![]() |
Dịch vụ chứng khoán đã không còn là mảnh đất màu mỡ khiến người người, nhà nhà mở CTCK. |
Đây là tín hiệu vui, không chỉ thể hiện sự "thuỷ chung" của một đối tượng tham gia xác lập thị trường mà với việc tăng cường nội lực này, các dịch vụ của khối CTCK sẽ được nâng cấp và sàng lọc chuyên nghiệp hơn.
Từ một tháng nay, CTCK ACB (ACBS) đã dừng thực hiện dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán. Theo ông Nguyễn Việt Hải, Tổng giám đốc Công ty, ACBS còn dừng một số dịch vụ nghiệp vụ khác nhằm chuẩn hóa lại quy trình nghiệp vụ, quy trình theo dõi, quản lý các nghiệp vụ này. "Trước đây thị trường nóng quá, chúng tôi làm ào ào.
Chẳng hạn, việc soạn thảo các hợp đồng vay ứng trước cầm cố thế chấp có những điểm chưa rõ ràng, có thể gây tranh chấp giữa ba bên về pháp lý. Bây giờ là thời gian để chỉnh đốn, chuẩn bị đón thời điểm thị trường sôi động trở lại", ông Hải cho biết.
Không chỉ ACBS, các CTCK lớn đều đang luyện "nội công" để nâng cao khả năng cạnh tranh. Tại CTCK Bảo Việt (BVSC), mảng dịch vụ được chú trọng đầu tư nhiều là tư vấn tái cấu trúc doanh nghiệp.
Ông Võ Hữu Tuấn, Phó tổng giám đốc BVSC kiêm Giám đốc Chi nhánh BVSC tại TP. HCM cho biết, sau thời gian phát triển nóng vừa qua, hầu hết doanh nghiệp đều nhìn nhận lại mình để xác định lại chiến lược phát triển trong giai đoạn sắp tới. Vì thế, BVSC cũng phải nghiên cứu chuyên sâu hơn để tư vấn chiến lược trong 5 đến 10 năm tới.
Đối với dịch vụ tư vấn niêm yết, BVSC đã có 8 năm xây dựng hệ thống, nên bây giờ tương đối nhẹ nhõm. Công ty cũng đang tập trung cho sản phẩm dịch vụ tư vấn mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, dịch vụ đang có nhu cầu khá lớn từ khách hàng.
CTCK SSI lại tập trung khá nhiều vào mảng dịch vụ tư vấn đầu tư. Kể từ ngày 23/5, SSI đã nâng cấp bản tin tháng thành bản tin tuần để cung cấp thông tin và nhận định kịp thời về thị trường đến nhà đầu tư.
Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động như hiện nay, những phân tích của SSI rất cần thiết cho nhà đầu tư cá nhân trong nước, hiện đang chiếm số đông trên thị trường. Đối tượng này khó tiếp cận được báo cáo của các tổ chức đầu tư nước ngoài do rào cản về ngôn ngữ, hoặc báo cáo của một vài CTCK trong nước khác quá nặng nề khi dùng ngôn ngữ chuyên ngành, các khái niệm, phương pháp phân tích còn xa lạ với họ.
Nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm CTCK thế hệ thứ hai và thứ ba đang gặp khó khăn trong bối cảnh chung hiện nay, nhưng mỗi đơn vị đều cố gắng tranh thủ thời gian này để xây dựng, bổ sung điều kiện tối thiểu cho hoạt động và khả năng cạnh tranh.
Ông Phan Huy Chí, Chủ tịch HĐQT CTCK SME cho biết, Công ty đã đưa vào hoạt động hệ thống phần mềm giao dịch của Hàn Quốc trị giá 2 triệu USD. Với hệ thống này, khách hàng của SME có khả năng giao dịch online khi hai sàn thực hiện giao dịch tự động.
Đại diện CTCK Nhấp và Gọi cũng bật mí, đơn vị này chuẩn bị ứng dụng một công nghệ mới đang được sử dụng rộng rãi ở các thị trường chứng khoán phát triển, cho phép nhà đầu tư mở tài khoản tại Công ty thuận lợi hơn khi khai thác thông tin trên mạng và trong lúc đặt lệnh qua mạng.
Về phía cơ quan quản lý, UBCK cũng vừa hoàn tất dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều thuộc Quy chế hoạt động CTCK, trong đó đặt điều kiện khắt khe hơn để thành lập CTCK như: pháp nhân tham gia góp vốn phải đang hoạt động hợp pháp với thời gian hoạt động tối thiểu là 5 năm; có vốn điều lệ thực góp tối thiểu là 300 tỷ đồng.
Đối với CTCK không phải là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cần có tối thiểu 2 cổ đông sáng lập là pháp nhân, trong đó có ít nhất 1 pháp nhân được thành lập và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm hoặc Luật Chứng khoán (nhưng không phải là CTCK). Các cổ đông sáng lập là pháp nhân phải cùng nhau nắm giữ tối thiểu 65% vốn điều lệ của CTCK…).
Các quy định này là đúng, nhưng có vẻ như đang lạc hậu so với thực tế hiện nay, bởi dịch vụ chứng khoán đã không còn là mảnh đất màu mỡ khiến người người, nhà nhà mở CTCK như một năm trước. Trong bối cảnh hiện nay, để tồn tại và tiếp tục nâng cao nội lực đang là sự cố gắng lớn của những CTCK đã ra đời.