Cho đến nay, dù sụt giảm nhưng vẫn còn không ít doanh nghiệp (DN) trụ vững trong “câu lạc bộ (CLB) 10.000 tỷ” và đáng nói hơn, họ cũng là “chủ sở hữu” của những cổ phiếu rớt giá không đáng kể.
Theo thống kế từ đầu tháng 4/2008 thì 7 DN có giá trị vốn hoá trên thị trường đang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) gồm VNM của Vinamilk với 19,8 nghìn tỷ đồng, DPM của Đạm Phú Mỹ hơn 19 nghìn tỷ đồng, STB của Sacombank 17,03 nghìn tỷ đồng, PPC của Nhiệt điện Phả Lại 12,5 nghìn tỷ đồng, VPL của Công ty cổ phần Du lịch và Thương mại Vinpearl 12,3 nghìn tỷ đồng, PVD của Công ty Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí hơn 12 nghìn tỷ đồng, VIC của Công ty cổ phần Vincom 10,5 nghìn tỷ đồng.
Đến cuối tuần qua, trong số 7 loại cổ phiếu này đã có 4 cổ phiếu không còn nằm trong "CLB 10.000 tỷ" nữa là PVD (giá trị vốn hóa còn 8.200 tỷ đồng), PPC (còn hơn 8.150 tỷ đồng) và STB còn hơn 9.500 tỷ đồng.
Trong số 4 DN còn lại thì VNM vẫn dẫn đầu với hơn 18.025 tỷ đồng. Tiếp đến là DPM với 16.000 tỷ, VPL 10.600 tỷ và VIC gần 10.100 tỷ đồng.
Riêng VNM hiện là DN duy nhất tại sàn TPHCM có giá trị vốn hoá xấp xỉ 1 tỷ USD (tại Sàn Hà Nội hiện chỉ ACB có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD)
So với quy mô của thị trường khu vực và thế giới thì số vốn trên không cao nhưng trong tình hình hiện nay mà vẫn tồn tại CLB 10.000 tỷ tại sàn HOSE quả là điều đáng ghi nhận.
Bất chấp tỷ lệ giảm giá cổ phiếu trung bình khoảng 60%, nhiều cổ phiếu đã và đang nằm trong nhóm CLB 10.000 tỷ giảm không đáng kể và được xem là những loại cố phiếu có tính thanh khoản cao, được nhà đầu tư trong nước lẫn ngoài nước giao dịch nhiều trong thời gian qua.
So với 2 tháng trước, VNM chỉ giảm hơn 15.000đ/cổ phiếu, mức giảm thấp hơn nhiều so với REE, SAM, SSI, FPT, SJS, GMD... những cổ phiếu từng là blue-chip cùng thời với VNM.
DPM cũng chỉ giảm gần 10.000đ/cổ phiếu, VPL giảm 7.000đ/cổ phiếu riêng VIC lại tăng 500Đ/cổ phiếu (so với 1 tháng trước)!
Dù không còn trong CLB 10.000 tỷ nhưng STB vẫn luôn là 1 trong 5 chứng khoán có số lượng giao dịch lớn nhất sàn HOSE từ nhiều tuần nay, lượng giao dịch PPC và PVD giảm không đáng kể.
Những con số trên chứng tỏ các mã cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn không chỉ mạnh về lượng mà còn được nhà đấu tư đánh giá cao về chất.
Nhiều chuyên gia chứng khoán nhận định sau cơn bao giảm giá thì nhà đầu tư đã có nhiều kinh nghiệm hơn và họ vẫn nhìn ra "đốm sáng trong đêm”.
Một năm trước, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn SSI đưa ra danh sách 20 Công ty niêm yết hàng đầu tại thị trường chứng khoán Việt Nam chiếm hơn 80% tổng giá trị vốn hóa cả hai sàn HASTC và HOSE thì nhiều nhà đầu tư đã xem đây như "kim chỉ nam" để mua bán.
Cho đến nay, nhiều cổ phiếu của các công ty này đã rớt giá khá mạnh như SSI, REE, SAM, SJS GMD... và nhà đầu tư lại xem những cổ phiếu trong CLB 10.000 tỷ là một trong danh mục tham khảo chính khi đưa ra quyết định mua, bán.
Không chỉ mạnh trên sàn mà trên thị trường tiêu dùng, VNM vẫn giữ được vị trí hàng đầu trong giới sản xuất, kinh doanh sữa, còn DPM với sản phẩm chính phân bón đang chiếm đến 40% thị trường phân đạm toàn quốc với lợi nhuận ước hơn 1.000 tỷ trong năm nay.
Riêng VIC và VPL cùng một "chủ” được ưa chuộng bởi những dự án đang ăn nên làm ra (Vinpearl tại Nha Trang và Vincom tại Hà Nội) cũng như tương lai được đảm bảo bằng nhiều bất động sản lớn trên cả nước.
Ông Lâm Minh Chánh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Đại Việt cho rằng dù có khối lượng cổ phiếu niêm yết cực lớn nhưng các cổ phiếu trên không rớt giá nhiều do nhà đầu tư nhìn ra "giá trị thực” của các cổ phiếu này.
Nhà đầu tư Bùi Minh Hiển (sàn ACBS) cũng thừa nhận: “Việc VNM luôn có lợi nhuận hấp dẫn và kế hoạch niêm yết tại Singapore chính là lực hút nhà đầu tư, còn DPM, VIC, VPL không bị bán tháo trong thời gia qua vì ai cũng thấy giá phân bón của DPM vẫn tăng đều đặn, bất động sản của Vincom có nhiều vị trí quá đẹp”.
Đáng chú ý hơn, các loại cổ phiếu trên đều có khối lượng niêm yết trên 100 triệu cổ phiếu, khác hẳn với các loại cổ phiểu có số lượng chỉ vài triệu nên bị làm giá trước đây như BMC, LBM, TCT...
Hiện DPM niêm yết 380 triệu cổ phiếu, STB 444 triệu cổ phiếu, VNM 175 triệu cổ phiếu, PPC 326 triệu cổ phiếu, VIC 120 triệu cổ phiếu, VPL 100 triệu cổ phiếu và PVD 110 triệu cổ phiếu.