Chì Kẽm Ngân Sơn, nhằm dễ thuyết phục cổ đông, còn tiền vay ngân hàng lại trả trước cho người bán?
Triển vọng kinh doanh sắp tới của công ty này sẽ phụ thuộc khá nhiều vào nhà máy Chì kẽm Ngân Sơn. Hiện nhà máy này chỉ mới hoạt động 50-60% công suất, nên cần đẩy mạnh đầu tư để tối đa công suất với mục đích là tăng doanh thu và lợi nhuận cho công ty.
Hiện giá cổ phiếu của KSS đang có giá trên 6.000 đồng/cổ phiếu, và hôm nay cũng là ngày đăng ký cuối cùng để mua cổ phiếu phát hành thêm. Chưa biết việc phát hành có thành công hay không, nhưng nếu nhà đầu tư mua vào với giá trên sàn thì sẽ có lợi rất lớn với mức giá chênh lệch gần gấp đôi giá cổ phiếu phát hành thêm.
Ai sẽ chịu thiệt trong phi vụ này? Đây có thể là lý do để nhà đầu tư mạnh dạn mua vào cổ phiếu này trong những phiên vừa qua.