Đầu tư công tại Việt Nam – bao nhiêu năm vẫn vậy
Nhận xét ngắn gọn của TS Vũ Đình Ánh về đầu tư công của Việt Nam là: “ không có gì thay đổi. Câu chuyện từ năm 2009 đến giờ, cứ như là chuyện hôm qua!”
Để chứng minh cho nhận xét của mình, chuyên gia kinh tế này đã phác họa lại bức tranh về đầu tư công từ năm 1995 đến nay. Theo đó, trong giai đoạn 1995 – 2006, tỷ trọng đầu tư của khu vực kinh tế Nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội luôn trên con số 40%, cao nhất là năm 2001 với 60%. Từ 2007 đến nay, tỷ trọng đã giảm xuống dưới 40%.
Tính theo giá thực tế, tỷ trọng của đầu tư công trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội biến động rất mạnh. Suốt những năm 1996-2005, nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, tỷ trọng này luôn được duy trì ở mức 50-60%.
Điều đó có nghĩa là Chính phủ đã sử dụng đầu tư công như là một công cụ để vượt qua khủng hoảng tài chính năm 1997.
Tuy nhiên, từ 2007, đầu tư công tương đối ổn định ở mức trên dưới 40% tổng vốn đầu tư toàn xã hội bất chấp chủ trương thắt chặt chi tiêu công kiềm chế lạm phát năm 2010 -2011. Riêng năm 2008 đạt mức thấp nhất là khoảng 30% do thắt chặt chính sách tài khóa để chống lạm phát.
TS Vũ Đình Ánh cho rằng, sự giảm tỷ trọng này không phải do Chính phủ chủ động mà là do nguồn lực để đầu tư công “có vấn đề”. Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đồng tình với nhận xét này. Bà nói vui: “Nhà nước tham quá, cái gì cũng muốn làm trong khi nguồn lực ngày càng suy giảm. Điều đó dẫn đến việc đầu tư công dàn trải, manh mún và không hiệu quả.”
Sự không hiệu quả ấy thể hiện ở đâu?
Trước hết, phải nói rằng, mặc dù tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng đều giảm, nhưng quy mô đầu tư công tính theo số tuyệt đối liên tục tăng cao.
Còn thực tế đầu tư công thì như Bộ KH&ĐT cho biết, mặc dù Chính phủ đã và đang nỗ lực cắt giảm đầu tư công để chống lạm phát song trong 6 tháng đầu năm 2012 đã có thêm 6.731 dự án sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên được khởi công – tăng gần 1000 dự án so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên số dự án hoàn tất và đưa vào khai thác chỉ là 4.693.
Thực tế đáng buồn hơn là các dự án hầu hết bị thi công chậm tiến độ, nghiệm thu sai hay nghiệm thu thanh toán khống, thanh toán cho dự án không được bố trí vốn… Và số liệu cơ cấu đầu tư công theo nhóm ngành giai đoạn 2000 – 2012 thì cho thấy tỷ trọng đầu tư vào sản xuất kinh doanh chỉ chiếm phần rất nhỏ.
Khoảng 25% tổng chi NSNN được dành cho đầu tư phát triển
Nguồn tài trợ cho đầu tư công tại Việt Nam chủ yếu là từ Ngân sách nhà nước (NSNN). Trong suốt giai đoạn 1995 – 2012, tỷ trọng vốn đầu tư từ NSNN trong tổng vốn đầu tư công liên tục chiếm tỷ trọng rất cao với trên 40%. Ngoài ra, đầu tư công còn trông cậy vào vốn vay tới trên 30% giai đoạn 1998 – 2003.
Trong khi đó, vốn đầu tư của Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lại có xu hướng giảm liên tục từ 1995 – 2005, tăng vọt lên 30% vào 2006 – 2007 rồi giảm xuống dưới 20% kể từ năm 2010 và thậm chí là 10% năm 2012.
“Dường như biến động của vốn đầu tư từ DNNN phụ thuộc vào việc phát hành trái phiếu quốc tế chính phủ dành cho DNNN vay lại vào các năm 2005 và 2010 nhiều hơn là biến động của tổng tín dụng cho nền kinh tế” – TS Vũ Đình Ánh nhận xét.
Để duy trì tỷ lệ đầu tư cao từ NSNN trong đầu tư công, Việt Nam thường xuyên dành khoảng 25% tổng chi NSNN cho đầu tư phát triển và 15% cho trả nợ.
Đáng nói là vốn ngân sách để chi đầu tư phát triển liên tục tăng cao và thường xuyên vượt dự toán năm. Con số dự toán luôn thấp hơn quyết toán, đây có thể nói là truyền thống của Việt Nam.
Để bù đắp bội chi, Việt Nam buộc phải vay cả trong nước và nước ngoài nhưng các khoản vay được sử dụng vào mục đích không sinh lợi nên toàn bộ số chi trả nợ gốc phải trông vào phát hành nợ mới, đặc biệt là vay trong nước. Nói cách khác, Việt Nam đang phải sử dụng phương pháp đảo nợ cho những khoản nợ quốc gia. Và như vậy, NSNN đang đứng trước “vòng xoáy” nợ nần với quy mô nợ Chính phủ ngày càng lớn.
Điều đó cũng có nghĩa, toàn bộ thâm hụt NSNN là dành cho đầu tư công và được tài trợ bằng vay nợ. Thậm chí đa số vay nợ (cả trong và ngoài nước) cũng dành cho đầu tư công.
TS Ánh cho rằng, trong tình trạng số liệu về an toàn nợ công rất mù mờ và không cập nhật thì việc nâng cao “kỷ luật chi ngân sách” là cực kỳ cần thiết.
Lối đi nào cho tái cơ cấu đầu tư công?
TS Vũ Đình Ánh khẳng định rất quyết liệt: "Cơ cấu đầu tư công cần gắn với cơ cấu lại NSNN cả từ góc độ nguồn lực cho đầu tư công cũng như sử dụng vốn đầu tư công trên cơ sở xác định lại vai trò của Nhà nước và NSNN trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, cơ cấu đầu tư công cần chuyển dịch nhằm đảm bảo an toàn nợ công và góp phần giảm thâm hụt NSNN cũng như tăng cường kỷ luật chi NSNN."
Nếu không làm như vậy, e rằng đến đời con cháu chúng ta, câu chuyện tái cơ cấu đầu tư công vẫn chẳng có gì thay đổi!