![]() |
Nguyên nhân, do nhiều ngân hàng áp dụng các thủ tục cho vay khắt khe hơn và trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, nhiều DN cho rằng mức lãi suất hiện tại vẫn không khả thi đối với các dự án của họ.
Doanh nghiệp bất động sản: Không vay vốn thời điểm này
Thị trường bất động sản (BĐS) "đóng băng" là nguyên nhân khiến các DN kinh doanh trong lĩnh vực này không còn mặn mà với các khoản vay NH, mặc dù lãi suất đã hạ khá sâu.
Ông Nguyễn Trường Tiến - Phó TGĐ TCty Xây dựng Hà Nội - cho rằng: "Vay vốn NH tại thời điểm này rất dễ nhưng không DN nào muốn vay, bởi một lẽ thị trường không có đầu ra. Hiện tại, với lãi vay ngắn hạn khoảng 10-12%/năm thì không khả thi với các dự án BĐS có nhu cầu vay vốn trung và dài hạn. Đầu tư một dự án phải huy động vốn ít nhất trong thời hạn 2-3 năm, lâu 5-6 năm, nhưng lãi suất trung và dài hạn của các NH hiện ở mức 14-15%/năm thì DN càng khó có lãi để tiếp tục cầm cự. Chúng tôi đồ rằng, trong vòng 6 tháng tới, thị trường sẽ còn tiếp tục "đóng băng", làm cho các nguồn vốn huy động từ NH trong nước càng khó tới DN".
Lo ngại trước thực trạng này, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng VN - lại đề cập tới khía cạnh thủ tục cho vay vốn. Ông nói: "Hầu hết các dự án BĐS hiện nay đều gặp vướng mắc vì NH yêu cầu phải có đầy đủ giấy tờ pháp lý để hoàn tất các thủ tục thế chấp, phải có sổ đỏ.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp chủ đầu tư mong muốn vay tiền NH để triển khai các phần việc như đền bù, GPMB, xây dựng hạ tầng khu đô thị, trước khi huy động vốn của nhà đầu tư thứ cấp hoặc của chủ sở hữu các căn hộ. Chính vì không thể có đủ các giấy tờ cần thiết nên thủ tục giải ngân không thực hiện được. Thời kỳ kinh doanh siêu lợi nhuận đã qua, các DN BĐS không thể đầu tư bằng mọi giá để kiếm tiền một cách nhanh chóng, nên họ phải "trông giỏ bỏ thóc".
Doanh nghiệp sản xuất: Đối mặt nguy cơ phá sản
![]() |
Công trình xây dựng, cải tạo nút giao thông Kim Liên (Hà Nội) - ảnh minh hoạ. |
Nhiều DN sản xuất công nghiệp đang "ngồi trên đống lửa" vì tồn kho, ứ đọng sản phẩm cao. Đây cũng là lý do DN chậm giải ngân các nguồn vốn vay, bởi càng vay, càng phải trả lãi cao khiến DN thêm khó khăn chồng chất.
Ông Nguyễn Hữu Quang - GĐ Cty ximăng Hoàng Mai - tâm sự: "Năm nay, các NH đều khắt khe hơn trong khâu thẩm định cho vay. Nếu như những năm trước, DN có nợ đến hạn phải trả, nhưng không trả được thì nợ được liệt vào diện nợ đáo hạn, để tiếp tục cho vay. Nhưng năm nay, nợ đến hạn không trả thì NH cũng ngừng ngay lập tức khoản vay mới. DN vay hết hạn mức trong năm thì cũng đừng hy vọng vay thêm khoản mới. Điều này càng làm cho DN phải cân nhắc các khoản vay sao cho có hiệu quả".
"Năm nay, nhiều ngành sản xuất vật liệu xây dựng như ximăng, sắt thép đều chung tình trạng tồn kho, ứ đọng sản phẩm lớn. Hiện XM Hoàng Thạch tồn kho tới 230.000 tấn, Hoàng Mai tồn 180.000 tấn... nên giải pháp trước mắt là tiêu thụ sản phẩm tồn, thì vốn vay mới có hiệu quả" - ông Quang nói.
Khó khăn hơn cả là các DN nhỏ và vừa. Theo khảo sát của Hiệp hội DN nhỏ và vừa VN, với mặt bằng lãi suất hiện nay, hầu hết các DN đều cho biết, rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay cho những hoạt động kinh doanh sản xuất những tháng cuối năm. Khó khăn càng gay gắt hơn đối với những DN quy mô nhỏ, vì đây là khu vực DN dễ bị tổn thương do hạn chế về quy mô, nguồn lực, thiếu tài sản thế chấp, không chịu nổi lãi suất cao.
Ông Nguyễn Lê Trung - Cục trưởng Cục Phát triển DNNVV - cho rằng: Nhiều DN quy mô nhỏ chọn cách huy động vốn từ bạn bè, người thân thay vì vay vốn NH để đỡ phải chịu gánh nặng lãi suất. Nhưng còn các DN có quy mô vừa là đối tượng bị thiệt hại nặng nề, đã buộc phải thu hẹp sản xuất để giảm dần dư nợ, thậm chí một số DN có dự án kinh doanh khả thi cũng phải dừng lại, vì với lãi suất cao sẽ không là khả thi nữa.
Khó tiếp cận vốn lãi suất ưu đãi |