NĐT cá nhân lo lắng trước khả năng giảm sâu hơn của thị trường.
Vốn ngoại có ép giá?
Xu hướng bán tháo mạnh như ngày 10.1 thực tế đã từng xảy ra trước đó với cường độ còn mạnh hơn vào ngày 13.11.2007 (VN-Index giảm trên 32 điểm). Các phiên cắt lỗ ồ ạt như vậy thường xảy ra khi VN-Index phá vỡ một ngưỡng hỗ trợ được cho là rất mạnh. Phiên ngày 13.11, thị trường "gãy" mức hỗ trợ tâm lý 1.000 điểm và phiên ngày 10.1 "gãy" mức 900 điểm.
Diễn biến thị trường hôm qua bi quan hơn ở chỗ mặc dù khá nhiều thông tin tốt về khả năng kích cầu được tung ra, nhưng sức mua mấy phiên sau đó vẫn rất yếu. NĐT dường như mất niềm tin vào khả năng phục hồi trong ngắn hạn. Khối lượng bán cực lớn đã cung hàng dồn dập ngay từ đầu phiên khiến VN-Index giảm ngay 20,34 điểm.
Giá hầu hết các mã đều bị ép xuống gần chạm sàn tạo hiệu ứng tâm lý càng lan rộng trong đợt khớp lệnh liên tục. VN-Index mức thấp nhất trong đợt này đã có lúc chạm ngưỡng 849,69 điểm.
Lượng cung lớn phiên này cũng xuất phát từ khối NĐTNN. Thống kê giao dịch cho thấy lượng vốn ngoại chảy vào thị trường trong tình trạng âm tới 123,3 tỉ đồng: Bán ra tổng cộng 234,6 tỉ đồng trong khi chỉ mua vào 111,3 tỉ đồng.
Lượng bán lớn đều tập trung vào nhóm blue-chips có tác động chi phối tới VN-Index như DPM (98.120 CP), FPT (171.850 CP), PPC (304.000 CP), PVD (188.990 CP), SJS (57.500 CP), SSI (176.140 CP) VIC (127.930 CP), VNM (169.890 CP)...
Đây là cường độ bán mạnh nhất trong chẵn 40 phiên giao dịch gần đây của NĐTNN. Dấu hiệu này có lẽ sẽ tác động mạnh tới tâm lý NĐTTN vì trong nhiều giai đoạn thăng trầm trước đó của thị trường, khối này vẫn giữ nhịp độ mua vào lớn hơn bán ra. Lực đỡ giá đáng kể chỉ xuất hiện với HPG (320.620 CP) và ANV (173.540 CP).
Thấy gì qua khối lượng?
Thông thường trong một chu kỳ giảm sâu và kéo dài, phiên giao dịch giảm mạnh đi kèm với khối lượng tăng đột biến được nhìn nhận như một dấu hiệu tích cực. Nếu trong một thị trường tràn ngập thông tin tiêu cực và "cảm giác suy giảm" (bearish) vẫn ảnh hưởng tới tâm lý NĐT thì những ai có khả năng mua vào một khối lượng lớn như vậy?
Xấp xỉ 10,61 triệu CP và chứng chỉ quỹ đã được trao tay trong ngày 10.1 là một kỷ lục cần đặt dấu hỏi khi tăng đột biến 68% so với phiên trước. Giá trị giao dịch cũng tăng 72,4%, đạt 964,1 tỉ đồng (không tính trái phiếu) trong khi mức trung bình 5 ngày chỉ trên dưới 500 tỉ đồng/phiên. Điều này càng đáng chú ý hơn khi thị trường đã trải qua phiên thứ 60 trong chu kỳ điều chỉnh bắt đầu từ giữa tháng 10.2007.
Khối lượng gia tăng đột biến là một biểu hiện của sự quá sức chịu đựng lỗ của những NĐT đang nắm giữ CK và họ đồng loạt bán ra cùng một thời điểm. Bán tháo ồ ạt cũng là một biểu hiện của vùng đáy (selling climax).
Chính một phiên giảm mạnh như ngày 10.1 đã cho thấy sức cầu thực tế vẫn rất lớn và giá trị giao dịch suy kiệt thời điểm cuối năm 2007 chủ yếu là do NĐT cá nhân đã cạn vốn và các nguồn tiền lớn vẫn chưa giải ngân mạnh mẽ.
Khi lượng cung lớn ép giá chạm sàn, rất nhiều lệnh "câu đáy" (chỉ đặt mua giá sàn) đã chạm mức mua là một trong những nguyên nhân khiến khối lượng giao dịch tăng mạnh. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch phiên này vẫn chỉ chứng tỏ được một nhận xét: Lượng cầu lớn chủ yếu chờ mua ở giá thấp và sự thiếu tích cực này không có tác động nâng đỡ giá.
Thực tế áp lực bán vẫn quá lớn khiến giá hầu hết CP ở phiên đóng cửa tiếp tục giảm và thấp hơn giá mở cửa. Nếu sức cầu đủ mạnh để hấp thụ nguồn cung, giá CP sẽ có độ phục hồi nhất định.
Thống kê cho thấy trong phiên ngày 10.1, chỉ có 31/143 CK có mức giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa - biểu hiện của lực mua mạnh hơn lực bán. Tuy nhiên, nếu xét cả yếu tố khối lượng, trong 31 mã này cũng chỉ 20 mã có khối lượng khớp lệnh tăng so với phiên trước.
VN-Index trong phiên đóng cửa chỉ cao hơn mức thấp nhất (Low) không đáng kể và thấp hơn nhiều so với mức mở cửa là biểu hiện rõ ràng nhất của tương quan cung cầu này.
Khối lượng giao dịch lớn cũng cho thấy nhiều NĐT chấp nhận mức giá hiện tại vì bên cạnh tình trạng mua bị động do chạm mức giá đáy, tổng cầu trong phiên cũng đã tăng 66%. Điều đó chứng tỏ sự giảm giá mạnh đã hấp dẫn một lượng tiền mới tham gia giao dịch.
Dù vậy, nếu trong một vài phiên tới, VN-Index tăng mạnh đi kèm khối lượng lớn tương đương mới chứng tỏ những nguồn tiền trên thị trường chấp nhận mức giá hiện tại và khối lượng đột biến ngày 10.1 là biểu hiện của vùng đáy.