Hiện tại, thông tư hướng dẫn Nghị định 109 về CPH đang được tiến hành và đây là vấn đề quan trọng cần tính đến để bảo vệ quyền lợi của NĐT.
Cáo bạch chỉ để... chơi?
Tất cả các đợt IPO vừa qua, nguồn thông tin gần như duy nhất liên quan đến tình hình hoạt động, hiện trạng của DN mà NĐT có thể tiếp cận là thông qua bản cáo bạch. Theo quy định cũ của Thông tư 126 hướng dẫn Nghị định 187 và Thông tư 95 sửa đổi Thông tư 126, bản cáo bạch là tài liệu bắt buộc phải công bố. Tuy nhiên, điều đáng nói là chất lượng bản cáo bạch đến đâu lại không có một chuẩn nào quy định.
Một thực tế là hầu hết các bản cáo bạch được công bố đều sơ sài và rất giống nhau, đặc biệt là đối với những DN cùng lĩnh vực. Theo tiết lộ của chuyên viên phòng tư vấn của một CTCK, trong những thời điểm "nóng" về đấu giá cổ phần lần đầu, tốc độ "sản xuất" bản cáo bạch có thể "chuyên nghiệp" đến mức 1-2 ngày một bản.
CTCK nào cũng có sẵn một "thư viện mẫu" bản cáo bạch, chuyên viên chỉ cần sửa đổi đôi chút, gọi điện thoại đến Cty hỏi han vài điều bổ sung cho mang tính thời sự. Thậm chí có công đoạn hoàn toàn thủ công là cắt dán nội dung từ bản cáo bạch này sang bản cáo bạch khác.
Ông Trần Đình Cường - Phó TGĐ Cty TNHH Ernst&Young Việt Nam, đơn vị có 15 năm kinh nghiệm kế toán, kiểm toán, tái cơ cấu DN, định giá - cũng cho rằng, chất lượng thông tin công bố trong bản cáo bạch là vấn đề lớn.
Các bản cáo bạch cung cấp đến tay NĐT thường ở dạng tóm tắt, thiếu rất nhiều những thông tin quan trọng so với hồ sơ xác định giá trị DN. Nhiều DN thậm chí còn không cung cấp các báo cáo tài chính 3 năm liên tục hoặc các báo cáo tài chính đã được kiểm toán.
Theo các yêu cầu công bố thông tin hiện tại, bản cáo bạch chỉ phải công bố một số thông tin tài chính, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh rất tóm lược và báo cáo tài chính tóm tắt.
Đối với NĐT thực sự có nhu cầu đầu tư vốn vào một DN, đây chỉ là một lát cắt trong bức tranh toàn cảnh về DN. Để xác định được giá trị thực sự cũng như những rủi ro của khoản đầu tư, NĐT cần được tiếp cận nhiều thông tin hơn, trong đó một tài liệu quan trọng là báo cáo tài chính đã được kiểm toán.
Đây là tài liệu cơ bản nhất và đáng tin cậy nhất giúp NĐT phân tích DN, từ đó xác định được giá mua hợp lý bằng những phương pháp phổ biến.
Một thực tế là không phải NĐT nào cũng có thể tiếp cận được các tài liệu đã kiểm toán của DN. Thông thường những thông tin quan trọng trong phân tích cơ bản DN là bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, thuyết minh báo cáo tài chính.
Đối với những tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, có thể vấn đề này không quá khó, nhưng đối với NĐT cá nhân lại là một thách đố lớn. Theo ý kiến của nhiều NĐT, không thể viện cớ việc in ấn tài liệu này quá tốn kém, vì DN và đơn vị tư vấn có thể công bố trên mạng một cách dễ dàng và hầu như không mất chi phí. Vấn đề còn lại chi là DN và tổ chức tư vấn có thực sự muốn cung cấp hay không.
Vẫn đánh cược với rủi ro
Thực tế, ngoại trừ những DN mong muốn thu hút NĐT tiềm năng tham gia góp vốn, việc công bố thông tin ở nhiều DN vẫn chỉ được làm như một hình thức đối phó. Đã có trường hợp DN cố tình ém thông tin hoặc công bố một cách sơ sài, mà điển hình là vụ việc "ỉm" thông tin thuê đất của Cty XNK Intimex vừa qua.
Quyền sử dụng đất và lợi thế địa lý là một trong những yếu tố vô hình tác động đến giá trị DN, nhưng lại không được định giá một cách chính xác. Không ít DN chỉ công bố trên bản cáo bạch về diện tích đất, vị trí đất, nhưng không phải NĐT nào cũng biết "mặt mũi" mảnh đất đó như thế nào.
Theo ông Trần Đình Cường - Phó TGĐ Cty TNHH Ernst&Young Việt Nam, thậm chí còn có trường hợp DN cố tình tìm cách đưa thông tin không đến đối tượng như đăng tải trên những tờ báo, tạp chí ít phổ biến hoặc đăng sát ngày nghỉ khiến NĐT không tìm được.
Ông Cường cũng cho rằng nên kéo dài hơn thời gian công bố thông tin để NĐT có điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu về DN đồng thời có thể cân nhắc việc quy định mẫu công bố thông tin khác nhau cho từng nhóm DN theo quy mô.
Một trong những rủi ro nữa là sự sai lệch có thể xảy ra trong số liệu tài chính được công bố. Hiện tại, tất cả những thông tin phân tích, đánh giá của NĐT đều phải dựa trên số liệu do DN cung cấp và họ có quyền nghi ngờ tính chính xác.
Mới đây, một Cty tư vấn tài chính kế toán và kiểm toán bị phát hiện đã xác nhận hồ sơ niêm yết có thông tin sai lệch, gây hiểu lầm hoặc không đầy đủ. Mức phạt 40 triệu đồng (trong khung phạt 20-50 triệu) đối với DN là không lớn, nhưng rủi ro NĐT gánh chịu lại không thể tính toán được.
Đó là chưa kể đến những tiểu xảo trong kỹ thuật "làm đẹp" báo cáo tài chính, những gút mắc trong việc xác định lại giá trị tài sản DN mà không phải NĐT chuyên nghiệp nào cũng phát hiện được.