![]() |
Cuộc họp báo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN),diễn ra ngày 10-7, tại Hà Nội đã xoáy vào hai chủ đề nóng là tình hình sử dụng vốn và các DNNN còn tiếp tục tham gia góp vốn thành lập ngân hàng nữa hay không.
Mức nợ gấp 1,36 lần mức chủ sở hữu
Theo báo cáo của ông Phạm Viết Muôn, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Chính phủ, sau quá trình sắp xếp, đổi mới DNNN, đến nay cả nước hiện còn 1.720 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được tổ chức dưới hình thức tập đoàn kinh tế (7 đơn vị), tổng công ty nhà nước (86 đơn vị) và công ty nhà nước độc lập (1.099).
Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ ở 524 doanh nghiệp thành viên, giữ trên 50% vốn điều lệ ở 738 doanh nghiệp thành viên và dưới 50% vốn điều lệ ở 672 doanh nghiệp đã cổ phần hóa.
Ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính nói tại cuộc họp báo hôm 10-7 rằng, kết quả kinh doanh năm 2007 cho thấy 97% các tập đoàn, tổng công ty lớn kinh doanh có lãi, chỉ có 3% thua lỗ.
Báo cáo gửi về Chính phủ của 7 tập đoàn lớn, 11 tổng công ty 91 và 56 tổng công ty 90 qua 6 tháng đầu năm cho thấy, tổng vốn nhà nước đang có tại các tập đoàn, tổng công ty là 402.815 tỉ đồng so với tổng doanh thu là 510.000tỉ, tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2007.
Lợi nhuận trước thuế của các đơn vị kể trên là hơn 76.000 tỉ đồng, nộp ngân sách 78.000tỉ đồng. Riêng 18 tập đoàn vàtổng công ty lớn đạt hơn 68.000tỉ đồng trong con số lợi nhuận nêu trên.
Kết quả này là do những tác động rất lớn củayếu tố khách quan nhờ việc tăng giá năng lượng và lương thực trên thế giới.Ví dụnhư Tập đoàn Dầu khí đạt 76% mức doanh thu so với kế hoạch năm,Tổng công ty Lương thực miền Bắc đạt 82,3% kế hoạch.
Ngược lại, cũng có những DNNN thua lỗ như Tổng công ty Xăng dầu (Petrolimex) lỗ 900 tỉ đồng, Tổng công ty Xây dựng miền Trung lỗ 88,5 tỉ đồng, Tổng công ty Chè lỗ 4,8 tỉ; chưa kể đến một số DNNN lớn khác tuy không lỗ nhưng lợi nhuận không đáng kể.
Nhưng xét về tổng vốn huy động thì Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho rằng, 76 tập đoàn và tổng công ty nhà nước hiện đã huy động 514.000tỉ đồng (gấp 1,36 lần vốn chủ sở hữu).
Con số này tính chung cả vốn vay trong nước, nước ngoài, ngắn hạn, dài hạn và các khoản nợ phải trả khác. Việc vay vốn trong điều kiện nhà nước không cấp thêm là phù hợp với việc kinh doanh.
Tuy nhiên, ông Muôn vẫn đánh giá: "Mức nợ 1,36 lần là không được và đặc biệt ở một số tập đoàn còn quá cao”. Ông cũng phàn nàn việc Chính phủ giao cho Bộ Tài chính quy định cụ thể về việc đầu tư ra ngoài ngành chính không quá 30% nhưng hiện nay Bộ chưa trình dự thảo đó.
Ông Muôn nói thêm rằng, tuần tới, Chính phủ sẽ có cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn để rà soát lại tình hình và tiếp tục đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, dù hoàn cảnh thị trường chứng khoán và tình hình sản xuất có nhiều khó khăn.
Một số hình thức đổi mới cổ phần hóa sẽ được đưa ra tại cuộc họp sắp tới như cổ phần hóa không qua IPO mà sử dụng các hình thức bán cổ phần khác theo luật cho phép như bán thỏa thuận hay bảo lãnh phát hành.
DNNN cân nhắc lại việc tham gia vào ngân hàng
Liên quan đến việc sử dụng đồng vốn của nhà nước tại các DNNN, rất nhiều ý kiến tại cuộc họp báo xoay quanh vấn đề các tập đoàn kinh tế còn tiếp tục theo đuổi các giấy phép thành lập ngân hàng mà họ đã tham giá góp vốn hay không và Chính phủ chỉ đạo như thế nào về việc này.
Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nói: “Vinatex có tham gia góp vốn 12% vào Ngân hàng cổ phần thương mại công nghiệp Việt Nam (mới được chấp thuận về nguyên tắc) nhưng trong điều kiện hiện nay, kinh doanh ngân hàng gặp khó khăn chúng tôi đang ngưng lại việc tham gia. Nếu thị trường thuận lợi hơn Vinatex sẽ xem xét lại, nếu không thì thôi”.
Còn ông Lê Xuân Vệ, Trưởng ban tổ chức nhân sự, đại diện cho Tập đoàn Dầu khí trả lời về việc thành lập ngân hàng Hồng Việt khi nhiều cổ đông đã xin rút vốn rằng: “Chính phủ chỉ đạo PetroVietnam chỉ được tham gia góp vốn ở một ngân hàng. Việc này do PetroVietnam tự quyết định. Hiện chúng tôi đang góp 1.000 tỉ đồng tại Ngân hàng cổ phần thương mại Dầu khí toàn cầu (GP Bank). Nếu tiếp tục tham gia ở đó thì phải ngưng việc góp vốn ở ngân hàng Hồng Việt ”.
Ông Vệ cũng giải thích thêm rằng, trong điều kiện hiện tại, PetroVietnam chưa có quyết định cuối cùng về việc chuyển nhượng vốn góp ở GP Bank để đầu tư vào Hồng Việt hay ngưng Hồng Việt để nâng vốn góp ở GP Bank (việc nâng vốn điều lệ ở các ngân hàng thương mại hiện đang được siết rất chặt).
Ông Muôn cũng tái khẳng định Thủ tướng đã có chỉ đạo về việc chỉ được tham gia góp vốn ở một ngân hàng của PetroVietnam nhưng không chỉ thị trực tiếp đơn vị này đầu tư vào đâu hay thoái vốn ở đâu.
Trong một khẳng định khác, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nói rằng Bộ này vẫn giữ nguyên con số công bố cách đây 2 tháng về tỷ lệ đầu tư vào chứng khoán, bất động sản và ngân hàng của các Tập đoàn kinh tế là 7.370 tỉ đồng (riêng đầu tư vào ngân hàng là 4.426 tỉ đồng), bằng 1,3% vốn chủ sở hữu.
Con số này được đúc kết từ Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2006 của các DNNN lớn. Tất cả các đề nghị điều chỉnh số nợ/vốn chủ sở hữu như văn bản gần đây của Cienco 5 chỉ được ghi nhận, chưa được điều chỉnh vì các doanh nghiệp nói trên chưa có báo cáo tài chính đã được hợp nhất của năm 2007. Chỉ khi nào có báo cáo kiểm toán cuối cùng, Bộ Tài chính sẽ làm việc với các doanh nghiệp có số nợ/vốn chủ sở hữu cao như yêu cầu của Thủ tướng.