Theo nhận định của Giám đốc môi giới một CTCK, từ nay đến cuối năm là thời điểm các cổ phiếu “bị làm giá” hoạt động mạnh. Nguyên nhân là do thị trường chứng khoán giao dịch sôi động, thông tin kinh tế vĩ mô có nhiều nét tích cực và cơ hội kiếm lãi trên thị trường trở nên dễ dàng hơn thời điểm trước đó.
Nhiều cổ phiếu bỗng dưng tăng trần, bỗng dưng giảm sàn
Từ "bỗng dưng" nghe như đùa nhưng nếu soi các bản giải trình nguyên nhân tăng giá cổ phiếu của các doanh nghiệp thì đúng là như thế. Hầu hết, các doanh nghiệp khi giải trình nguyên nhân cổ phiếu công ty mình tăng giá "ầm ầm" đều là “Diễn biến giá cổ phiếu theo cung cầu của thị trường, do thị trường quyết định, hoàn toàn không nằm trong sự kiểm soát của công ty và chúng tôi không có bất cứ sự can thiệp nào vào diễn biến giá cổ phiếu”.
Phải vậy, nếu doanh nghiệp kiểm soát được thì câu chuyện giá rổ cổ phiếu đã dễ xử. Đằng này, cổ phiếu cứ bỗng dưng tăng trần/bỗng dưng giảm sàn như có bàn tay ai đó điều tiết. Ai đó vẫn chưa rõ là ai nhưng những thông báo phạt của UBCKNN đối với các cá nhân, tổ chức vì tội thao túng giá cổ phiếu vẫn thi thoảng được đưa ra.
Cuối tuần qua, Incomfish (ICF) đã có công văn gửi HoSE giải trình về giá cổ phiếu tăng trần liên tục. Bên cạnh khẳng định bản thân công ty không có can thiệp gì thì doanh nghiệp thủy sản này cũng đề nghị UBCKNN phối hợp cùng VSD làm rõ. Đó là đề nghị chính đáng của công ty để bảo vệ cổ đông của mình.
Sau 10 phiên tăng trần liên tiếp thì ICF đã bỗng dưng sàn với thanh khoản èo uột, chỉ gần 80.000 cổ phiếu ngày 29/11 và hôm qua (2/12) chỉ còn khớp lệnh 260 cổ phiếu! Những phiên giao dịch lớn hàng trăm ngàn cổ phiếu trong chuỗi tăng bất ngờ không còn. Nhà đầu tư nào vô tình ăn theo sóng tăng vào cuối chu kỳ đành ôm hận nhìn cổ phiếu rớt giá thảm thương, muốn cắt lỗ cũng không ai mua mà bán.
Hay như VNH thủy sản Việt Nhật, chuỗi ngày 29 phiên tăng trần liên tiếp bất ngờ đã được thế chân bởi 2 phiên giảm sàn liên tục. Phiên giảm sàn đầu tiên còn đạt thanh khoản gần 500 nghìn cổ phiếu nhưng đến phiên hôm qua thì đứt gánh thanh khoản, chỉ chưa đầy 12 nghìn cổ phiếu giá cao "thoát được hàng", gần 1,7 triệu cổ phiếu chờ dài mà không có lệnh mua.
Hay như PXM của Xây lắp Dầu khí Miền Trung, 11 phiên tăng trần đã đứt chuỗi bởi 3 phiên giảm sàn liên tiếp. Dư bán mỗi phiên trên 500 ngàn đơn vị trong khi thanh khoản khớp lệnh rơi thảm chỉ còn chưa đầy 1.500 cổ phiếu phiên giao dịch hôm qua.
Bức tranh buồn thời hoàng kim TTCK có lặp lại?
Thời hoàng kim TTCK Việt Nam cuối năm 2007, đầu năm 2008 bỗng chốc trở về trong tâm trí nhà đầu tư. Thời đó, nhiều cổ phiếu được đẩy giá cao ngất ngưởng. Phải vài trăm ngàn đồng, thậm chí, nửa triệu đồng mới mua được một cổ phiếu bluechips. Và, giá cứ tăng theo đà rượt đuổi mua vào không toan tính đâu là giá trị thực. Rồi, thảm cảnh gì đến thì phải đến. Thị trường quay đầu tìm giá trị thực sau giai đoạn bong bóng giá.
Hàng loạt cổ phiếu tăng nóng bị mất thanh khoản, lệnh bán giá sàn ngập thị trường nhưng không ai mua. Một bức tranh u ám chưa từng có sau thời hoàng kim xuất hiện.
Nhưng, câu chuyện 2007-2008 là câu chuyện của số đông, của mọi cổ phiếu. Còn, câu chuyện hiện nay lại khác.
Trong khi nhiều cổ phiếu đã xuống dưới giá trị sổ sách (tức thị giá thấp hơn giá trị thực của công ty) thì nhiều cổ phiếu lại tăng phi mã trong khi hoạt động kinh doanh dù có tốt lên thì cũng không thể chạy với tốc độ như thế!
Những ví dụ tăng trần/bất ngờ giảm sàn như nêu ở trên khiến người ta liên tưởng đến bức tranh buồn sau buổi hoàng kim năm nào. Điều cần làm là nhà đầu tư phải tỉnh táo để tránh bẫy tăng giá ảo rồi ôm cổ phiếu giá cao, không thể bán được.