Theo một báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, hiện chỉ còn 50% tổng số DN vừa và nhỏ có giao dịch tín dụng với ngân hàng. Tổng nguồn vốn vay của đối tượng này khoảng 241.000 tỉ đồng.
Trong khi cánh cửa ngân hàng quá hẹp với DN vừa và nhỏ thì lại tỏ ra quá rộng đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Bất chấp tính hiệu quả của các dự án; các tập đoàn, tổng công ty luôn được hưởng các nguồn vốn vay ưu đãi (chiếm hơn 90%). Ngay trong thời điểm van tín dụng đang được thắt chặt và các chuyên gia cảnh báo hiện tượng đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn đang có nhiều rủi ro, Vinashin vẫn được các ngân hàng dồn vốn vay 20.000 tỉ đồng.
Số liệu từ kiểm toán Nhà nước cho thấy hiện các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đang được giao tới 403.000 tỉ đồng, được vay 514.000 tỉ đồng; nhưng tỉ suất lợi nhuận trên vốn chỉ đạt 17,04%/năm, thấp nhất trong cả 3 khối DN Nhà nước, dân doanh và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Đến nỗi, đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Đáng (Bình Dương) đã phải bức xúc cho rằng “DN Nhà nước như những công tử con quan, được cha mẹ chăm sóc cho to cao, muốn gì được nấy, nhưng giá trị đóng góp cho kinh tế lại thấp nhất, gây ồn ào nhất, chỉ số ICOR thấp nhất”!
Hiện lãi suất cơ bản của ngân hàng đã giảm 13%/năm, lãi suất cho vay cũng giảm từ 1%-1,5% (bình quân 18%-19%/năm ), nhưng DN vừa và nhỏ vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng. Bên cạnh việc thiếu tài sản thế chấp và “dự án hấp dẫn” theo tiêu chí của các ngân hàng thì nhiều DN cho rằng trong điều kiện khó khăn về thị trường, chi phí tăng cao như hiện nay, họ khó có nổi lợi nhuận 20%, lấy đâu trả lãi vay ngân hàng.
Khơi thông nguồn vốn tín dụng, tiếp sức cho DN vừa và nhỏ vượt qua giai đoạn khó khăn là vấn đề cần đặt ra hiện nay. Không thể kéo dài tình trạng phân biệt “con nuôi, con đẻ”; chỉ tập trung đầu tư cho những “công tử”, “con cưng”- những tập đoàn, tổng công ty làm ăn không hiệu quả - mà bỏ quên 90% đối tượng DN vừa và nhỏ đang có những đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của đất nước.