Doanh nghiệp khó tìm “tín” cho tín dụng

 
Theo tổng kết, trong mười tháng đầu năm, Hà Nội có hơn 10.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, giảm 11,5%.

Tại hội nghị về tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh hỗ trợ lãi suất, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trên địa bàn Hà Nội diễn ra sáng 14.11, phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhận định, vấn đề vay vốn của doanh nghiệp tiếp tục là nan giải.

Mở đầu phần thảo luận, ông Lê Văn Thành, tổng giám đốc công ty cổ phần Động Lực cho biết, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội vẫn cực kỳ khó khăn, “bao nhiêu tài sản đã bị ngân hàng quét hết rồi”. Trong các năm 2011, 2012, doanh nghiệp vay vốn với lãi suất hai mấy phần trăm nên vốn “đi sạch”. Ông Thành tâm sự, đa số anh em trong hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đều trong giai đoạn nghe ngóng, co cụm, không dám làm gì. Để mở rộng đầu tư, mong muốn của các doanh nghiệp là thành phố đứng ra làm “trọng tài” với bên ngân hàng, đảm bảo niềm tin, để nguồn vốn ổn định 3 – 5 năm. “Chứ cứ thay đổi, giật đùng đùng như bão thì không dám làm, bị đòi nửa chừng là chết”, ông Thành nói.

Đại diện hiệp hội Công thương thành phố Hà Nội nêu thực trạng, lòng tin giữa doanh nghiệp và ngân hàng vẫn là vấn đề, vẫn chưa có gì đảm bảo để doanh nghiệp vay được vốn, tăng trưởng tín dụng hạn chế, doanh nghiệp vừa và nhỏ không có tài sản thế chấp, không đạt được các điều kiện để vay. Do đó thành phố nên có thẩm định dự án và bảo lãnh tín dụng.

Trả lời những khúc mắc về vốn, ông Trần Quốc Hùng, phó giám đốc ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội kêu gọi doanh nghiệp và các ngân hàng trên địa bàn “đặt niềm tin vào nhau”. Các doanh nghiệp hãy thể hiện bằng việc có phương án tái cấu trúc hiệu quả hơn. Ông Hùng cũng nêu lên các biện pháp khơi thông dòng vốn như ưu tiên thu nợ gốc trước lãi, thủ tục hành chính một cửa, cho vay quản lý theo dòng tiền…

Đáng chú ý, đại diện một số doanh nghiệp nhỏ trong hội nghị “kêu than” về tiền thuê đất cao, phải đóng lượng lớn thuế nhập khẩu trước khi lấy hàng, đề nghị cho thời gian ân hạn dài hơn. Các doanh nghiệp cũng đề nghị thành phố ưu đãi thuế giá trị gia tăng, “doanh nghiệp chết rồi, cần gì ưu đãi thuế thu nhập nữa”…

Theo tổng kết, trong mười tháng đầu năm, Hà Nội có hơn 10.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, giảm 11,5%. Trong đó giải thể hơn 500 (tăng gần 50%), bỏ địa chỉ kinh doanh hơn 6.400 (tăng 9,4%), tạm ngừng kinh doanh hơn 3.000 (giảm gần 40%). Năm 2013, ước có gần 15.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập theo luật Doanh nghiệp với tổng số vốn khoảng 100.000 tỉ đồng, tăng 12% về số doanh nghiệp và 33% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây