Mặc dù khối lượng khớp lệnh vẫn được duy trì với mức giảm không đáng kể nhưng giá trị giao dịch thấp chứng tỏ nguồn tiền đổ vào thị trường đã yếu đi nhiều.
Lợi thế bên mua
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7.12, VN-Index tạm dừng mức 974,63 điểm. Như vậy thị trường đã trải qua 47 phiên điều chỉnh kể từ mức đỉnh ngày 3.10. VN-Index đã giảm tổng cộng gần 132 điểm.
Nếu căn cứ vào xu hướng của chu kỳ tăng trưởng tháng 9-10 vừa qua, đợt điều chỉnh này đã có mức giảm khá sâu, tương đương hơn 61,8%. Hiện tại thị trường dường như đã xác lập được biên độ dao động trong khoảng 960 - 1.000 điểm. Hàng loạt blue-chips có tỉ trọng lớn trong rổ VN-Index cũng tìm được các mốc hỗ trợ tương ứng và khả năng giảm sâu tương đối khó.
Nguyên nhân là do tâm lý thị trường đã tốt hơn trước, các thông tin xấu đã phản ánh nhiều vào giá suốt 2 tháng qua và NĐT cũng đã bớt lo ngại, thậm chí có thể "chai" với những thông tin này.
Về phía tích cực, tâm lý mong đợi thị trường ấm dần vào trước thời điểm công bố báo cáo tài chính năm trở nên phổ biến, nhất là sau khi các thông tin IPO Vietcombank được rõ ràng. Hầu hết các NĐT được hỏi ý kiến đều nghĩ tới một mức giá đấu bình quân xoay quanh mốc 150.000đ/CP.
Tuy nhiên, thị trường cũng chưa thể bật lên ngay lập tức vào thời điểm này khi nguồn tiền vận động thiếu tích cực. Quy mô cung cầu đang tiếp tục cân bằng trong xu hướng giảm và đặc biệt là khối lượng khớp lệnh thành công thấp cho thấy sự giằng co về giá vẫn còn mạnh.
Với mức giảm mạnh vừa qua, làn sóng cắt lỗ đã rất yếu do mức lỗ quá lớn. Thống kê tuần qua cho thấy tỉ trọng khối lượng dư bán so với tổng cung vẫn duy trì xấp xỉ 46% mặc dù lượng bán ra giảm khoảng 4%. Điều đó cho thấy NĐT nắm giữ CP không có ý định bán bằng được.
Nguồn cung giá thấp suy kiệt thông thường là biểu hiện của vùng đáy thị trường. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ vai trò chủ động đang nằm trong tay bên mua. Khi NĐT chưa chấp nhận mua giá cao thì khối lượng khớp lệnh còn thấp và lượng dư mua lớn.
Nguồn tiền chủ động đặt giá thấp để giải ngân vào những phiên giảm khó tạo động lực phục hồi cho thị trường, nhất là khi những thông tin hỗ trợ chưa rõ ràng. Cụ thể là kết quả kinh doanh năm cũng như diễn biến của phiên đấu giá Vietcombank sắp tới.
Tổng khối lượng khớp lệnh CP tuần qua đã giảm khoảng 4% mặc dù có thêm nhiều hàng mới lên sàn đồng thời giá trị giao dịch chỉ còn trên dưới 700 tỉ đồng/phiên là những biểu hiện tiêu cực.
Có ngại nguồn tiền chảy ngược?
Về tổng thể, thị trường vẫn thừa khả năng hấp thụ khối lượng 97,5 triệu CP Vietcombank do lượng NĐT có tổ chức cả trong và ngoài nước sẽ tham gia đấu giá Vietcombank rất lớn và nhóm này đã có sự thu xếp vốn từ trước.
Đối với NĐT cá nhân, không loại trừ khả năng sẽ thực hiện rút bớt tiền khỏi thị trường niêm yết nhất là khi dấu hiệu phục hồi chưa rõ ràng. Giả sử khối lượng đăng ký mua gấp trung bình 5 lần khối lượng chào bán, sẽ có xấp xỉ 5.000 tỉ đồng phải nộp vào đặt cọc. Tuy nhiên một tỉ trọng lớn trong số này sẽ là NĐT tổ chức và NĐT cá nhân chuyên nghiệp.
Thực tế các đợt IPO lớn vừa qua đều làm dấy lên sự lo ngại về thiếu hụt tiền mặt trên thị trường nhưng các diễn biến sau đó đã cho thấy không quá nghiêm trọng. Đối với NĐT cá nhân, đợt đấu giá Vietcombank lần này có sự khác biệt nhất định khi "cửa" vay vốn từ ngân hàng khó khăn hơn nhiều với Chỉ thị 03. Do đó, bài toán thu xếp vốn đã phải đặt ra từ trước nếu NĐT có kế hoạch tham gia đấu giá, thậm chí có thể luân chuyển từ những kênh đầu tư khác.
Với mức giá khởi điểm 100.000đ của CP Vietcombank, những lo ngại về khả năng sức cầu trên thị trường tiếp tục yếu đi là có cơ sở nhưng chủ yếu dưới góc độ cộng hưởng với chu kỳ "lình sình" của thị trường khi sức mua vẫn chủ yếu là "câu đáy" (bottom fishing) giá thấp.
Ngoài ra, hoạt động ủy thác đấu giá và sự hỗ trợ tiền từ những Cty cung cấp dịch vụ cũng sẽ giúp làm giảm áp lực về vốn cho NĐT cá nhân.