Đối phó 03, nhiều ngân hàng dùng “tiểu xảo”

Trong lúc thị trường chứng khoán ảm đạm, nhà đầu tư chưa tìm được cơ hội bán cổ phiếu để trả nợ, thì theo quy định Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31-12 tới, các ngân hàng thương mại (NHTM) phải thu hồi nợ về để bảo đảm tỉ lệ cho vay chứng khoán không quá 3% tổng dư nợ tín dụng. Sự thúc ép này làm cho NHTM lâm vào tình thế lúng túng như “gà mắc tóc”.

Không thể bắt khách hàng trả nợ trước hạn

Tại cuộc họp cuối tuần qua của ngành ngân hàng trên địa bàn TPHCM, hầu hết các NHTM cho biết, họ không thể khống chế dư nợ vốn cho vay đầu tư chứng khoán ở mức 3% theo thời hạn quy định. Nguyên nhân là nhiều hợp đồng tín dụng được ký trước khi Chỉ thị 03 ban hành (28-5) và có thời gian đáo hạn sau ngày 31-12. Những hợp đồng này đã giải ngân một phần hoặc giải ngân được 2/3 và sau ngày 1-7 phải giải ngân tiếp để kết thúc hợp đồng. Trong khi đó, Chỉ thị 03 có hiệu lực thi hành từ ngày 30-6-2007 nên các ngân hàng phải tôn trọng hợp đồng tín dụng đã cam kết. Nếu khách hàng không đồng ý, các ngân hàng không thể buộc họ phải trả nợ trước hạn. Các chuyên gia cho rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước tính các hợp đồng đã ký trước thời điểm Chỉ thị 03 có hiệu lực thi hành, thì tỉ lệ dư nợ cho vay chứng khoán của một số NHTM không thể về đúng thời hạn.

Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Ban Pháp luật và Nghiệp vụ Hiệp hội Ngân hàng (VNBA), cho biết không ít NHTM đã ký hợp đồng cho vay thời hạn một năm nên thời hạn thanh lý hợp đồng sẽ rơi vào năm 2008. Những hợp đồng này hoàn toàn hợp lệ theo đúng quy định của Luật Dân sự và Luật Các tổ chức tín dụng. VNBA đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho lùi thời gian thanh lý đối với những hợp đồng này đến 30-6-2008, song đến nay VNBA vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi.

Loại T+3 ra khỏi Chỉ thị 03?

Theo bà Nguyễn Thị Diệu Thơ, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), việc NHTM cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán (T+3) là cho vay thế chấp quyền phải thu; khoản vay này đã có tiền bên mua bảo chứng nên NHTM ứng trước tiền cho nhà đầu tư vẫn bảo đảm tính an toàn trong hoạt động cho vay. “Bản chất của T+3 là nhà đầu tư đã bán ra cổ phiếu lại cần tiền ngay để tham gia thị trường vào ngày hôm sau. Nếu lấy T+ 3 để tính dư nợ cho vay chứng khoán sẽ làm cho NHTM không đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư, hạn chế tính thanh khoản chứng khoán” - một đại diện của NHTM Phương Đông nói.

Cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán có bị ghép vào dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán hay không? Đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có văn bản trả lời. Theo các chuyên gia chứng khoán, một khi tài khoản tiền của nhà đầu tư mở tại một NHTM nhưng dư nợ cho vay chứng khoán của NHTM đó đã cán mức 3%, nghĩa là người bán chứng khoán sẽ không ứng được tiền trong ngày. Hệ quả là nhà đầu tư bị chôn vốn trong 3 ngày. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần tách bạch cho vay cầm cố chứng khoán với vay ứng tiền đã bán chứng khoán, loại đối tượng ứng tiền bán chứng khoán ra khỏi Chỉ thị 03.

Để đối phó với Chỉ thị 03, nhiều NHTM đang dùng “tiểu xảo” đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để nâng tổng dư nợ tín dụng, đề ra các chương trình dễ dãi như: cho vay tín chấp lên đến hàng trăm triệu đồng, cho vay mua hàng điện máy, cho vay mua bán nhà đất... Khi tổng dư nợ tín dụng tăng lên thì tỉ lệ cho vay chứng khoán giảm xuống. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia tài chính, việc cho vay tiêu dùng tràn lan dễ tạo ra nguy cơ rủi ro cho các NHTM theo kiểu “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây